Nhiều nước tăng cường cam kết chia sẻ vắc xin ngừa Covid-19
Tính đến 6h sáng 23-9, toàn thế giới có 230.809.452 ca mắc Covid-19, trong đó có 4.731.155 trường hợp tử vong và 207.506.646 bệnh nhân đã hồi phục.
Một nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân tại Italia. Ảnh: Reuters
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận, số ca mắc Covid-19 toàn cầu đã giảm trong tuần. Cụ thể, đã có 3,6 triệu trường hợp mắc mới Covid-19 được ghi nhận trên khắp thế giới trong tuần trước, giảm so với 4 triệu trường hợp của tuần trước đó. Con số này đánh dấu mức giảm đáng kể đầu tiên trong hơn 2 tháng qua.
Trong bản cập nhật mới nhất về dịch bệnh của WHO được công bố hôm 21-9, tổ chức này cho biết số ca mắc Covid-19 ở hai khu vực đã giảm đáng kể, đó là Trung Đông (giảm 22%) và Đông Nam Á (giảm 16%). Có dưới 60.000 ca tử vong do Covid-19 trong tuần trước, đánh dấu mức giảm 7%, trong đó Đông Nam Á báo cáo số ca tử vong giảm 30%. WHO cũng cho biết biến chủng Delta lây lan nhanh hiện đã được ghi nhận tại 185 quốc gia.
Châu Mỹ
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, nước này đã tiêm được 387.493.716 liều vắc xin ngừa Covid-19 tính đến sáng 22-9 và phân phối 468.248.675 liều trong nước. Đã có 212.545.360 người tại Mỹ được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin, trong khi 182.387.840 người đã được tiêm chủng đầy đủ.
Ngày 22-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) cho các nước trên thế giới, nâng tổng số vắc xin nước này viện trợ cho nước ngoài lên 1,1 tỷ liều. Ông chủ Nhà Trắng cũng cam kết hỗ trợ 370 triệu USD cho chiến dịch tiêm chủng toàn cầu. Tuyên bố này được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về Covid-19 bên lề khóa họp 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại Mỹ.
Ngày 22-9, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo các quốc gia trong khu vực có thể tiếp tục phải đối mặt với các đợt bùng phát Covid-19 đến năm 2022 ngay cả khi số ca tử vong đã giảm từ mức đỉnh điểm vào tháng 1 vừa qua. PAHO cho biết, trong khi việc tiêm chủng đang tiến triển, khu vực này vẫn gặp phải vấn đề bất bình đẳng về vắc xin nghiêm trọng sẽ khiến đại dịch kéo dài, đặc biệt là ở các quốc gia Mỹ Latinh nghèo hơn.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã phải tự cách ly tại nhà vào ngày 22-9 sau khi Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga của nước này có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và phải ở trong khu cách ly sau cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Châu Âu
Ngày 22-9, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết nước này sẽ tặng 7,5 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 cho các nước Mỹ Latinh và Caribe. Nước này cũng sẽ cung cấp thêm 7,5 triệu liều vắc xin cho khu vực châu Phi cận Sahara và Nam Âu. Cam kết mới nhất này đã tăng số lượng vắc xin mà Tây Ban Nha cam kết với Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin ngừa Covid-19 (COVAX) lên 30 triệu liều.
Ngày 22-9, sau cuộc làm việc với giới chức y tế 16 bang, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết người lao động nước này không tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 sẽ không còn được nhận các khoản trợ cấp vì mất thu nhập trong thời gian phải cách ly. Theo Bộ trưởng Jens Spahn, chính sách hỗ trợ này sẽ hết hiệu lực từ ngày 1-11 và đây là sáng kiến mới nhất của Chính phủ Đức nhằm khuyến khích người dân đi tiêm chủng. Quan chức này nhấn mạnh, tiêm chủng hay không là quyết định của mỗi cá nhân, song quyết định đó luôn phải đi kèm với trách nhiệm về tài chính. Theo thống kê của Viện dịch tễ Robert Koch Institute (RKI), tính đến ngày 22-9, đã có tổng cộng 63,4% dân số Đức tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19, thấp hơn tỷ lệ 85% mà viện này cho rằng cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng.
Bộ Y tế Italia cho biết, nước này đã ghi nhận 67 trường hợp tử vong do Covid-19 vào ngày 22-9, tương đương với số ca tử vong 1 ngày trước đó. Italia đã có tổng cộng 130.488 trường hợp tử vong do Covid-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 2-2020. Đây là số ca tử vong cao thứ hai ở châu Âu, sau Anh, và cao thứ chín thế giới. Trong một thông điệp qua video gửi tới Hội nghị thượng đỉnh Covid-19 toàn cầu do Mỹ tổ chức, Thủ tướng Italia Mario Draghi cho biết, nước này có kế hoạch cung cấp cho các nước khác 45 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 trước cuối năm nay, gấp 3 lần so với cam kết ban đầu.
Ukraine đang có kế hoạch tiêm chủng bắt buộc vắc xin ngừa Covid-19 đối với một số ngành nghề, bao gồm giáo viên và nhân viên của các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương. Bộ trưởng Y tế Ukraine Oleh Lyashko cho biết quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong những ngày tới. Ukraine đã bắt đầu thắt chặt các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch bệnh từ ngày 23-9 trong bối cảnh các ca mắc mới gia tăng đáng kể. Mã màu vàng được áp đặt trên toàn quốc, trong đó hạn chế các sự kiện dành cho khán giả đại chúng cũng như các địa điểm như phòng tập thể dục và rạp chiếu phim. Các trường học và công ty có nhân viên được tiêm chủng đầy đủ sẽ được phép hoạt động mà không bị hạn chế.
Châu Á
Ngày 22-9, các nhân viên cứu trợ, quan chức và các nguồn tin y tế Syria cho biết, nước này đang phải đối mặt với một đợt gia tăng các ca mắc mới Covid-19. Các cơ quan y tế của chính phủ cho biết số bệnh nhân được báo cáo trong 24 giờ đã đạt 235 trường hợp, con số hằng ngày cao nhất kể từ khi trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận tại nước này vào tháng 3-2020. Theo Reuters, các nhân viên y tế cho biết Syria mới tiêm được 440.000 liều vắc xin ngừa Covid-19, chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số 18 triệu dân của nước này.
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.