Nhiều lợi thế phát triển thương mại dịch vụ

Huyện Trảng Bom có dự án tổng kho trung chuyển lớn nhất tỉnh. Đây cũng là địa phương phát triển mạnh công nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi gia cầm. Vì thế, khai thác thế mạnh thương mại dịch vụ để tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội được huyện quan tâm.

Sơ chế, đóng gói chuối xuất khẩu tại huyện Trảng Bom. Ảnh: H.Lộc

Sơ chế, đóng gói chuối xuất khẩu tại huyện Trảng Bom. Ảnh: H.Lộc

Đây cũng là một trong 4 lĩnh vực đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Có dự án tổng kho logistics cấp vùng

Những năm qua, cơ cấu kinh tế huyện Trảng Bom có bước chuyển dịch mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại. Sự chuyển dịch này kéo theo sự phát triển của các ngành dịch vụ như: vận tải, bưu chính viễn thông, tín dụng ngân hàng, suất ăn công nghiệp, nhà trọ cho công nhân, vui chơi giải trí; chợ, cửa hàng tiện lợi… và tăng trưởng thương mại.

Thống kê trong giai đoạn 2016-2020, lĩnh vực thương mại dịch vụ của huyện duy trì đà tăng trưởng bình quân 17%/năm, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ có mức tăng tương tự. 3 năm trở lại đây, do dịch bệnh và tác động của kinh tế thế giới, thương mại dịch vụ của huyện tăng thấp hơn, khoảng 10-11%.

Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam cho biết, những năm gần đây, thương mại dịch vụ của huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân và công nhân lao động trên địa bàn. Đến nay, huyện có 24 chợ, 23 cửa hàng tiện ích, một trung tâm thương mại đã đi vào hoạt động. Một số chợ đang được nâng cấp, đầu tư mới; các dự án trung tâm thương mại đang được tỉnh mời gọi đầu tư.

Cũng theo ông Nam, đáng chú ý trong phát triển thương mại dịch vụ của huyện là huyện có quy hoạch Tổng kho trung chuyển Miền Đông với diện tích hơn 1,4 ngàn hécta nằm trên địa bàn 4 xã: Đồi 61, Quảng Tiến, Giang Điền và Tây Hòa. Dự án sau đó được điều chỉnh quy mô còn hơn 600 hécta. UBND huyện đã công bố quy hoạch tổng kho này, đồng thời bàn giao hồ sơ quy hoạch cho các xã công bố thông tin. Đã có một số nhà đầu tư quan tâm đến dự án nhưng vì quy mô lớn, mang tính chất cấp vùng nên chưa lựa chọn được nhà đầu tư.

Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Bôn cho biết, Tổng kho trung chuyển Miền Đông là dự án logistics lớn của tỉnh nằm trên địa bàn huyện Trảng Bom. Theo quy hoạch được duyệt, tổng kho nằm ở vị trí đắc địa, dễ dàng kết nối với đường sắt, đường tránh Võ Nguyên Giáp, quốc lộ 1 và đường vành đai 4 - Thành phố Hồ CHí Minh bằng trục đường chính Đông Tây. Hiện tại, tỉnh đã đưa hơn 350 hécta đất quy hoạch tổng kho vào kế hoạch đấu giá đất năm 2024. Cũng theo ông Bôn, để khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo thuận lợi mời gọi nhà đầu tư cho dự án tổng kho, cần làm đường giao thông kết nối.

Bên cạnh đó, huyện Trảng Bom có một số dự án dân cư kết hợp thương mại dịch vụ đang trong quá trình triển khai.

Năm 2024, huyện Trảng Bom đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng ngành thương mại dịch vụ khoảng 11-11,5% so với năm 2023; có thêm 3-4 đơn vị tham gia sàn thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai.

Còn nhiều dư địa phát triển

Cuối tháng 5 vừa qua, HĐND tỉnh đã có buổi giám sát chuyên đề kết quả thực hiện lĩnh vực đột phá về phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics trên địa bàn huyện Trảng Bom. Tại buổi giám sát này, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo đánh giá, thời gian qua, phát triển thương mại dịch vụ của huyện Trảng Bom có bước chuyển biến rõ rệt. Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) và các sản phẩm khác ngày càng đa dạng. Nhiều dự án chợ, trung tâm thương mại được triển khai hoặc đã cập nhật vào quy hoạch để triển khai.

Dù vậy, việc sắp xếp, quản lý hoạt động thương mại dịch vụ, chợ, cửa hàng, siêu thị theo hướng văn minh, hiện đại ở huyện vẫn còn hạn chế; thu hút đầu tư vào xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị còn khó khăn.

Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo, để thương mại, dịch vụ, logistics trở thành lĩnh vực đột phá, huyện nên đánh giá lại thực trạng, xác định nguyên nhân chủ quan và khách quan, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp thực hiện, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan liên quan hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đấu giá đất để thực hiện dự án thương mại dịch vụ, tổng kho trung chuyển, nâng cấp chợ...

Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam cho rằng, hiện thương mại là một trong những lĩnh vực huyện đặc biệt coi trọng. Ngoài các vướng mắc lớn nêu trên, huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng 5 chợ nông thôn; có hình thức xúc tiến thương mại hiệu quả hơn cho các sản phẩm công, nông nghiệp, du lịch; kết nối để các nhà đầu tư đến huyện khảo sát, nghiên cứu triển khai dự án chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, Trảng Bom là một trong 4 địa phương phát triển công nghiệp, thương mại lớn của tỉnh. Ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, huyện còn nhiều dư địa phát triển bởi có đông công nhân, có lợi thế giao thông, có dự án tổng kho trung chuyển, nhiều dự án nhà ở thương mại dịch vụ kết hợp, các khu, điểm du lịch sinh thái. Huyện cần quan tâm khai thác các lợi thế này.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/trang-dia-phuong/202406/nhieu-loi-the-phat-trien-thuong-mai-dich-vu-ca351ed/