Nhìn lại 15 năm đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Kinh tế tập thể là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế mà còn có đóng góp quan trọng trong phát triển văn hóa, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển cả về số lượng và chất lượng hoạt động, từng bước làm tốt hơn vai trò phục vụ thành viên, dần khẳng định được vị thế, vai trò trong xã hội.

Nhiều sản phẩm của các HTX trong tỉnh được giới thiệu tại Hội chợ xúc tiến thương mại hợp tác xã năm 2019.

Tính đến 31/12/2018, toàn tỉnh có 369 tổ hợp tác, tăng gấp 7 lần so với thời điểm 31/12/2003. Số thành viên có hơn 2.300 thành viên, trong đó 209 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 50 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, 53 tổ hợp tác tiểu thủ công nghiệp...

Các tổ hợp tác phần lớn có quy mô nhỏ, tổ chức và quản lý điều hành gọn nhẹ, linh hoạt, phạm vi hoạt động đa dạng và phong phú. Hoạt động chủ yếu là giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, đời sống như trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, thông tin thị trường và tiêu thụ sản phẩm... đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo ở địa phương và là tiền đề để phát triển các hợp tác xã (HTX).

Tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 370 HTX, tăng 47 HTX so với thời điểm năm 2003. Trong giai đoạn 2003-2018 đã thành lập mới 141 HTX; giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi 96 HTX. Khu vực HTX hiện thu hút hơn 260.000 thành viên và hộ thành viên tham gia, tăng hơn 7.000 thành viên so với năm 2003.

Số lao động thường xuyên có gần 4.000 người, trong đó có khoảng 600 người được tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Không chỉ nâng cao về số lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các HTX cũng được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là từ sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Hiện tổng số vốn hoạt động của các HTX đạt gần 4.000 tỷ đồng (tăng 2,6 lần so với năm 2003).

Tổng giá trị tài sản của HTX đạt hơn 2.700 tỷ đồng (tăng 1,5 lần so với năm 2003); doanh thu bình quân năm 2018 của các HTX đạt hơn 1,4 tỷ đồng (tăng 4,7 lần so với năm 2003); thu nhập bình quân của các HTX đạt 253 triệu đồng (tăng 3 lần so với năm 2003). Thu nhập bình quân của người lao động năm 2018 đạt 45,6 triệu đồng/người/năm.

Thành công này một phần là bởi tỉnh ta đã thực hiện một cách triệt để, có hiệu quả việc tiến hành chuyển đổi, tổ chức lại 266 HTX theo Luật HTX năm 2012. Sau chuyển đổi, hoạt động của nhiều HTX đã có chuyển biến rõ nét, hiệu quả được nâng lên, khắc phục được yếu kém trong tổ chức và hoạt động, khẳng định được vai trò đối với thành viên và nâng cao trách nhiệm của thành viên đối với HTX, phát huy vai trò trong công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Một điển hình là HTX nông nghiệp Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc huyện Yên Khánh. Ông Vũ Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: Năm 2015, HTX đã tiến hành chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, hiện tại HTX có hơn 1.100 thành viên tham gia và thực hiện 10 khâu dịch vụ phục vụ thành viên, doanh thu mỗi năm duy trì từ 5-6 tỷ đồng.

HTX đang thực hiện hầu hết các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có những dịch vụ khó như: Dịch vụ tín dụng nội bộ; Dịch vụ khoán đồng diệt chuột; Dịch vụ tiêu thụ sản phẩm; Dịch vụ thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt. Hàng năm từ nguồn lợi nhuận thu được, HTX trích đầu tư phục vụ cho sản xuất, hiện tại HTX đã có 5 trạm bơm vô ống, 3 lò sấy nông sản, kho chứa trữ lượng 500 tấn thóc.

Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, HTX đã vận động các hộ thành viên đóng góp trên 4 tỷ đồng để quy hoạch lại đồng ruộng, làm lại hệ thống giao thông, thủy lợi trước khi giao ruộng cho nhân dân. Cùng với đó là việc áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, giống cây con mới vào sản xuất như chuyển đổi 100% diện tích từ cấy truyền thống sang gieo vãi, chế tạo máy phun thuốc trừ sâu, sử dụng máy rải phân bón....

Ngoài ra, việc xây dựng các mô hình HTX kiểu mẫu gắn với chuỗi giá trị bắt đầu được triển khai từ năm 2016, đến nay đã có 32 HTX đã và đang hình thành một số sản phẩm theo chuỗi, qua đó góp phần tăng diện tích canh tác, quy mô và chất lượng sản phẩm được nâng cao rõ rệt, doanh thu hàng năm tăng. Cùng với đó, HTX đã quan tâm, chú trọng phát triển kinh tế hộ thành viên, thu nhập của thành viên tăng tuy chưa cao nhưng mang tính ổn định.

Có thể thấy, trong 15 năm qua, tỉnh ta đã và đang thực hiện đúng đắn, có hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Qua đó đã giúp diện mạo khu vực kinh tế tập thể được khởi sắc.

Tuy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới, song không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tập thể đối với việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Song song với việc dần hoàn thiện về cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với kinh tế tập thể, tự bản thân các tổ hợp tác, HTX cũng cần xác định rõ sứ mệnh của mình, quan tâm công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, nghiên cứu thị trường và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, đem lại nguồn lợi nhuận cho HTX và các thành viên.

Bài, ảnh: Thái Học

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/nhin-lai-15-nam-doi-moi-phat-trien-va-nang-cao-hieu-qua-kinh-te-tap-the-20190920091156213p0c2.htm