Nhiều trường đại học gặp khó khăn về bài toán thu chi nếu không tăng học phí

Theo lãnh đạo nhiều trường đại học, việc không tăng học phí 3 năm liên tiếp sẽ khiến các nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 300/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023 - 2024.

Như vậy, theo Thông báo số 300/TB-VPCP đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp (năm 2021, 2022, 2023) các trường đại học không tăng học phí.

"Không tăng học phí, nhà trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đời sống của cán bộ giảng viên, nhân viên trong trường bị ảnh hưởng"

Cách đây vài tháng, đa số các trường đại học đã thông báo dự kiến tăng học phí trong đề án tuyển sinh. Các trường cũng đã có kế hoạch năm học, trong đó có các hạng mục đầu tư, sửa chữa, nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo, hợp tác. Nếu không được tăng học phí, kế hoạch phải làm lại toàn bộ theo hướng cắt giảm hoặc hoãn.

Trao đối với PV báo Sức khỏe&Đời sống, PGS.TS. Nguyễn Quốc Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược Thái Bình cho biết, Trường Đại học Y Dược Thái Bình là đơn vị thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe ở trình độ đại học và sau đại học.

Tuy nhiên, với một cơ sở tự chủ chi thường xuyên (nhóm 2) bắt đầu từ năm 2021 như Trường Đại học Y Dược Thái Bình, việc 2 năm liên tục không tăng học phí khiến nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, đời sống của cán bộ giảng viên, nhân viên trong trường bị ảnh hưởng.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược Thái Bình.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Tiến - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược Thái Bình.

"Hiện nguồn thu chủ yếu của trường gồm học phí trên 90% và thu dịch vụ đào tạo, thu khác gần 10%. Vì vậy, việc cân đối bài toán thu chi, tính toán cho thực hiện đổi mới, đầu tư phát triển là một vấn đề nan giải.

Nhà trường đã bước sang năm thứ 3 thực hiện tự chủ chi thường xuyên nhưng học phí vẫn giữ ở mức như thời kỳ chưa tự chủ, nhà trường phải rất cố gắng tiết kiệm, cân đối thu chi để đảm bảo cho các hoạt động, kế hoạch, nhưng việc này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống, tâm lý của cán bộ và các hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển của trường" - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược Thái Bình trăn trở.

Theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Tiến, ngày 2/8, Trường Đại học Y Dược Thái Bình đã có văn bản gửi Bộ GD&ĐT đề xuất mức thu học phí năm 2023-2024 và cấp bù học phí cho cơ sở giáo dục theo mức trần học phí.

Theo đó, nếu thực hiện theo Thông báo số 300/TB-VPCP thì nhà trường là một trong những đơn vị tự chủ không có ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên; học phí 3 năm liên tục không được tăng; chi phí đào tạo cho ngành khoa học sức khỏe rất cao; phải đảm bảo mức lương cơ sở cho cán bộ, giảng viên theo quy định mới khiến nguồn thu của nhà trường giảm sút nghiêm trọng.

Dự kiến nguồn kinh phí năm 2023-2024 của nhà trường không đủ đảm bảo được các khoản chi cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, tiền lương, phụ cấp cho CBVC, người lao động và không duy trì được hoạt động bình thường của nhà trường.

"Do đó, Trường Đại học Y Dược Thái Bình đề nghị Bộ GD&ĐT tham mưu trình Chính phủ có quy định riêng đối với các trường đại học đã được giao tự chủ nhóm 1, nhóm 2. Trường hợp được tăng học phí, nhà trường cam kết thực hiện đúng các quy định hỗ trợ các học viên, sinh viên diện khó khăn theo quy định của Chính phủ và có hỗ trợ của nhà trường để đảm bảo người học có đủ điều kiện theo học tại trường.

Trường hợp nếu không được điều chỉnh mức học phí thì Nhà nước cần có chính sách cấp bù tiền học phí cho cơ sở giáo dục đại học theo mức trần học phí năm học 2023 - 2024 đã quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP hiện hành cho đơn vị tự chủ nhóm 1, nhóm 2".

Với Trường Đại học Y tế công cộng, chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, GS.TS Hoàng Văn Minh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Về Thông báo số 300/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nhà trường sẽ họp bàn và quyết định mức học phí trong thời gian tới".

Tại Trường Đại học Thương mại, ông Nguyễn Viết Thái - Chủ tịch Công đoàn, phụ trách truyền thông Trường Đại học Thương Mại chia sẻ với báo chí cho biết, ngay khi có thông tin Chính phủ chỉ đạo không tăng học phí, nhà trường đã khẩn trương họp và lên kế hoạch điều chỉnh học phí, thu chi nhà trường năm học 2023 - 2024.

Trường quyết định không tăng học phí năm học 2023 - 2024 như dự kiến trước đó, giữ nguyên mức thu như năm học trước. "Việc không tăng học phí 3 năm liên tiếp khiến nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính".

Theo ông Nguyễn Viết Thái, không chỉ vậy, từ sau ngày 1/7, Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức giảng viên lên mức 1.800.000 đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở trước đó - 1.490.000 đồng/tháng. Để đáp ứng được chính sách tăng lương cho giảng viên theo quy định chung, Trường Đại học Thương Mại dự chi ngân sách mỗi năm sẽ tăng lên vài chục tỷ đồng. Mức thu học phí không tăng, nhưng lương giảng viên, nhân viên lại tăng khiến ngân sách của trường ngày càng eo hẹp.

Để ứng phó với tình hình khó khăn này, ông Nguyễn Viết Thái cho biết, Trường Đại học Thương Mại quyết định cắt giảm tối đa các hoạt động, sự kiện hội nghị, hội thảo, chào mừng không cần thiết, giảm chi tiêu để duy trì hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, trong đó duy trì lương ổn định cho giảng viên là bài toán quan trọng nhất.

Ba năm liền không tăng học phí, nhiều trường đại học phải cắt giảm tối đa các hoạt động, sự kiện hội nghị, hội thảo, chào mừng không cần thiết, giảm chi tiêu để duy trì hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, trong đó duy trì lương ổn định cho giảng viên là bài toán quan trọng nhất. Ảnh minh họa

Ba năm liền không tăng học phí, nhiều trường đại học phải cắt giảm tối đa các hoạt động, sự kiện hội nghị, hội thảo, chào mừng không cần thiết, giảm chi tiêu để duy trì hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, trong đó duy trì lương ổn định cho giảng viên là bài toán quan trọng nhất. Ảnh minh họa

Trường Đại học Công thương TP.HCM thực hiện tự chủ 100%, không có nguồn chi từ ngân sách nhà nước. Do vậy, trường gặp khó trong bài toán cân đối chi ngân sách.

Năm 2023, trường dành ra 20 tỷ đồng cho việc tăng lương cơ sở cho giảng viên, nhân viên sau quyết định tăng lương của Chính phủ. Nếu học phí năm học 2023 - 2024 không được tăng, buộc trường phải cắt giảm các khoản thưởng, du lịch, thí nghiệm, nghiên cứu, hội thảo để đảm bảo nguồn chi, chế độ cho giảng viên, người lao động.

Theo ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường Đại học Công thương TP.HCM, trường đang gặp nhiều khó khăn sau 2 năm không tăng học phí, hiện nhà trường chưa có phương án điều chỉnh học phí, chờ Chính phủ ban hành quyết định chính thức. "Nếu năm 2023 học phí tiếp tục không tăng sẽ ảnh hưởng tới nhiều hoạt động khác của trường".

Ông Sơn hy vọng Chính phủ, Bộ GD&ĐT nghiên cứu sửa đổi Nghị định 81 phù hợp, lắng nghe nguyện vọng các trường. Các trường đại học cần thiết tăng học phí vừa để đảm bảo thu chi, vừa đảm bảo chế độ cho giảng viên, người lao động.

Trong đề án tuyển sinh của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội dự kiến học phí chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm học, chương trình chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế là 45 triệu đồng/năm. So với năm học 2022 - 2023, mức học phí mới này dự kiến tăng 5 triệu đồng/năm. Học phí với chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu đồng. Còn chương trình Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số, Truyền thông Marketing tích hợp vẫn giữ mức 60 triệu đồng.

Chia sẻ với báo chí, theo đại diện Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, năm học tới nếu không được tăng học phí, nhà trường buộc điều chỉnh lại học phí đã thông báo trước đó, đồng thời có phương án thắt chặt chi dài hạn và các hoạt động không cần thiết. Tất cả ưu tiên cho chi thường xuyên và lương cho giảng viên.

GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, từ năm 2019, trường giữ ổn định mức học phí 16-22 triệu đồng một năm với chương trình chuẩn, 45-65 triệu với chương trình đặc thù. Mức này đang duy trì thấp hơn chi phí đào tạo thực tế. "Năm học này, trường dự kiến tăng 5% học phí. Nếu không được, trường có thể phải hoãn một số kế hoạch dài hạn để dồn chi phí sang hoạt động chi thường xuyên".

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-truong-dai-hoc-gap-kho-khan-ve-bai-toan-thu-chi-neu-khong-tang-hoc-phi-169230804093741264.htm