Nhiều thương hiệu Việt đóng cửa: Hồi chuông báo động

Chỉ trong một năm, nhiều thương hiệu Việt đóng cửa ở các lĩnh vực thời trang, giày dép, mẹ và bé. Những cái tên từng là biểu tượng khởi nghiệp thương hiệu Việt buộc phải rút lui, đặt ra nhiều trăn trở về tương lai thương hiệu nội địa giữa bối cảnh thị trường biến động và cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Nhiều thương hiệu Việt rút lui khỏi thị trường

Việc thương hiệu LUU VIETANH thông báo đóng cửa thương hiệu thời trang sau 4 năm hoạt động là dấu hiệu sớm cho thấy sự rút lui của các thương hiệu nội địa phá sản đang trở thành xu hướng, không còn là những trường hợp đơn lẻ. Nhà sáng lập Lưu Việt Anh chia sẻ, giữa làn sóng cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm đại trà, hàng giá rẻ tràn lan trên các sàn thương mại điện tử và kênh livestream, thương hiệu Việt yếu thế không còn đủ sức trụ lại. Giá trị cốt lõi là thiết kế từng giúp thương hiệu tạo dấu ấn, nay không đủ sức chống lại áp lực chi phí doanh nghiệp gia tăng và tốc độ tiêu thụ hàng bình dân quá nhanh.

Tháng 6 vừa qua, thương hiệu DANGHAIYEN, với 10 năm có mặt trên thị trường, cũng chính thức rút lui khỏi thị trường tại Hà Nội. Trên mạng xã hội, chủ thương hiệu thẳng thắn thừa nhận không bắt kịp được nhịp thay đổi hành vi tiêu dùng chóng mặt của thị trường và áp lực khắt khe từ người tiêu dùng thời mạng xã hội. Việc thông báo “tạm dừng để học lại cách kết nối” thực chất là cách diễn đạt nhẹ nhàng cho một bước lùi chiến lược, trong bối cảnh định vị thương hiệu mờ nhạt, chiến lược kinh doanh thiếu bền vững và sức cạnh tranh yếu dần.

Thương hiệu Việt DANGHAIYEN, với 10 năm có mặt trên thị trường đã rút lui khỏi thị trường tại Hà Nội.

Thương hiệu Việt DANGHAIYEN, với 10 năm có mặt trên thị trường đã rút lui khỏi thị trường tại Hà Nội.

Trong chưa đầy một năm, hàng loạt thương hiệu Việt Nam biến mất: từ MỘT, nhãn hiệu giày tối giản có chất riêng, đến Lep’, chuỗi cửa hàng thời trang nữ từng mở rộng tới 17 chi nhánh, hay Catsa, cái tên quen thuộc với khách hàng TP.HCM suốt 13 năm qua. Dù lý do đóng cửa thương hiệu nội địa mỗi nơi mỗi khác, điểm chung vẫn là sự hụt hơi giữa một thị trường khắt khe và liên tục biến động.

Bài toán khó trong cạnh tranh

Theo giới chuyên gia, làn sóng thương hiệu Việt rút lui là hệ quả từ những nền móng yếu kém trong mô hình kinh doanh. Đa số các thương hiệu nội địa khởi phát mạnh mẽ trong giai đoạn 2015–2020, khi trào lưu khởi nghiệp thương hiệu Việt lan tỏa. Tuy nhiên, phần lớn hình thành từ cảm hứng cá nhân, thiếu chiến lược tài chính dài hạn, nghiên cứu thị trường hay tái đầu tư hợp lý.

Ngoài ra, thay đổi hành vi tiêu dùng cũng là yếu tố lớn. Người mua hiện nay không chỉ muốn sản phẩm đẹp gắn nhãn "made in Vietnam", mà còn yêu cầu trải nghiệm mua sắm tốt, giá trị sử dụng cao, và bản sắc thương hiệu rõ ràng. Trong khi đó, nhiều thương hiệu Việt lại mắc kẹt trong cái bẫy sản phẩm na ná, thiếu khác biệt, khiến khách hàng khó quay lại sau lần đầu tiên.

Ông Võ Văn Khanh, Trưởng đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử khu vực miền Trung, cho rằng: "Thương hiệu Việt mất thị phần là thực tế khó tránh khi doanh nghiệp vừa đối mặt áp lực nội tại, vừa bị thị trường thay đổi quá nhanh. Thương hiệu ngoại có nguồn lực mạnh, kinh nghiệm dày dạn và chiến lược rõ ràng, đang chiếm ưu thế. Trong khi đó, thương mại điện tử phát triển giúp họ vượt trội về giá và tiện ích".

Thương hiệu Việt DANGHAIYEN, với 10 năm có mặt trên thị trường đã rút lui khỏi thị trường tại Hà Nội.

Thương hiệu Việt DANGHAIYEN, với 10 năm có mặt trên thị trường đã rút lui khỏi thị trường tại Hà Nội.

Chi phí vận hành cao, từ mặt bằng, nhân công đến nguyên vật liệu cũng đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh doanh thu không đủ bù chi. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý mới về thuế, hóa đơn điện tử, truy xuất nguồn gốc hàng hóa càng làm khó doanh nghiệp nhỏ Việt Nam. Không ít thương hiệu Việt chọn đóng cửa như một giải pháp bắt buộc.

Việc chậm chuyển đổi số, ít đầu tư vào trải nghiệm khách hàng và thiếu đổi mới sản phẩm cũng khiến doanh nghiệp bị đào thải khỏi thị trường. Các chuyên gia nhấn mạnh, nếu không thay đổi tư duy, từ cảm hứng sang chiến lược, thì sẽ không thể tồn tại trong thị trường Việt Nam đầy tiềm năng nhưng không dễ tính.

Ông Khanh khẳng định: “Thị trường Việt Nam rất tiềm năng, nhưng không dễ dãi. Chỉ những thương hiệu có quản trị tốt, linh hoạt cao, đầu tư công nghệ, phát triển kênh bán hàng mới và tận dụng chính sách hỗ trợ mới là người đi đường dài. Đóng cửa thương hiệu nội địa chưa phải dấu chấm hết, nhưng nếu không thay đổi, sẽ là khởi đầu của một vòng lặp thất bại.”

Sự rút lui của nhiều thương hiệu Việt không chỉ là câu chuyện kinh doanh, mà là tấm gương phản chiếu cách người Việt xây dựng và giữ gìn thương hiệu. Vấn đề không nằm ở khởi đầu như thế nào mà họ có đủ sức bền để đi tiếp hay không.

Ánh Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nhieu-thuong-hieu-viet-dong-cua-hoi-chuong-bao-dong-post1212045.vov