Nhiều nội dung cần nhấn mạnh tại Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu khái quát 6 nội dung cần nhấn mạnh tại Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu cuối phiên thảo luận sáng 20-6. Ảnh: Đăng Khoa.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu cuối phiên thảo luận sáng 20-6. Ảnh: Đăng Khoa.

Cuối phiên thảo luận tại hội trường sáng 20-6 về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, sáng 20-6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội, thay mặt cơ quan lập và cơ quan thẩm định, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg. Qua thời gian thực hiện, Quy hoạch đã phát huy được hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển Thủ đô, tuy nhiên cũng nảy sinh những bất cập. Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô, cần thiết phải điều chỉnh Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu khái quát 6 nội dung cần nhấn mạnh tại Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.

Thứ nhất, về định hướng phát triển, Đồ án được điều chỉnh gắn với các chiến lược phát triển như hợp tác liên kết, phát triển văn hóa di sản, phát triển xanh, xác lập môi trường đáng sống, đô thị thông minh và bền vững cũng như xác lập các cơ chế năng động và đặc thù cho Thủ đô.

Thứ hai, từ thực tế phát triển và qua rà soát, đánh giá, Đồ án điều chỉnh dự báo phát triển cho Thủ đô để phù hợp với Quy hoạch Thủ đô.

Thứ ba, Đồ án kế thừa và điều chỉnh quy mô cấu trúc đô thị là chùm đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 vùng đô thị: Vùng đô thị trung tâm, vùng đô thị phía Đông, vùng đô thị phía Bắc, vùng đô thị phía Tây, vùng đô thị phía Nam và hệ thống các đô thị này phân cách bằng các hành lang xanh, nêm xanh cũng như liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, giao thông hướng tâm.

Thứ tư, Đồ án đặt vấn đề kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn, xây dựng hình thái quy hoạch kiến trúc đặc trưng cho Thủ đô Hà Nội tại khu vực đô thị, nông thôn cũng như phải kiểm soát chặt chẽ quy hoạch về chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực, đặc biệt là khu vực nội đô như ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý. “Việc lựa chọn các chỉ tiêu sử dụng đất, sử dụng không gian, hạ tầng kỹ thuật và yêu cầu phát triển trong khu vực chức năng đặc thù cũng được làm rõ trong Đồ án này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ năm, Đồ án điều chỉnh, bổ sung các giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh và thông minh để phù hợp với định hướng phát triển của Thủ đô cũng như để phù hợp với định hướng phát triển trong các quy hoạch ngành quốc gia đã xác định cho từng giai đoạn để chúng ta đảm bảo kết nối hạ tầng vùng, phát triển giao thông công cộng thông minh cũng như phát triển hạ tầng kỹ thuật khác.

Thứ sáu là tập trung cho công tác cải tạo, tái thiết đô thị và nông thôn. Đối với khu vực nội đô, khu vực đô thị hiện trạng, đối với làng xóm được đô thị hóa như ý kiến của đại biểu Quốc hội vừa phát biểu, quan tâm đến cải tạo khu vực nội đô, cải tạo các khu dân cư, các khu chung cư cũ…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Đăng Khoa.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Đăng Khoa.

Ngoài 6 điểm mới nêu trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, nội dung Đồ án cũng đã xác định rõ các chương trình, dự án trọng tâm, đột phá. Thành phố tập trung làm rõ mối liên hệ, vai trò, vị trí mối liên kết vùng của Hà Nội để tập trung, chia sẻ chức năng của Thủ đô Hà Nội đối với các địa phương trong vùng để đảm bảo khai thác tối đa, hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô Hà Nội cũng như các địa phương trong vùng. Phát triển đô thị theo mô hình TOD là điểm mới và tập trung trong thực hiện quy hoạch để cải tạo, tái thiết đô thị, tập trung xây dựng đô thị, chỉnh trang đô thị, khai thác hạ tầng giao thông công cộng và xác định sông Hồng là trục không gian, biểu tượng phát triển của Thủ đô.

Về hạ tầng để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, Đồ án đã xác định phát triển cảng hàng không thứ 2 trong Vùng Thủ đô cũng như để xác định hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời gian, giai đoạn sắp tới.

Đồ án Quy hoạch này cũng thể hiện tập trung cải thiện môi trường cho Thủ đô Hà Nội, trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, tổng thể để khắc phục ô nhiễm môi trường trong không khí, môi trường nước cũng như các vấn đề ô nhiễm môi trường khác ở Thủ đô bằng việc thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển xanh, chuyển đổi xanh, giảm thiểu các nguồn ô nhiễm như chuyển đổi hình thức giao thông công cộng, chuyển đổi công nghệ sản xuất cũng như công nghệ xử lý rác thải, nước thải đầu tư cho Thủ đô theo từng giai đoạn.

Đối với quy hoạch không gian ngầm đã được quy định tại Luật Quy hoạch đô thị, hiện nay chỉ có Thủ đô Hà Nội triển khai lập quy hoạch không gian ngầm cho một số khu vực đô thị. Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, khai thác hiệu quả không gian, nguồn lực đất đai thì quy hoạch không gian ngầm cho Thủ đô sẽ tiếp tục được tập trung đầu tư cụ thể hóa trong quy hoạch lần này.

Bộ Xây dựng phối hợp cùng UBND thành phố Hà Nội có báo cáo nghiên cứu, tiếp thu tất cả ý kiến của các đại biểu, của Quốc hội để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định. “Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND thành phố Hà Nội sẽ cụ thể hóa bằng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để chúng ta tiến hành triển khai thực hiện Quy hoạch chung Thủ đô”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhieu-noi-dung-can-nhan-manh-tai-do-an-dieu-chinh-quy-hoach-chung-thu-do-ha-noi-669763.html