Nhiều nước trên thế giới tiếp tục theo đuổi điện hạt nhân

Theo Báo cáo Tình trạng Hạt nhân Thế giới (WNISR), một số quốc gia đặt niềm tin vào năng lượng hạt nhân, hoặc ít nhất coi đây là nguồn năng lượng không có carbon để chống biến đổi khí hậu.

Nhà máy điện hạt nhân Isar ở Essenbach, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà máy điện hạt nhân Isar ở Essenbach, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 15/4, Đức chính thức đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng, chậm 3 tháng rưỡi so với kế hoạch ban đầu.

Trước đó, cuộc khủng hoảng năng lượng do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã buộc Đức phải quyết định kéo dài tuổi thọ của 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng ở nước này thêm hơn 3 tháng so với kế hoạch đặt ra vào cuối tháng 12/2022.

Bất chấp một số lời kêu gọi hoãn kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân thêm một thời gian nữa, Chính phủ Đức tuyên bố sẽ không quay lại và việc chấm dứt năng lượng hạt nhân theo từng giai đoạn là một thỏa thuận đã được nhất trí.

Theo kế hoạch ban đầu, 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của Đức đóng cửa vào ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, trước sự phản đối của dư luận liên quan đến cuộc khủng hoảng năng lượng, Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã đồng ý kéo dài tuổi thọ của các nhà máy này đến ngày 15/4. Kể từ năm 2003, Đức đã đóng cửa 16 lò phản ứng hạt nhân.

Năm 2022, các nhà máy hạt nhân Neckarwestheim 2, Isar 2 và Emsland đáp ứng 6% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Đức, so với mức đóng góp 30,8% từ tất cả các nhà máy hạt nhân vào năm 1997. Trong khi đó, năng lượng tái tạo của Đức chiếm tỷ trọng 46%, tăng từ mức dưới 25% một thập niên trước.

Mặc dù vậy, theo Báo cáo Tình trạng Hạt nhân Thế giới (WNISR), một số quốc gia vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào năng lượng hạt nhân, hoặc ít nhất coi đây là nguồn năng lượng không có carbon để chống biến đổi khí hậu.

Hiện trên thế giới vẫn còn 412 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại 41 quốc gia. Điện hạt nhân chiếm khoảng 9,8% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2021, giảm so với mức đỉnh 17,5% vào năm 1996.

Tỷ lệ năng lượng hạt nhân trong tổng năng lượng toàn thế giới hiện thấp hơn năng lượng tái tạo. Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu khí hậu độc lập Ember, năng lượng gió và Mặt Trời chiếm mức cao kỷ lục 12% sản lượng điện toàn cầu vào năm ngoái.

Hầu hết các lò phản ứng hạt nhân được xây dựng từ năm 1968 đến 1986, chủ yếu ở châu Âu, Mỹ, Liên Xô cũ và Nhật Bản.

Trung Quốc: Tham vọng hạt nhân trong và ngoài nước

Trung Quốc là nước đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân. Nước này hiện vận hành 57 lò phản ứng và 21 lò khác đang được xây dựng.

Cho đến nay, Trung Quốc có số lò phản ứng hạt nhân “trẻ nhất” trên thế giới, với 41 lò phản ứng, trong đó gần 4/5 số lò phản ứng đã kết nối với lưới điện trong vòng 10 năm qua. Tỷ lệ năng lượng hạt nhân trong tổng điện năng của Trung Quốc là gần 5% trong năm 2022.

Bắc Kinh cũng có tham vọng hạt nhân ở nước ngoài, nhưng cho đến nay mới chỉ xuất khẩu lò phản ứng sang Pakistan. Tất cả 6 lò đang được vận hành tại quốc gia Nam Á này đều có thiết kế của Trung Quốc. Các dự án quốc tế khác của Trung Quốc, bao gồm cả ở Anh và Romania, cho đến nay vẫn chưa tiến hành giai đoạn xây dựng.

Trung Quốc không có kho chứa chất thải phóng xạ cao, nhưng nước này đang thăm dò một kho ở sa mạc Gobi. Chất thải hạt nhân của Trung Quốc hiện đang được lưu trữ tại nhiều địa điểm khác nhau trong nước.

Ấn Độ: Tiến độ chậm dù được hỗ trợ

Ấn Độ hiện có 19 lò phản ứng hạt nhân, với tổng công suất phát điện ròng là 6,3 GW, 8 lò phản ứng khác, với tổng công suất 6 GW, đang được xây dựng. Tuổi trung bình của các lò phản ứng là khoảng 20 năm.

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), điện hạt nhân ở Ấn Độ đóng góp 39,8 terawatt giờ (TWh) điện năng trong năm 2021, thấp hơn một chút so với 40,4 TWh năm 2020. Con số này chiếm 3,2% tổng sản lượng điện, so với 3,3% trong 2020.

Các dự án điện hạt nhân ở nước này đã bị vượt quá đáng kể về thời gian và chi phí, bất chấp sự hỗ trợ tài chính và chính trị từ nhiều phía.

Các dự án điện hạt nhân từ lâu cũng là chủ đề gây tranh cãi và phản đối liên quan đến quyền sở hữu đất cũng như sự an toàn và an ninh của các nhà máy điện trong trường hợp thiên tai hoặc thảm họa nhân tạo. Chưa kể, Ấn Độ hiện không có cơ sở lưu trữ cuối cùng cho chất thải hạt nhân có tính phóng xạ cao.

Nhật Bản - Khủng hoảng năng lượng buộc phải tái cân nhắc chính sách

Cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu sau đó đã khiến Chính phủ Nhật Bản đảo ngược chính sách loại bỏ hạt nhân đã được thông qua sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011.

Lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Takahama ở thị trấn Takahama, miền Trung Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Takahama ở thị trấn Takahama, miền Trung Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Tất cả các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã ngừng hoạt động sau thảm họa và phần lớn vẫn không hoạt động cho đến ngày nay. Tuy nhiên, Chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida hiện đang thúc đẩy kế hoạch tối đa hóa việc sử dụng năng lượng hạt nhân, kêu gọi 7 lò phản ứng được cơ quan giám sát an toàn hạt nhân của Nhật Bản phê duyệt hoạt động trở lại.

Ông Kishida cũng kêu gọi xem xét việc xây dựng các lò phản ứng “thế hệ mới” với các cơ chế an toàn hơn.

Phần Lan: Hỗ trợ cho hạt nhân ngày càng tăng

Phần Lan hiện đang vận hành 4 lò phản ứng hạt nhân, cung cấp 1/3 điện năng của quốc gia. Theo Bộ Kinh tế Phần Lan, lò phản ứng thứ 5 đang trong giai đoạn triển khai.

Trong những năm gần đây, sự hỗ trợ cho điện hạt nhân đã tăng lên ở Phần Lan. Một cuộc thăm dò do hiệp hội thương mại Năng lượng Phần Lan tiến hành năm ngoái cho thấy 60% người Phần Lan ủng hộ năng lượng hạt nhân, mức cao kỷ lục.

Tập đoàn Phần Lan Fennovoima đã làm việc với tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga trong một dự án hạt nhân, nhưng đã chấm dứt hợp tác vào tháng 5/2022, với lý do rủi ro liên quan đến xung đột ở Ukraine.

So với nhiều nước khác trên thế giới, Phần Lan đã đi trước một bước trong quản lý chất thải hạt nhân. Quốc gia Bắc Âu này hiện đang xây dựng một kho chứa chất thải hạt nhân nằm sâu dưới lòng đất, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025.

Pháp: Tiếp tục dùng điện hạt nhân mặc dù còn nhiều khó khăn

Pháp phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân nhiều nhất trên thế giới, với 56 nhà máy điện đang vận hành, cung cấp khoảng 2/3 nhu cầu điện của quốc gia. Các nhà máy điện có tuổi thọ trung bình gần 37 năm và lò phản ứng cuối cùng đã đi vào hoạt động vào năm 1999.

Năm ngoái, chính quyền Pháp đã phải đóng cửa một số lò phản ứng của quốc gia sau khi phát hiện các vấn đề ăn mòn, khiến sản lượng điện hạt nhân giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm.

Bất chấp các vấn đề, chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron vẫn muốn sản lượng điện hạt nhân tăng trở lại từ 350-380 TWh mỗi năm trong những năm tới. Nước này đặt mục tiêu xây dựng thêm 6 lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới EPR2 với tổng trị giá 52 tỷ euro (57 tỷ USD). Mặc dù có nhiều lò phản ứng hạt nhân nhất, cho đến nay Pháp không có kho lưu trữ cuối cùng cho chất thải phóng xạ cao ở Pháp.

Ba Lan: Kế hoạch mới cho năng lượng hạt nhân

Ba Lan đã có kế hoạch phát triển điện hạt nhân từ năm 1980 và bắt đầu xây dựng 2 lò phản ứng, nhưng nước này đã ngừng xây dựng 2 lò này sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986.

Sau nhiều nỗ lực không thành, đến cuối năm 2014, chính phủ mới thông qua kế hoạch xây dựng 6 lò phản ứng mới, với tổ máy đầu tiên dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024. Ba Lan hy vọng năng lượng hạt nhân sẽ giúp nước này loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than, hiện đáp ứng khoảng 70% nhu cầu điện của Ba Lan.

Mỹ có nguồn năng lượng sạch?

Mỹ hiện có số nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới - với 92 lò phản ứng thương mại.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, năm 2022, điện hạt nhân chiếm 18,2% sản lượng điện của cả nước. Tỷ lệ điện hạt nhân trong tổng năng lượng của Mỹ cũng bị giảm trong thập kỷ qua - từ khoảng 20% xuống chỉ còn hơn 18% hiện nay. Sau khi đạt đỉnh khoảng 102.000 MW vào năm 2012, sản lượng điện hạt nhân của Mỹ giảm xuống còn 95.492 MW vào cuối năm 2021.

Mỹ cũng có các lò phản ứng hạt nhân lâu đời nhất trên thế giới, với độ tuổi trung bình là 41,6 năm. Hầu hết các lò phản ứng đã đi vào hoạt động từ năm 1985. Hiện chỉ có 2 lò mới đang được xây dựng.

Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden đã ủng hộ hạt nhân như một nguồn năng lượng không có carbon để chống biến đổi khí hậu. Chính quyền Mỹ năm ngoái đã tung ra một gói hỗ trợ trị giá 6 tỷ USD để "giải cứu" các nhà máy điện hạt nhân có nguy cơ đóng cửa./.

Phương Hoa (P/v TTXVN tại Berlin)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhieu-nuoc-tren-the-gioi-tiep-tuc-theo-duoi-dien-hat-nhan/288181.html