Nhiều vụ bán chui cổ phiếu bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt

Trong tháng 8, nhiều vụ bán chui cổ phiếu đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt

Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tháng 8, đơn vị đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 doanh nghiệp và 4 cá nhân vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, với tổng số tiền phạt lên tới 1,75 tỷ đồng; trong đó, đáng chú ý là những vụ bán chui cổ phiếu bị xử phạt.

Theo đó, trường hợp vi phạm được dư luận quan tâm là ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã chứng khoán: LDG) giao dịch “chui” cổ phiếu.

Cụ thể, ông Hưng khi bán ra hơn 2,6 triệu cổ phiếu LDG vào ngày 15/8/2023 nhưng không báo cáo Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) về việc dự kiến giao dịch.

Với vi phạm này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư LDG bị xử phạt hành chính 520 triệu đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 4 tháng.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Trường hợp ông Huỳnh Minh Lâm - Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Địa ốc No va (Mã chứng khoán: NVL) cũng bán “chui” 603.790 cổ phiếu NVL, tương ứng hơn 6 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu NVL. Theo đó, ông Lâm bán cổ phiếu nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Ông Lâm đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính 100 triệu đồng.

Thậm chí có doanh nghiệp cũng thực hiện giao dịch “chui” cổ phiếu. Theo đó, ngày 17/1/2023, CTCP Huy Hoàng Holding (tổ chức liên quan đến ông/bà Võ Phi Nhật Huy – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Big Invest Group – mã chứng khoán: BIG) đã mua 350.000 cổ phiếu BIG, tương ứng với 3,5 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu BIG nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Ngày 29/8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 125 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Huy Hoàng Holding.

Những trường hợp không báo cáo khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng và không báo cáo khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết cũng bị Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính; trong đó, có 2 cá nhân và một doanh nghiệp.

Cụ thể, ông Hồ Trung Đông đã thực hiện giao dịch mua thêm cổ phiếu của CTCP Xây dựng số 5 (mã chứng khoán: VC5), tăng khối lượng (tỷ lệ) sở hữu cổ phiếu VC5 từ 4,74% lên 5,74%, trở thành cổ đông lớn của VC5.

Tuy nhiên, ông Đông không báo cáo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) khi trở thành cổ đông lớn của VC5. Sau đó, ông Đông cũng thực hiện mua và bán cổ phiếu VC5, dẫn đến thay đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu liên tục vượt ngưỡng 1% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của VC5 nhưng cũng không báo cáo HNX theo quy định.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Chức đã nhiều lần giao dịch mua và bán cổ phiếu của CTCP Du lịch Vietourist (mã chứng khoán: VTD) dẫn đến tỷ lệ nắm giữ sau giao dịch tăng vượt ngưỡng 5%; thay đổi quá ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết của VTD nhưng HNX không nhận được báo cáo. Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước xử phạt ông Đông và ông Chức mỗi người 75 triệu đồng.

Hay như trường hợp của CTCP Chứng khoán APG - cổ đông lớn của CTCP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (mã chứng khoán: PSG) đã bán 635.931 cổ phiếu PSG dẫn đến thay đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu sau giao dịch vượt ngưỡng 1% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của PSG (giảm từ ngưỡng 6% xuống ngưỡng 5%). Tuy nhiên, công ty này cũng không báo cáo về thay đổi tỷ lệ sở hữu của APG.

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Vũ Thị Chân Phương, cơ quan quản lý đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, về khuôn khổ pháp lý, Luật Chứng khoán 2019, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường như: tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; tiếp cận thông tin bằng tiếng Anh; đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm các sai phạm để thị trường minh bạch hơn…

"Bên cạnh việc phát triển về quy mô, thanh khoản, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng minh bạch và lành mạnh hơn khi nhiều sai phạm đều bị xử lý nghiêm" bà Phương cho biết./.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhieu-vu-ban-chui-co-phieu-bi-uy-ban-chung-khoan-nha-nuoc-xu-phat/305696.html