Nhiều người Mỹ kiệt quệ tinh thần vì phải sống dựa vào phiếu thực phẩm
Nhiều người Mỹ rơi vào cảnh khốn cùng vì mất việc làm và thu nhập do đại dịch Covid-19. Khi mùa lễ hội lớn nhất năm đến gần, họ càng trở nên tuyệt vọng.
Theo CNN, với hàng triệu người Mỹ đang hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính do đại dịch gây ra, kỳ nghỉ lễ sắp tới càng khiến họ thêm chán nản. Quốc hội Mỹ vẫn tranh cãi về gói hỗ trợ kinh tế bổ sung cho những người lao động thất nghiệp và rơi vào cảnh khốn cùng. Chương trình phúc lợi liên bang do đại dịch cũng sẽ hết hạn vào cuối tháng tới.
"Tôi đã cạn kiệt tất cả khoản trợ cấp thất nghiệp. Lần đầu tiên trong đời, tôi phải dùng đến phiếu thực phẩm và chương trình Medicaid (chương trình cứu trợ cung cấp bảo hiểm y tế cho các cá nhân và hộ gia đình có thu nhập nhấp)", anh Andrew Lee, 38 tuổi, sống ở vùng ngoại ô Los Angeles cùng vợ và hai con, than thở.
Anh Lee mất chức giám đốc phát triển kinh doanh vài tháng trước khi đại dịch diễn ra. Tuy nhiên, giờ đây, việc kiếm việc làm trở nên khó khăn hơn nhiều. Ban đầu, anh không đủ điều kiện nhận bất cứ khoản trợ cấp nào liên quan đến đại dịch.
Chán nản và tuyệt vọng
Trong khi đó, vợ anh - một huấn luyện viên thể hình - cũng bị mất thu nhập do phòng thể hình đóng cửa vì dịch Covid-19. Giờ, cô nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp 467 USD/tuần. "Chúng tôi gần như chẳng có gì", cô Lee tuyệt vọng.
Hai chiếc xe của họ đã bị thu hồi. Hai vợ chồng mới nhận thêm thông báo dịch vụ Internet cũng có thể bị cắt. Điều đó có nghĩa là hai con của họ không thể tham gia các lớp học trực tuyến.
Ban đầu, tuy vấn đề tài chính ngày càng tồi tệ, anh Lee vẫn cố gắng tự giải quyết để gia đình không lo lắng. Nhưng dần dần, áp lực trở nên rất lớn, anh buộc phải bộc lộ sự căng thẳng. Anh Lee thừa nhận mình hay gắt gỏng hơn, dễ tức giận và thỉnh thoảng uống rượu đến say mèm để "trốn thoát".
"Có một lần, tôi gần như tan vỡ. Dường như chỉ còn lại những suy nghĩ đen tối. Tôi buộc phải tìm đến gia đình và bạn thân để được hỗ trợ về mặt tinh thần", anh Lee kể lại. "Chúng ta phải chuẩn bị tâm lý để vượt qua cơn bão", anh nhắc lại lời khuyên của người thân.
Bà Tina Louise Parsons, 56 tuổi, ở New Orleans, từng chăm sóc trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, đến năm 2017, bà trở thành tài xế toàn thời gian cho hãng gọi xe công nghệ Lyft và Uber, sau một cuộc khủng hoảng y tế khiến bà Parsons khó tiếp tục làm việc với lũ trẻ.
Bà Parsons tiết lộ đã từng kiếm đủ để trả các hóa đơn và thậm chí tiết kiệm được một ít tiền. Tuy nhiên, tháng 2 năm nay, bà mất việc tại Uber. Không những thế, thu nhập của bà Parsons ở Lyft cũng giảm trầm trọng vì du khách biến mất và ít người gọi xe đến nơi làm việc hơn.
Giờ đây, bà đang cố gắng kiếm 100 USD/ngày bằng công việc tại Lyft, Instacart và giao đồ ăn cho DoorDash và GrubHub. Mỗi ngày, người đàn bà 56 tuổi thường làm việc 10 tiếng hoặc hơn. Dù không đủ điều kiện để nhận các khoản cứu trợ đại dịch, bà Parsons đã có thể tham gia chương trình Medicaid, sau nhiều năm sống mà không có bảo hiểm y tế.
"Mùa lễ đến gần, mọi thứ càng nặng nề"
"Tôi đang cố gắng và biết ơn những gì mình đang có", bà Parsons nói. Tuy nhiên, việc không thể kiếm đủ tiền để chi trả các hóa đơn và không được bảo đảm về thu nhập khiến bà cảm thấy chán nản.
"Thức dậy vào mỗi buổi sáng cũng trở nên khó khăn đối với tôi, thậm chí khó hơn việc chạy xe khắp nơi và cố gắng kiếm đồ để giao với giá vài USD", bà than thở. Đã có lần, bà Parsons phải đến nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần. "Khi kỳ nghỉ lễ đến gần, mọi thứ càng trở nên nặng nề", bà nói.
Hàng năm, bà Parsons thường mua và nấu đồ ăn cho những người vô gia cư vào Lễ Tạ ơn. Nhưng năm nay, bà không đủ khả năng chi trả. Tuy nhiên, bà Parsons vẫn dự định nấu một con gà tây cho mình và một người bạn. Hai người ở cùng nhau sau khi bạn của bà bị đuổi khỏi nhà.
"Tôi cần làm bánh nướng, bánh mì và làm nhân. Tôi cần nấu ăn. Tôi cần làm điều đó vì sức khỏe tinh thần của chính mình. Tôi mệt mỏi bởi nỗi buồn", bà nói thêm. Một nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng của Đại học Boston cho thấy tỷ lệ triệu chứng trầm cảm ở người trưởng thành Mỹ tăng gấp ba lần sau khi dịch Covid-19 tấn công.
Nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất là những người có thu nhập thấp, tiền tiết kiệm dưới 5.000 USD và dễ mất việc làm hơn. "Những người gặp căng thẳng về tài chính có khả năng bị trầm cảm cao hơn", CNN dẫn lời bà Catherine Ettman, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định.
Một nghiên cứu khác của bà Ettman cũng chỉ ra những người bị mất việc làm hoặc gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê nhà có nhiều khả năng nghĩ đến việc tự tử. Theo một nghiên cứu của Quỹ Thịnh vượng chung, nhiều người Mỹ phải trải qua tác động tiêu cực về tài chính và sức khỏe tinh thần do đại dịch Covid-19 hơn so với công dân của 9 quốc gia có thu nhập cao khác.
Theo bà Ettman, các gói cứu trợ liên bang không chỉ đơn thuần giúp những người khó khăn thanh toán hóa đơn. "Hy vọng là sức khỏe tinh thần của họ sẽ được cải thiện", bà nói thêm.