Nhiều vi phạm trong quản lý thi công cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Bộ GTVT vừa có kết luận thanh tra chỉ ra nhiều vi phạm trong công tác quản lý chất lượng công trình cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Chánh Thanh tra Bộ GTVT vừa có kết luận thanh tra về công tác quản lý chất lượng công trình đối với đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Theo đó cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT).
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được phân kỳ đầu tư có quy mô 4 làn xe, có chiều dài tuyến 78,5 km (trong đó tỉnh Khánh Hòa 5 km; tỉnh Ninh Thuận 63 km và tỉnh Bình Thuận là 12 km). Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 8.925 tỉ đồng.
Qua thanh tra đã phát hiện một số tiêu chuẩn áp dụng cho thí nghiệm và nghiệm thu đã hết hiệu lực; chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng một số tiêu chuẩn không có trong danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; một số hạng mục chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật chưa phù hợp với quyết định phê duyệt dự án.
Về công tác quản lý chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị sử dụng cho công trình không có sơ đồ điều phối đào đắp; không cung cấp các tài liệu chứng minh nguồn gốc một số chủng loại vật liệu cung cấp từ các nguồn được chấp thuận tại Dự án.
Công tác chấp thuận một số nguồn vật liệu chưa đảm bảo theo quy định, thiếu tiêu chuẩn để đánh giá hoặc chưa có thí nghiệm hoặc thí nghiệm tần suất chưa đầy đủ.
Chất lượng thi công cọc khoan nhồi: kiểm tra khả năng chịu tải của cọc chưa đầy đủ; kết quả khoan kiểm tra tiếp xúc đáy cọc được đánh giá theo tiêu chuẩn đã hết hiệu lực…
Để xảy ra các tồn tại, hạn chế nêu trên là do chất lượng của công tác khảo sát, thiết kế, tư vấn giám sát chưa cao; công tác soát xét hồ sơ Thiết kế kỹ thuật, Hồ sơ Thiết kế Bản vẽ thi công, Chỉ dẫn kỹ thuật... còn chưa cẩn trọng, công tác kiểm soát chất lượng vật liệu, thí nghiệm chưa thực hiện đầy đủ....
Trách nhiệm để xảy ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý chất lượng của Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo chủ yếu thuộc về Doanh nghiệp dự án, Tư vấn giám sát, các đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế, đơn vị thi công, Ban QLDA 85 và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thanh tra Bộ kiến nghị với Bộ trưởng chỉ đạo Ban QLDA 85 rà soát, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án như lập, trình hồ sơ thiết kế kỹ thuật, công tác quản lý chất lượng công trình trong quá trình xây dựng và đề ra biện pháp khắc phục trong công tác quản lý chất lượng công trình đối với Dự án đã nêu.
Ban Quản lý dự án 85, doanh nghiệp dự án căn cứ vào quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm được quy định trong Hợp đồng BOT, Hợp đồng tư vấn... và các quy định pháp luật, làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan, các nhà thầu để xử lý, khắc phục với các tồn tại.
Khẩn trương rà soát lại tất cả các kết quả thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định trước đây đã đánh giá theo các tiêu chuẩn hết hiệu lực để đánh giá lại theo các tiêu chuẩn thay thế đang có hiệu lực. Chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với kết quả rà soát, căn cứ các quy định của hợp đồng xem yêu cầu các Nhà thầu xây dựng kéo dài thời gian bảo hành để kịp thời khắc phục các sai sót liên quan đến chất lượng (nếu có).
Cục Quản lý đầu tư xây dựng: Rà soát, lưu ý đối với các tồn tại đã nêu tại báo cáo liên quan đến trách nhiệm thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật như quy định kiểm tra chất lượng cọc khoan nhồi chưa đầy đủ, chưa khuyến cáo yêu cầu chống thấm cho kết bê tông nằm trong vùng ảnh hưởng của xâm thực nước biển, khuyến cáo sử dụng xi măng phù hợp với từng loại kết cấu...
“Doanh nghiệp dự án, Ban Quản lý dự án 85, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra, báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản về Thanh tra Bộ trước ngày 15-9-2024”, Chánh Thanh tra Bộ GTVT yêu cầu.