Nhiều vấn đề cần làm rõ trong Dự thảo Luật Nhà giáo

Ở ngày làm việc thứ hai, Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng; trong đó, Dự thảo Luật nhà giáo nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu.

Các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo. Một trong những điểm nhấn của Dự thảo Luật Nhà giáo là làm rõ định hướng giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. 26 ý kiến thảo luận tại hội trường, tập trung chủ yếu vào 3 vấn đề được quan tâm nhất, gồm: trao quyền tuyển dụng, quản lý học thêm và quy định về cơ chế, chế độ đối với nhà giáo.

Tiếp thu, giải trình và làm rõ các nhóm nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu toàn bộ ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội. Những nội dung nào sửa đổi ngay được, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ để ban hành các nghị định triển khai thực thi. Một số nội dung khác sẽ được tiếp thu, sửa đổi, bổ sung trong các dự thảo luật khác, như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Trước đó, đầu giờ sáng 6/5, Quốc hội nghe tờ trình và thẩm tra dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Một trong những mục tiêu lớn của dự án Luật là đưa Việt Nam từ một quốc gia sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược. Để làm được điều đó, việc giao quyền tự chủ cho cơ sở nghiên cứu là điều cần thiết.

Cũng trong buổi sáng nay, các đại biểu đã nghe tờ trình và thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong số các nội dung chính của dự án Luật, nội dung về xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa được chú ý.

Lệ Cẩm

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nhieu-van-de-can-lam-ro-trong-du-thao-luat-nha-giao-327689.htm