Nhiều tranh cãi về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch tại Hội nghị COP28
Khi các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) bước vào thời điểm căng thẳng, ngày 11-12, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell kêu gọi các nước hãy cùng nhau đạt được thỏa thuận cuối cùng khi có không ít cản trở trong việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.
Ông Simon Stiell cho biết đã có tiến bộ trong việc giải quyết một số bất đồng, nhưng cảnh báo rằng “mỗi bước lùi khỏi tham vọng cao nhất sẽ khiến hàng triệu sinh mạng phải trả giá”. Theo đó, có hai vấn đề chính vẫn đang được tranh luận: Các quốc gia đầy tham vọng sẵn sàng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu như thế nào và họ sẽ cung cấp bao nhiêu kinh phí và hỗ trợ để đạt mục tiêu đó. Một liên minh gồm hơn 80 quốc gia bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc đảo nhỏ đang thúc đẩy một thỏa thuận “loại bỏ dần" nhiên liệu hóa thạch, một kỳ tích chưa đạt được trong 30 năm diễn ra hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đang phải đối mặt với một số phản đối mạnh mẽ. Các nhà đàm phán nói với Reuters rằng Arabia Saudi, là một trong những đối thủ chính của thỏa thuận loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Các thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc phải đạt được sự đồng thuận của gần 200 quốc gia có mặt.
Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber đã gia hạn cho các nhà đàm phán đến hôm nay (12-12) để thống nhất về thỏa thuận đầu tiên trên thế giới nhằm loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nguồn phát thải khí nhà kính chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Phát thải khí nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch cho đến nay là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu trong khi việc đốt than, dầu và khí đốt vẫn là nguồn năng lượng chính của thế giới, cung cấp năng lượng cho nền kinh tế của nhiều quốc gia. Bất chấp sự tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng tái tạo, hiện tại nhiên liệu hóa thạch vẫn sản xuất khoảng 80% năng lượng của thế giới.
Các nhà đàm phán nói với Reuters rằng, các thành viên khác của OPEC và OPEC+ bao gồm Nga, Iraq và Iran cũng phản đối nỗ lực đưa việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch vào thỏa thuận COP28.