Nhiều vấn đề cần thiết phải được đặt ra trong xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 3/6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 3/6.

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 3/6.

Thể hiện rõ hơn địa vị pháp lý của tổ chức Công đoàn Việt Nam

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, việc sửa đổi Luật đáp ứng yêu cầu từ việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật

Trên cơ sở quy định tại Điều 10 Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi Điều 1 theo hướng bổ sung rõ khái niệm “Công đoàn Việt Nam”; bỏ các cụm từ “là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam” và “cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội”; sắp xếp lại các cụm từ “đại diện cho công nhân, người lao động, cán bộ, công chức, viên chức”, “tham gia kiểm tra, thanh tra và giám sát” để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thể hiện rõ hơn địa vị pháp lý của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

 Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày Tờ trình.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày Tờ trình.

Về quyền, trách nhiệm của Công đoàn trong đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ ra rằng, Điều 10 Luật Công đoàn 2012 là cơ sở pháp lý quan trọng, cụ thể để tổ chức Công đoàn thực hiện có hiệu quả quyền, trách nhiệm của mình trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo Bộ luật Lao động 2019 thì các quy định tại điều này phải được tiếp tục duy trì và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Theo đó, Công đoàn có quyền, trách nhiệm: Đối thoại với người sử dụng lao động; Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; Tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động; Tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động... theo quy định của pháp luật lao động.

 Các đại biểu tham dự phiên họp.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã bổ sung mới một số quyền, trách nhiệm của công đoàn nhằm bảo đảm sự thống nhất với các đạo luật khác đã quy định cho Công đoàn: Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ, bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (khoản 11 Điều 11 dự thảo Luật); Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Ban thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước (khoản 12 Điều 11 dự thảo Luật); Quản lý, hướng dẫn hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh theo Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Cùng với đó, tham gia điều tra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật (khoản 13 Điều 11 dự thảo Luật); Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, các thiết chế công đoàn phục vụ đoàn viên công đoàn và người lao động theo quy định của pháp luật (khoản 14 Điều 11 dự thảo Luật)...

Sửa đổi các chính sách trong dự án Luật bảo đảm toàn diện, sâu sắc

Trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Xã hội, ý kiến tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến góp ý của một số Đoàn đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra.

Tuy nhiên, các quy định của dự án Luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, khái quát về các nội dung xác định tại phạm vi điều chỉnh. Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, quán triệt, thể chế hóa các quan điểm của Đảng bằng các quy định cụ thể của dự thảo Luật.

Trong quá trình triển khai thực hiện thời gian tới, đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hết sức quan tâm đến việc đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong việc tập trung phát triển về số lượng gắn với nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò công đoàn cơ sở, thu hút và kết nạp được đông đảo hơn nữa người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam để xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Ủy ban Xã hội cũng nhất trí với việc sửa đổi toàn diện dự án Luật và thấy rằng, còn nhiều vấn đề cần thiết khác phải được đặt ra trong quá trình xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) như: Xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở, phong trào công nhân, khuyến khích xã hội hóa nguồn lực.

 Các đại biểu tham dự phiên họp.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Do đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để việc sửa đổi các chính sách trong dự án Luật bảo đảm toàn diện, sâu sắc, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn.

Về địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với quy định địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam tại Điều 1. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam cần quy định theo hướng phân chia thành hai nhóm quy phạm theo chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam theo đúng theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đó là Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội và Công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động.

Mặc dù Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã giải trình tại Báo cáo số 51/BC-TLĐ ngày 19/4/2024, song Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục quan tâm nghiên cứu ý kiến này để tiếp thu hoặc giải trình thấu đáo hơn.

Ngoài các nội dung trên, Ủy ban Xã hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu các nội dung như: bảo đảm chính sách dân tộc; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật; hồ sơ dự án Luật; tính khả thi; giải thích từ ngữ (Điều 4); hành vi bị nghiêm cấm (Điều 10); về quyền, trách nhiệm đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động của Công đoàn (Điều 11); tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động (Điều 18); quyền, trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với người lao động ở đơn vị sử dụng lao động chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (Điều 20); trách nhiệm của Nhà nước đối với Công đoàn (Điều 24); bảo đảm về tổ chức, cán bộ (Điều 26); mối liên hệ giữa dự thảo Luật và Điều lệ Công đoàn…

Diên Hồng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/nhieu-van-de-can-thiet-phai-duoc-dat-ra-trong-xay-dung-du-an-luat-cong-doan-sua-doi-158922.html