Nhiều quy định nhân văn, tiến bộ trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người {sửa đổi)

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, sáng 8/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người; đánh giá, nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ, toàn diện, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới. Đặc biệt, các đại biểu nhấn mạnh, dự thảo luật cần bổ sung quy định về hành vi mua bán thai nhi - dạng biến tướng của mang thai hộ - để có căn cứ xử lý nghiêm minh, xử lý trách nhiệm hình sự.

Đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên tham gia phòng mua bán người

Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) dẫn báo cáo của Bộ Ngoại giao cho thấy, hơn 70% nạn nhân của tình trạng mua bán người là phụ nữ trong độ tuổi 18 – 30 tuổi. Đáng chú ý là nạn nhân nam trong độ tuổi thanh, thiếu niên bị mua bán để bóc lột sức lao động có xu hướng gia tăng.

"Do đó, tôi tán thành với quan điểm của Ủy ban Tư pháp, đó là bên cạnh việc đề cao trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái thì dự thảo luật cần cân nhắc bổ sung quy định về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người" - đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang phát biểu tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang phát biểu tại tổ.

Đại biểu cũng cho rằng, dự thảo luật bổ sung nhiều quy định, trong đó có quy định cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân "là rất nhân văn và tiến bộ". Tuy nhiên, theo đại biểu, cần bổ sung quy định cấm kỳ thị, phân biệt đối xử về giới và về bất cứ lý do nào khác; đồng thời cấm kỳ thị, phân biết đối xử với cả thân nhân của nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Bổ sung ưu tiên với đối tượng nạn nhân yếu thế

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đánh giá, dự thảo luật đã cơ bản thể hiện khá đầy đủ 3 nhóm chính sách được Chính phủ đưa ra trong đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm: hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân. "Việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 góp phần thực hiện tốt hơn trách nhiệm thành viên của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế"- đại biểu nêu.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu tại tổ.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu tại tổ.

Nhấn mạnh điều này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng nêu rõ, các quy định của dự thảo luật đã cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Trong đó, thuật ngữ “mua bán người” được thiết kế theo hướng liệt kê cụ thể các hành vi, thủ đoạn, mục đích của hành vi phạm tội; thuật ngữ “nạn nhân” đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng chặt chẽ hơn với việc xác định cơ quan có thẩm quyền, nội luật hóa cụ thể trên cơ sở các quy định tương tự trong các điều ước quốc tế. Dự thảo luật cũng xây dựng một loạt các điều khoản quy định về quyền của nạn nhân, về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân, bảo vệ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người thân thích của họ.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, điều này cho thấy tính ưu việt so với luật năm 2011 trong việc bảo vệ quyền con người, thực hiện một cách thiện chí các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đại biểu đề nghị, về đối tượng, nạn nhân bị mua bán đa dạng song tập trung khá nhiều vào đối tượng yếu thế (phụ nữ, trẻ em), do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung sự ưu tiên nhất định đối với đối tượng nạn nhân yếu thế.

Đề nghị nạn nhân bị mua bán người được hỗ trợ tín dụng

Về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) đề nghị bổ sung thêm quyền "được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm" để nạn nhân sau khi trở về có công việc tạo thu nhập, qua đó ổn định cuộc sống, không trở thành đối tượng bị mua bán người.

“Theo quy định tại khoản 1, Điều 6, quyền của nạn nhân gồm có 8 quyền cụ thể, trong đó phân rõ giữa quyền lợi và nghĩa vụ của nạn nhân, tăng nhiều quyền so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2012. Tuy nhiên, trong thực tế, nạn nhân sau khi bị mua bán người trở về thường khó hòa nhập cộng đồng, không có được nguồn thu nhập ổn định nếu không có sự trợ giúp của gia đình, các cơ quan, đoàn thể địa phương"- đại biểu Lê Thị Thanh Lam nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt phát biểu tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt phát biểu tại tổ.

Cũng quan tâm đến các chính sách hỗ trợ nạn nhân mua bán người, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) cho biết, quy định hiện hành về đối tượng vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội thì nạn nhân mua bán người không thuộc đối tượng cho vay. Như vậy, quy định như dự thảo luật, khi nạn nhân trở về nơi cư trú nếu không thuộc các đối tượng được hỗ trợ vay vốn theo quy định của pháp luật thì sẽ không được xem xét cho vay, không tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về có công ăn việc làm ổn định, sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại tổ 13.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại tổ 13.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị, để bảo đảm tính khả thi, cần nghiên cứu bổ sung quy định về chính sách tín dụng riêng của Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương.

Cũng phát biểu về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Anh Tuấn (đoàn Bắc Ninh) đề nghị bổ sung quy định chính sách tín dụng riêng của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với nạn nhân bị mua bán trở về.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nhieu-quy-dinh-nhan-van-tien-bo-trong-du-thao-luat-phong-chong-mua-ban-nguoi-sua-doi--i733717/