Nhìn lại di sản trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden
Trong 4 năm tại nhiệm, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một danh sách dài các thành tựu mà ông có thể tự hào. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông cũng biến động bởi lạm phát tăng cao, vấn đề nhập cư bất hợp pháp, cũng như các cuộc chiến ở Gaza và Ukraine.
Trong bức thư tạm biệt Nhà Trắng được công bố vào sáng 15/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: “Bốn năm trước, chúng ta đã đối diện một mùa đông đầy hiểm nguy và biến số. Chúng ta đã phải chịu đựng đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ, cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ đại suy thoái và cuộc tấn công tồi tệ nhất vào nền dân chủ của chúng ta kể từ nội chiến”.
Song, ông nhấn mạnh: “Chúng ta đã đoàn kết với tư cách là người Mỹ và chúng ta đã dũng cảm vượt qua tất cả điều đó. Chúng ta đã trở nên mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn và an toàn hơn”.
Theo giới phân tích, ông Biden đã rời nhiệm sở với một nền kinh tế tăng trưởng ổn định hậu Covid-19, thị trường việc làm đạt được những thành tựu lịch sử và tạo nền tảng cho tăng trưởng sản xuất trong tương lai,.... Các nhà kinh tế học cũng cho rằng những thành tích này càng ấn tượng khi ông đã tiếp quản nền kinh tế Mỹ ở thời điểm chật vật vì đại dịch. Mặc dù vậy, nhiệm kỳ của ông vẫn phủ bóng bởi tình hình giá cả leo thang, thâm hụt thương mại, cũng như cuộc chiến ở Ukraine hay Dải Gaza.
Dưới đây là những di sản trong nhiệm kỳ đầy thăng trầm của vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
Đưa nước Mỹ thoát khỏi đại dịch Covid-19
Chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải tiếp quản một nước Mỹ đang chìm trong đại dịch Covid-19 trong suốt một năm, với số ca tử vong đã cán mốc 400.000 người; các lệnh phong tỏa bao trùm các doanh nghiệp, trường học và văn phòng chính phủ; cuộc sống thường nhật của người dân bị đảo lộn hoàn toàn.
Tân Tổng thống Biden khi đó đã thiết lập một quy trình để phát triển vaccine Covid-19, đẩy nhanh tiêm chủng trên toàn quốc và thông qua gói cứu trợ hay còn gọi là Kế hoạch Giải cứu Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD. Gói cứu trợ này nhằm hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người dân Mỹ, chính quyền các bang và các địa phương, đồng thời chi hàng tỷ USD cho việc phân phối vaccine.
Đến cuối năm đầu tiên trong nhiệm kỳ, chính quyền ông Biden cho biết đã đưa vaccine tiếp cận 250 triệu người dân trên toàn quốc. Chính quyền ông Biden đã đưa nước Mỹ thoát khỏi “bóng ma” Covid-19; mở cửa và phục hồi nền kinh tế; tỷ lệ thất nghiệp cao được giảm một nửa; hàng triệu việc làm được phục hồi.
Đầu tư cho cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch
Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy chương trình 1.000 tỷ USD để xây dựng lại đường sá, cầu cống, sân bay, hệ thống cấp nước và các cơ sở hạ tầng khác của quốc gia. Gói chi tiêu này đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2021. Đây là khoản đầu tư lớn nhất vào các công trình công cộng kể từ chương trình xây dựng đường cao tốc liên bang của Tổng thống Dwight D. Eisenhower.
Bên cạnh đó, chính quyền của ông Biden đã thông qua luật nhằm hạn chế chi phí thuốc theo toa cho người cao tuổi, mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cựu chiến binh; phục hồi ngành công nghiệp bán dẫn, tăng thuế đối với các tập đoàn…
Ông Biden cũng là tổng thống Mỹ thực hiện nhiều hành động để chống lại biến đổi khí hậu. Vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, ông đã ký sắc lệnh để đưa Mỹ trở lại thỏa thuận khí hậu Paris, đảo ngược động thái rút lui của người tiền nhiệm Donald Trump. Ông đã cam kết đầu tư 370 tỷ USD cho năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu, cắt giảm chi phí xe điện và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải nhà kính.
Vấn đề việc làm và tỷ lệ thất nghiệp
Thị trường việc làm dưới thời Biden được đánh giá rất ấn tượng. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), tính đến tháng 12/2024, kinh tế Mỹ đã tạo thêm việc làm suốt 48 tháng liên tiếp và là chuỗi dài tăng trưởng thứ hai trong lịch sử nước này. Ông Biden cũng là Tổng thống đầu tiên giám sát mức tăng việc làm hàng tháng trong suốt nhiệm kỳ. Kinh tế Mỹ đã tạo thêm 16,6 triệu việc làm kể từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2024.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng hạ xuống mức thấp nhất trong 54 năm, đạt 3,4% vào tháng 1/2023. Vào thời điểm ông Biden mới nhậm chức, con số này là 6,8%. Trong suốt nhiệm kỳ của ông Biden, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ duy trì ở mức dưới 4% trong 27 tháng. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước.
Chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ tại Afghanistan
Tổng thống Joe Biden đã thực hiện thỏa thuận của người tiền nhiệm Donald Trump và lực lượng Taliban về việc rút quân đội khỏi Afghanistan, chấm dứt cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ.
Tuy nhiên, cuộc rút quân hỗn loạn vào tháng 8/2021 của quân đội Mỹ và đồng minh đã khiến quốc tế và người dân Mỹ sửng sốt. Chính quyền Afghanistan sụp đổ trước cả khi những người lính cuối cùng của liên quân rời khỏi thủ đô Kabul. Hơn 120.000 người được đưa ra khỏi Afghanistan trong chiến dịch sơ tán của Mỹ cùng đồng minh.
Nhà Trắng cho rằng hồi kết cuộc chiến tại Afghanistan vốn không thể có kịch bản tốt đẹp, do những sai lầm kéo dài trong cả cuộc chiến, gồm đánh giá sai về mức độ kiên cường của lực lượng Taliban và điểm yếu dai dẳng trong quân Chính phủ Afghanistan.
Cuộc xung đột Nga – Ukraine
Sự kiện quốc tế chấn động nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden là cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Chính quyền ông Biden đã cung cấp hàng trăm tỷ USD viện trợ về vũ khí quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine.
Ông Biden cũng đã thực hiện chuyến thăm thủ đô Kiev, Ukraine vào tháng 2/2023 và trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến vùng chiến sự nằm ngoài tầm kiểm soát của Washington.
Tuy nhiên, cho đến nay, cuộc chiến tại Ukraine đã sắp bước sang năm thứ 3 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ông Biden bị chỉ trích bởi cả hai bên: trong đó, những người ủng hộ Ukraine cho rằng ông quá miễn cưỡng về việc gửi vũ khí tiên tiến nhất cho Kiev vì sợ leo thang căng thẳng hạt nhân với Moscow; trong khi những người khác cho rằng ông đã “tiêu tốn quá nhiều” cho cuộc chiến này.
Mặt khác, ông Biden cũng “làm nồng ấm” mối quan hệ giữa Mỹ và NATO – vốn đã trở nên căng thẳng dưới nhiệm kỳ của ông Donald Trump; thúc đẩy mở rộng khối bằng việc kết nạp 2 thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển – bất chấp các tuyên bố phản đối từ phía Nga.
Lạm phát cao nhất trong 40 năm
Mặc dù nền kinh tế được phục hồi sau cú sốc Covid-19, song lạm phát đã tăng mạnh dưới thời ông Biden, khiến người Mỹ bàng hoàng vì họ chưa từng chứng kiến tình trạng này kể từ đầu những năm 1980. Lạm phát đã đạt đỉnh 9,1% vào mùa hè 2022, mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Giá cả đã tăng khoảng 20% trong suốt nhiệm kỳ của ông Biden.
Nhiều người đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của ông Biden trước tình trạng chi phí xăng dầu, hàng hóa và nhà ở tăng. Trên thực tế, lạm phát cũng xảy ra tại nhiều quốc gia khác, do tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng và tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Đến cuối năm 2024, nhờ vào việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang, lạm phát đã giảm xuống mức tương đối bình thường là 2,9%. Nhưng điều này chỉ có nghĩa tốc độ lạm phát chậm lại, còn giá cả đã tăng cao vẫn giữ nguyên.
Thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza
Kể từ khi cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas nổ ra vào tháng 10/2023, Tổng thống Joe Biden đã cố gắng cân bằng sự ủng hộ không lay chuyển đối với Israel, trong khi cũng thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho người Palestine tại Dải Gaza. Nhà lãnh đạo này cũng đồng thời nỗ lực kiểm soát tình hình an ninh ở Trung Đông trước khả năng khu vực này có thể leo thang thành chiến tranh toàn diện.
Song, ông cũng phải đối mặt với chỉ trích trước tình hình thương vong và khủng hoảng nhân đạo gia tăng tại Dải Gaza, cũng như lời kêu gọi từ các gia đình của những con tin bị bắt giữ ở Gaza.
Trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, chính quyền ông Biden đã cùng Ai Cập và Qatar kiến tạo thành công thỏa thuận ngừng bắn, trao trả con tin giữa Israel và Hamas. Lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực từ ngày 19/1/2025, được kỳ vọng sẽ mở đường cho việc chấm dứt hoàn toàn chiến sự tại Dải Gaza.
Vấn đề nhập cư "nóng lên"
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã muốn đảo ngược các chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm đối với vấn đề nhập cư. Tuy nhiên, tình trạng vượt biên trái phép ở biên giới phía nam nước Mỹ tăng vọt lên mức cao kỷ lục là, gây áp lực cho các tiểu bang và thành phố khi không thể ứng phó với làn sóng người di cư. Ông đã cam kết sẽ thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm con số này.
Chỉ sau khi đảng Dân chủ phàn nàn về tình hình nhập cư, ông Biden mới tập trung hơn vào vấn đề này và đạt được thỏa thuận lưỡng đảng với đảng Cộng hòa tại Thượng viện để áp đặt các biện pháp thắt chặt biện giới, từ đó làm giảm tình trạng vượt biên trái phép.
Vấn đề tuổi tác và quyết định dừng tranh cử
Từ khi nhậm chức vào năm 2021, ông Biden đã là Tổng thống cao tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tháng 4/2023, ông tuyên bố sẽ tái tranh cử. Vào thời điểm đó, ông đã 80 tuổi.
Tháng 6/2024, ông Biden đã quyết định dừng tranh cử sau cuộc tranh luận trực tiếp trên sóng truyền hình với đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump, do những tranh cãi về vấn đề tuổi tác, khả năng diễn thuyết và tranh luận của ông. Phó Tổng thống Kamala Haris đã được chọn để trở thành ứng cử viên đối đầu với ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, song bà vẫn thua trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2024.