Việt Nam có 'kho vàng đen' 274.000 tấn, Mỹ mua lượng lớn bất ngờ
Năm nay, 'kho vàng đen' của Việt Nam có sản lượng lên tới hơn 274.000 tấn. Nhiều quốc gia đang mạnh tay gom mua với giá cao, trong đó Mỹ là khách hàng lớn nhất.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến cuối tháng 6, cây hồ tiêu đã thu hoạch xong. Ước tính tổng diện tích hồ tiêu năm nay khoảng 110.600ha, sản lượng đạt 274.100 tấn. So với năm 2024, diện tích hồ tiêu tăng 1.000ha, sản lượng tăng 11.800 tấn.
Đáng chú ý, trong những phiên giao dịch gần đây, giá loại hạt được ví như “vàng đen” của Việt Nam này biến động mạnh theo xu hướng tăng. Sáng 3/7, giá tiêu dao động từ 140.000-147.000 đồng/kg.
Giá tiêu đen Việt Nam xuất khẩu dao động từ 6.240-6.370 USD/tấn, tiêu trắng có giá 8.950 USD/tấn.
Trong 6 tháng đầu năm nay, nước ta đã xuất khẩu 124.900 tấn hạt tiêu, thu về 859,6 triệu USD; tuy khối lượng xuất khẩu giảm 12,4%, nhưng giá trị lại tăng mạnh 35,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Đáng chú ý, giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân 6 tháng qua ước đạt 6.881 USD/tấn, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam kết thúc vụ thu hoạch tiêu năm nay với sản lượng tăng so với năm ngoái. Ảnh: Tấn Lực
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng cho biết, Mỹ, Đức và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 26,8%, 9,2% và 7,7%.
So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu hạt tiêu 5 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Mỹ tăng 34,8%, thị trường Đức tăng 73,7% và thị trường Ấn Độ tăng 86,7%.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất, giá trị xuất khẩu hạt tiêu tăng mạnh nhất ở thị trường Anh với mức tăng 2,1 lần và giảm mạnh nhất ở thị trường Hà Lan với mức giảm 12,5%.
Bộ này nhận định, trong nửa cuối năm nay, xuất khẩu "vàng đen" sang thị trường Mỹ gặp thách thức lớn khi quốc gia này áp thuế nhập khẩu. Theo đó, hạt tiêu Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh với hàng của Indonesia và Brazil.
Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch xuất khẩu hạt tiêu năm 2025 ước đạt 1,35 tỷ USD, Bộ Nông nghiệp và Môi trường lưu ý, các doanh nghiệp cần tận dụng mọi cơ hội để giao hàng, tránh ùn ứ hàng với những hợp đồng đã ký từ năm 2024.
Cùng với đó, chủ động mở rộng thị trường sang châu Âu, châu Á và Trung Đông, tránh phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Đồng thời, quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội vùng nguyên liệu, có giải pháp giữ vững vùng trồng và sản lượng hạt tiêu.
Hiện nay, nhiều nông dân và nhà đầu cơ vẫn giữ hàng, chưa vội bán ra với kỳ vọng giá sẽ phục hồi tốt hơn vào 6 tháng cuối năm. Việc tích trữ này xuất phát từ dự đoán giá sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, góp phần làm giảm nguồn cung tức thời trên thị trường.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, việc đồng USD tăng và các cuộc xung đột vũ trang tại nhiều khu vực leo thang khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn. Chi phí logistics bị đẩy lên cao cũng góp phần tạo sức ép ngắn hạn đến giá hạt tiêu.