Nhiều phương thức tuyển sinh đại học: Thí sinh cần có những lựa chọn phù hợp
Đa dạng phương thức tuyển sinh đại học mở ra cơ hội cho thí sinh. Tuy nhiên, việc ồ ạt chạy theo trào lưu hay ôm đồm cùng lúc nhiều phương thức mà không lường được khả năng bản thân sẽ tăng áp lực không đáng có.
Biết lượng sức mình
Trở lại trường sau Tết, học sinh lớp 12 phải trở lại nhịp ôn luyện ngay trong những ngày đầu khi có rất nhiều kỳ thi đang chờ phía trước. Phạm Quỳnh Anh, học sinh lớp 12A, trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm, Hà Nội sẽ có 3 kỳ thi lần lượt trong 3 tháng tiếp theo gồm thi chứng chỉ IELTS, thi đánh giá năng lực và thi tốt nghiệp THPT.
“Lúc đầu, em không định thi đánh giá năng lực nhưng về sau thấy nhiều trường xét kết hợp cả chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi đánh giá năng lực nên cuối lớp 11 quyết định sẽ ôn thi để tăng cơ hội vào được trường đại học yêu thích vì trường lấy đầu vào khá cao”, Quỳnh Anh chia sẻ.
Điều may mắn lớn nhất với Quỳnh Anh là 3 kỳ thi dù thời gian sát nhau nhưng sẽ diễn ra tuần tự, không chồng chéo, em và nhiều bạn khác có thể thu xếp lịch ôn tập và nỗ lực cao nhất cho từng kỳ thi. Thêm vào đó em còn có sự hướng dẫn, hỗ trợ từ giáo viên chủ nhiệm trong việc ổn định tâm lý cho mỗi giai đoạn ôn thi.
Lê Khánh Ly, bạn cùng lớp với Quỳnh Anh thì đã dừng việc học và thi IELTS ngay khi nhận thấy vượt quá khả năng. Đăng ký thành công Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội ngay khi hệ thống đăng ký trực tuyến mở được Khánh Ly xem như may mắn ban đầu trên hành trình chinh phục cánh cổng đại học.
Xác định thi đánh giá năng lực sẽ phải học đều cả 7 môn, Khánh Ly đăng ký học thêm những môn học tự cảm thấy còn yếu, phần còn lại em cho rằng mình đủ khả năng dự thi chỉ với kiến thức thầy cô dạy trên lớp. Đặng Ánh Minh và Nguyễn Minh Hằng, học sinh lớp 12C cũng tìm được những phương thức ôn thi hiệu quả với bản thân thông qua các app học và luyện thi trên mạng cộng thêm kinh nghiệm từ các anh chị từ khóa trước.
Theo cô giáo Trần Thị Khánh Hòa, chủ nhiệm lớp 12A trường Tiểu học, THCS và THPT Thực Nghiệm, Hà Nội, trong tổng số 42 học sinh của lớp có khoảng 15 em cùng lúc dự thi lấy chứng chỉ IELTS, thi đánh giá năng lực nhằm gia tăng cơ hội vào trường đại học yêu thích. Gần chục học sinh trong số đó đã thực hiện được lộ trình cô chủ nhiệm hướng dẫn gồm hoàn thành thi và nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong học kỳ 1, tìm hiểu cũng như củng cố, ôn luyện kiến thức sẵn sàng cho hai kỳ thi còn lại.
Theo cô Hòa, mặc dù chứng chỉ ngoại ngữ trong một vài năm trở lại đây thành trào lưu sôi động ở các thành phố nhưng học sinh lớp cô chủ nhiệm đã khá tỉnh táo và đánh giá đúng khả năng để không bị cuốn theo, không phải em nào cũng đăng ký thi.
Để xây dựng lộ trình phù hợp năng lực và giảm tối đa sự chồng chéo, theo cô Khánh Hòa, các giáo viên chủ nhiệm nhà trường đã phải có những khảo sát và tổ chức các nhóm ngay từ thời điểm mới nhận lớp chủ nhiệm nhằm giúp học sinh của mình có thời gian chuẩn bị tốt nhất cũng như thay đổi phù hợp năng lực thực tế học tập.
Cô giáo Lê Thị Nhung, chủ nhiệm lớp 12C trường Tiểu học, THCS và THPT Thực Nghiệm, Hà Nội cho rằng vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong giai đoạn nước rút này không chỉ dừng ở cung cấp, rèn luyện kiến thức. Đó còn gồm cả phần việc chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn trong lựa chọn, dám từ bỏ những phần thi theo trào lưu nhưng lại không phù hợp với cá nhân học sinh.
Làm chủ nhiệm đồng thời dạy bộ môn Ngoại ngữ, cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng phụ huynh có vai trò lớn trong việc gỡ áp lực cũng như tối ưu hóa khả năng của mỗi học sinh.
“Làm công tác chủ nhiệm và thường xuyên có những lớp cuối cấp tôi nhận thấy không phải học sinh nào cũng có tư duy ngoại ngữ tốt. Nhiều em tham gia học và thi chỉ để hài lòng bố mẹ. Điều này vô hình chung gây áp lực cho các em, lại tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc”, cô Huyền phân tích.
Thi đánh giá năng lực nếu được tổ chức tốt theo cô Huyền sẽ giảm bớt áp lực cho những học sinh khó có điều kiện hoặc không đủ năng lực học thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây cũng đưa ra lời khuyên về việc thí sinh và gia đình các em cần có lựa chọn phù hợp, tránh việc chọn tham gia quá nhiều kỳ thi sẽ lãng phí thời gian, công sức, áp lực và gánh nặng về thi cử mà khó có thể đạt được kết quả như mong muốn.
Chất lượng tuyển sinh bằng kết quả thi đánh giá năng lực sẽ cần thời gian để đánh giá
Thực tế cho thấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đánh giá năng lực ngôn ngữ ở cả 4 kĩ năng nghe, nói, đọc viết nên không dễ dàng ngay cả học sinh thuộc quận nội thành Hà Nội. Các trường đại học cũng đa dạng phương thức xét tuyển, tăng dần chỉ tiêu cho thí sinh có kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực. Vậy nên, nếu một vài năm học trước, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đặc biệt IELTS trở thành “chìa khóa vàng” cho thí sinh mở ra cơ hội bước vào trường đại học top đầu thì năm học này đánh dấu sự “lên ngôi” của phương thức xét tuyển dựa trên kết quả đánh giá năng lực với sự vào cuộc của rất nhiều trường đại học lớn như 2 Đại học Quốc gia, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Bách Khoa…
Dù mới bắt đầu chưa lâu nhưng việc tổ chức thi đánh giá năng lực đều được các nhà trường cố gắng tổ chức ở các địa điểm, thời điểm khác nhau nhằm tránh việc thí sinh phải đi quá xa cũng như thí sinh có thêm thời gian chuẩn bị kiến thức chu đáo hơn, kỹ năng hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, liệu có nở rộ các kỳ thi đánh giá năng lực? Trước câu hỏi này, GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng sẽ không thể có quá nhiều kỳ thi được vì các cơ sở đào tạo khác nhau sẽ dần liên kết để tạo ra một sự liên thông, thống nhất.
"Ví dụ khi các trường sư phạm liên kết với nhau, một sinh viên ở thành phố Hồ Chí Minh mà nhà ở phía Bắc hoàn toàn có thể nhập học ngoài này, các tín chỉ được công nhận trong toàn hệ thống. Tôi dự đoán xu hướng sẽ không có quá nhiều kỳ thi riêng mà các trường sẽ liên kết với nhau. Lúc đó có thuận lợi ngân hàng đề sẽ phong phú hơn nhiều và tạo ra các kì thi công bằng hơn nhiều”.
Trước băn khoăn về chất lượng tuyển sinh bằng kết quá đánh giá năng lực liệu có đảm bảo, GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng trước bất kỳ điều gì mới mẻ đều cần có thêm thời gian. Về phía trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ trao đổi với các trường sử dụng kết quả đánh giá năng lực để tuyển sinh và có báo cáo thí sinh tuyển theo diện này chất lượng ra sao. Nhà trường đã từng thực hiện khảo sát kết quả học tập của thí sinh tuyển thẳng từ các đội tuyển của các tỉnh hay thí sinh các trường chuyên để có những đánh giá sát thực tế nhất về mỗi loại hình tuyển sinh.
“Đánh giá tốt nhất chính là bằng kết quả, đó chính là niềm tin cao nhất để các nhà trường lựa chọn thí sinh, tránh được việc như chúng ta vẫn thường nói “văn mình vợ người”, GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ thêm./.