Nhiều phức tạp trong quản lý thuế đối với giao dịch chuyển nhượng bất động sản

Mặc dù ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên, quản lý thuế và chống thất thu đối với các khoản thu về đất và bất động sản là vấn đề rất phức tạp. Thậm chí rất khó để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác minh giá trị thực của giao dịch chuyển nhượng bất động sản, đặc biệt là cơ quan thuế hiện nay chưa có chức năng điều tra.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, Bộ Tài chính cho biết, việc chuyển nhượng bất động sản còn nhiều hạn chế, tồn tại. Cụ thể, về giá chuyển nhượng, người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng để tính thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng.

Bên mua bán sử dụng hợp đồng viết tay do hai bên tự ký ghi theo giá thực tế giao dịch để phòng ngừa khi tranh chấp tại tòa. Do đó, rất khó để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác minh giá trị thực của giao dịch chuyển nhượng bất động sản, đặc biệt là cơ quan Thuế hiện nay chưa có chức năng điều tra.

Đối với hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, Bộ Tài chính cũng cho biết, giá trị hợp đồng mua bán nhà ở, công trình xây dựng trong tương lai của bên thứ 2 cho bên thứ 3 cũng chỉ ngang bằng giá đã mua của chủ đầu tư, hoặc khi đã được cấp số thì nhà đầu tư sẵn sàng khai báo thấp hơn giá của chủ đầu tư, điều này cũng dẫn đến thất thu trong tính thu nộp ngân sách.

Ngoài ra, các phương thức mua bán bất động sản, dự án bất động sản tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, chủ đầu tư chấp thuận cho người mua ký lại hợp đồng nhà hình thành trong tương lai với người mua mới nhằm tránh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản.

Đối với việc ủy quyền chuyển nhượng bất động sản, người nộp thuế chuyển nhượng bất động sản không ký kết hợp đồng chuyển nhượng, mà ký kết hợp đồng ủy quyền (trong đó người được ủy quyền có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với bất động sản) nhằm tránh thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản.

Ảnh minh họa: BT

Ảnh minh họa: BT

Về chuyển nhượng dự án đầu tư, người nộp thuế là pháp nhân thực hiện việc chuyển quyền đầu tư, khai thác một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư cho tổ chức, cá nhân khác theo hình thức chia tách, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp, hoặc chuyển nhượng vốn góp chịu sự điều chỉnh của pháp luật về đất đai, đầu tư, nhà ở, kinh doanh bất động sản...

Tại Hội thảo trực tuyến “Quản lý người nộp thuế liên quan giao dịch chuyển nhượng bất động sản ở Nhật Bản”, bà Lý Thị Hoài Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, ngày 14/10/2022, Tổng cục Thuế ban hành quyết định về việc Ban hành kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện các giải pháp liên quan đến công tác quản lý thuế tại Đề án “Tăng cường quản lý thuế và chống thất thu đối với các khoản thu về đất và bất động sản”.

Theo đó, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều giải pháp tới toàn ngành để thực hiện Đề án như: Nghiên cứu để xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý; phối hợp, trao đổi thông tin với các bộ, ngành như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; tăng cường công tác quản lý thuế thông qua việc hoàn thiện các quy trình quản lý thuế; ban hành quyết định về việc phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề của Tổng cục Thuế...

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên, Tổng cục Thuế nhận thấy phạm vi quản lý thuế liên quan đến quản lý thuế và chống thất thu đối với các khoản thu về đất và bất động sản là vấn đề rất phức tạp cần tham vấn kinh nghiệm quốc tế trong quá trình triển khai.

Chuyên gia JICA - ông Noguchi Daisuke đến từ cơ quan thuế Nhật Bản chia sẻ, những phương pháp đánh thuế, phân loại chuyển nhượng, cũng như công tác quản lý người nộp thuế và thanh tra thuế liên quan đến thu nhập chuyển nhượng được cơ quan Thuế Nhật Bản triển khai rất đồng bộ. Trong đó, đối với thuế thu nhập từ các giao dịch chuyển nhượng khác được đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện và đã góp phần quan trọng trong công tác thu ngân sách của Nhật Bản theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng đối với tất cả người nộp thuế là cá nhân hoặc tổ chức.

Hiện nay, Nhà nước đang tiến hành nhiều biện pháp để bảo đảm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mà đặc biệt là tội phạm vi phạm trật tự quản lý về thuế, tài chính, tránh việc cá nhân trong chuyển nhượng bất động sản ghi thấp hơn giá trị thực tế để nộp thuế thấp, gây thất thoát về thu thuế cho Nhà nước, đặc biệt là tại các đô thị lớn có thị trường bất động sản sôi động, giá trị cao như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng... Do đó, việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế của cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản là rất quan trọng trong việc xác định trách nhiệm pháp lý của bên có liên quan.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhieu-phuc-tap-trong-quan-ly-thue-doi-voi-giao-dich-chuyen-nhuong-bat-dong-san-175867.html