Nhiều lo ngại sau khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ
Sau khi một số ngân hàng Mỹ sụp đổ, không ít ý kiến lo ngại rủi ro nợ xấu trong hệ thống ngân hàng nước này gia tăng và khủng hoảng tín dụng xảy ra, thậm chí một loạt nhà băng có thể bị 'nuốt'.
50 ngân hàng có thể bị “nuốt chửng”
Sự sụp đổ của Silvergate Bank, Signature Bank, nhất là Silicon Valley Bank, nhà băng thuộc Top 20 ngân hàng thương mại lớn nhất ở Mỹ, sau đó là vụ giải cứu Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai tại Thụy Sĩ, đã dẫn tới nỗi lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như năm 2008.
Có ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ hiện nay có một số điểm khác biệt lớn so với những gì diễn ra cách đây 15 năm như khủng hoảng tài chính năm 2008 có nguyên nhân bắt nguồn từ những tài sản khó xác định giá trị như chứng khoán đảm bảo bằng nợ bất động sản, trong khi hiện tại, trái phiếu kho bạc Mỹ và các loại trái phiếu khác (loại tài sản dễ định giá và dễ bán) là những tài sản gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng, nên sự can thiệp của cơ quan chức năng sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cựu Phó chủ tịch Lehman Brothers, ông Lawrence McDonald cảnh báo, cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể “nuốt chửng” thêm 50 ngân hàng khác ở Mỹ, nếu chính quyền không thực hiện các bước đi thích hợp để bình ổn thị trường.
Rủi ro nợ xấu
Nhiều chuyên gia đánh giá, rủi ro nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Mỹ là mối nguy hiểm tiềm tàng khi lãi suất tiếp tục tăng. Chủ tịch Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), ông Martin Gruenberg và Chủ tịch Tập đoàn BlackRock, ông Larry Fink, cũng đã bày tỏ về việc cần xem xét kỹ lưỡng hơn vấn đề này.
Mối đe dọa lớn nhất đối với thị trường tài chính toàn cầu rất có thể là rủi ro nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
Điều đáng lo ngại là các quỹ đầu tư tư nhân (PE) và các nhà đầu tư tổ chức khác được phép vay các khoản vay giá rẻ mà không có sự giám sát về cách thức các khoản vay có thể được liên kết với nhau. Mặc dù mỗi khoản vay có thể nhỏ, nhưng chúng có thể là các khoản vay chồng chéo lên nhau. Một trong những “mắt xích” gặp khó khăn có thể kéo theo sự sụp đổ dây chuyền và điểm cuối là các ngân hàng cung cấp đòn bẩy cho quỹ đầu tư đó sẽ gặp rắc rối. Trường hợp này càng dễ xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái và lãi suất vẫn tăng, vì như vậy sẽ khiến nhiều công ty và quỹ đầu tư vỡ nợ.
Thực tế, Silicon Valley Bank chủ yếu cung cấp tài chính cho quỹ đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư tư nhân. Credit Suisse cung cấp nhiều khoản vay cho các nhà quản lý quỹ. Mặc dù cả hai ngân hàng gặp khủng hoảng đều không phải do những khoản nợ đó gây ra, nhưng điều đáng lo ngại là chúng có thể gây ra sự sụp đổ hệ thống.
Công ty quản lý tài sản VGI Partners Global Investments nhận định, tín dụng khu vực tư nhân và các quỹ đầu tư vẫn sẽ là một lĩnh vực trọng tâm trong năm nay, một phần vì được dự đoán sẽ tăng gấp đôi giá trị vào năm 2026, lên 2.700 tỷ USD, nhưng “các quỹ đầu tư tư nhân có thể chứng tỏ là một rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống”.
Theo một số chuyên gia, tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng có thể dẫn đến các cuộc điều tra sâu hơn về hoạt động cho vay ngầm của hệ thống tài chính trên toàn cầu, bao gồm cả các khoản tín dụng, đòn bẩy tài chính do các quỹ đầu tư tư nhân, công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí là chủ nợ.
Các nhà quản lý quỹ lo ngại sẽ có một sự kiện tín dụng mang tính hệ thống gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với thị trường tài chính toàn cầu và mối đe dọa này rất có thể là rủi ro về nợ tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng.
Nguy cơ khủng hoảng tín dụng
Giới chức kinh tế Mỹ cho biết, họ đang theo dõi chặt chẽ tình trạng căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng, do điều này có thể kéo theo cuộc khủng hoảng tín dụng khi các nhà băng thắt chặt hoạt động cho vay, khiến nền kinh tế trì trệ.
Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Luis de Guindos nhận định, những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng gần đây có thể kéo theo việc thắt chặt các tiêu chuẩn tín dụng, khiến tăng trưởng kinh tế khu vực châu Âu chậm lại.
Ông Erik Nielse, Trưởng nhóm Cố vấn kinh tế tại UniCredit ở Anh cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng ngân hàng có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính lan rộng, các ngân hàng trung ương cần gắn chính sách tiền tệ với sự ổn định của thị trường tài chính. Các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ECB, cần đưa ra một tuyên bố chung về việc sẽ không tính tới bất kỳ đợt tăng lãi suất nào, ít nhất là cho đến khi thị trường tài chính ổn định trở lại.