Nhìn lại để chủ động xây dựng văn hóa đọc
Câu chuyện về văn hóa đọc, nhắc lại, dễ gây cảm giác chuyện cũ, 'biết rồi, khổ lắm, nói mãi'. Thế nhưng, chuyện cũ, biết rồi, mà vẫn rất cần 'nói mãi', vẫn là một vấn đề khiến cho bất kỳ ai, khi nhắc đến cũng không khỏi bận lòng. Trong thực tế, văn hóa đọc ở Việt Nam thiếu đi cả bề rộng lẫn bề sâu, cả lượng và chất của việc đọc. Điều gì dẫn đến tình trạng ấy?

Đọc sách mỗi ngày lâu dần sẽ hình thành thói quen, đam mê đọc sách, hình thành văn hóa đọc. Ảnh: Vũ Minh
Nhìn vào văn hóa đọc ở Việt Nam, có thể nhận thấy số người thực sự duy trì thói quen đọc sách thường xuyên vẫn còn thấp. Theo thống kê từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trung bình mỗi người Việt đọc khoảng 4 cuốn sách/năm, trong đó sách giáo khoa chiếm phần lớn. Đáng tiếc, sách giáo khoa lại là công cụ có tính bắt buộc và dành cho học sinh, sinh viên, chủ yếu phục vụ việc học hành, thi cử. Phần lớn các hoạt động đọc này bắt nguồn từ yêu cầu (có tính bị động) hơn là hứng thú chủ động.
Trong một số khảo sát về độ tuổi của người đọc hiện nay ở Việt Nam, có thể thấy, lứa tuổi dưới 23 chiếm tỉ lệ lớn nhất và hầu hết còn ngồi trên ghế nhà trường. Do vậy, việc cần làm là tích cực tạo ra thói quen đọc chủ động, có chiều sâu và bài bản ở lứa tuổi này. Nhà trường - thầy cô cùng với hệ thống thư viện chính là cơ sở cho việc phát triển văn hóa đọc trong trường học. Đã có ý kiến cho rằng, thư viện phải là trái tim của trường học. Điều đó không phải không có lý. Từ gia đình và trường học, bước ra xã hội, rất hiếm khi, trong các không gian công cộng, ta thấy người Việt Nam cầm sách, đọc sách. Câu hỏi về việc bố mẹ, phụ huynh có đọc sách trong gia đình hay không cũng được đặt ra khi xem xét năng lực đọc, hành vi đọc, thói quen đọc của con cái. Như thế, làm sao có thể nói về việc phát triển văn hóa đọc một cách bền vững được?
Sự lép vế của văn hóa đọc là điều có thể giải thích. Sự lên ngôi của các phương tiện nghe nhìn trong môi trường số (mạng xã hội YouTube, TikTok...) đã lấy đi nhiều thị phần của các ấn phẩm in. Giới trẻ thông thạo công nghệ, gần gũi với công nghệ, thậm chí gắn chặt với công nghệ, đã đẩy sách in rời xa tầm tay của họ. Điều này xem ra không riêng gì ở giới trẻ. Ít thời gian dành cho sách lại thêm lối sống nhanh, gấp, ưa những gì ngắn gọn, dễ tiếp cận... đang triệt tiêu khả năng đọc sâu, đọc kỹ, đọc rộng - vốn là nền tảng căn bản của văn hóa đọc. Cũng cần nói thêm ở đây, tình trạng đọc qua loa, đọc hớt váng thông qua những review sách đang giết chết việc đọc thực sự.
Thế nhưng, những nỗ lực kích thích thói quen đọc lại chưa trở thành động lực thực sự, lâu dài. Những nỗ lực có tính chất quy mô quốc gia như Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4), các tuần lễ đọc sách hay các diễn đàn đọc... bên cạnh những ưu điểm, nhiều khi vẫn mang tính phong trào, rộ lên ở một thời điểm nhất định nào đó.
Nhìn sang các thiết chế khác, thư viện vắng vẻ, thưa thớt người đọc bởi nguồn sách chưa thực sự phong phú, cập nhật đầy đủ, hấp dẫn. Thậm chí, việc đến thư viện còn trở nên mất thời gian hơn bởi phải chờ đợi thủ tục đăng ký hay tra cứu. Các không gian đọc như nhà sách, cà phê sách... lại chú trọng nhiều hơn vào tính thương mại, đôi khi làm khó người đọc. Muốn vào đọc sách, người đọc phải mất một khoản tiền nào đó để sử dụng dịch vụ. Thực tế, không phải ai cũng có thể đáp ứng điều đó. Chưa kể, trong nhiều không gian sách mang tính thương mại này, số lượng và chất lượng sách cũng không thực sự thu hút người đọc. Thậm chí, không ít trường hợp, đến đây chỉ để check-in, sau đó lại dán mắt vào chiếc điện thoại. Ở nông thôn và miền núi, thư viện, phòng đọc thực sự khan hiếm. Trẻ em không có gì ngoài sách giáo khoa (nếu đến trường). Số được tiếp cận sách cũng ít ỏi trong các gia đình trí thức. Người dân lao động hầu như không đọc sách. Các nhà trường có thư viện cũng khá nghèo nàn bởi không có hoạt động đầu tư bài bản, hệ thống cùng với nhân sự chuyên trách. Nguồn sách đôi khi lại đến từ việc kêu gọi từ thiện, nên không tránh khỏi tình trạng sách rất “lổn nhổn” về nội dung, hình thức, và cả giá trị. Nếu phải đi mua, đó cũng là câu chuyện khó với nhiều người, nhất là trẻ em, người thu nhập thấp và cư dân nông thôn...
Nhìn về văn hóa đọc ở Việt Nam, bên cạnh những chuyển động tích cực, tạo ra hy vọng về một môi trường kích thích hiệu quả đối với việc đọc sách, chúng ta cũng đối diện nhiều khó khăn, bất cập. Dẫu vậy, không có điều gì tự nhiên đến, tự nhiên thành. Văn hóa phải là một tiến trình tạo dựng, gạn lọc, xây đắp. Chính vì thế, nhìn lại đôi chút về thực trạng bất cập của văn hóa đọc cũng là cách để chúng ta chủ động hơn trong việc xây dựng thói quen - văn hóa đọc bền vững ở Việt Nam. Một khi, văn hóa đọc đã tạo được nền và đỉnh của nó một cách sâu rộng, các sự kiện sẽ không ngả về hướng tuyên truyền, phong trào nữa. Đọc trở thành nếp sống, thành thói quen của cộng đồng. Văn hóa đọc hình thành trên nếp sinh hoạt xã hội như thế.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhin-lai-de-chu-dong-xay-dung-van-hoa-doc-701763.html