Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025: Nâng cao hiệu quả và đóng góp của khu vực FDI

Đó là mục tiêu của Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025 (lần thứ 5 - Vietnam Connect forum 2025) với chủ đề 'Việt Nam - chiến lược FDI trong kỷ nguyên' diễn ra chiều 23/4 tại Hà Nội.

FDI đóng góp quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam

Qua 4 lần tổ chức, Diễn đàn đã trở thành kênh thông tin uy tín, kết nối và hội tụ sự tham gia đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp FDI tiêu biểu tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế trong nước, quốc tế, lãnh đạo các địa phương và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Quang cảnh diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025.

Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025 (diễn đàn) tập trung vào 3 nhóm chủ thể chính: Khu vực doanh nghiệp FDI, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam... Mục tiêu của diễn đàn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đóng góp của khu vực kinh tế FDI, thúc đẩy các địa phương của Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhìn lại chặng đường gần 4 thập kỷ qua, khu vực kinh tế FDI đã đóng góp quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam. Giai đoạn tới, dòng vốn FDI được xem là một trong những động lực quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng cao. Giai đoạn 2026-2030, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút mỗi năm khoảng 40-50 tỷ USD vốn FDI, trong đó vốn FDI giải ngân đạt từ 30-40 tỷ USD mỗi năm.

Trước bối cảnh thương mại toàn cầu nhiều biến động, Việt Nam chủ động tái cấu trúc cách tiếp cận dòng vốn FDI, từ mục tiêu số lượng sang chất lượng, từ thâm dụng lao động sang hàm lượng công nghệ để trở thành trung tâm sản xuất và trung chuyển mới tại khu vực Đông Nam Á.

Cải cách hơn nữa để nâng cao hiệu quả kinh tế FDI

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) cho biết: 40 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, nằm trong 15 nước dẫn đầu về thu hút FDI với gần 400 dự án.

Năm 2024, Việt Nam thu hút 38 tỷ USD vốn FDI. Hết quý I/2025, cả nước thu hút gần 11 tỷ USD, ghi nhận tăng trưởng 34,7%. Đây là tín hiệu tích cực của môi trường đầu tư toàn cầu có nhiều thách thức.

Bộ Tài chính tham gia tham luận với chủ đề "Nâng cao hiệu quả thu hút FDI và hoạt động của khu vực kinh tế FDI trong bối cảnh mới: Giải pháp chiến lược trong thời gian tới".

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cam kết quyết tâm thực hiện cải cách thể chế hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, hiện đại hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn thuận lợi hơn, thu được lợi nhuận nhiều hơn và đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường trình bày tham luận với chủ đề "Thu hút FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường và những định hướng trong giai đoạn mới". Đại diện doanh nghiệp tham luận với chủ đề "FDI chiến lược cho kỷ nguyên mới của Việt Nam: Từ nơi đón vốn đầu tư đến hệ sinh thái chiến lược".

Phiên thảo luận của diễn đàn tập trung vào "Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới: Gắn kết khu vực kinh tế FDI và kinh tế trong nước, tạo bứt phá tăng trưởng cao và phát triển bền vững" với sự tham gia và chia sẻ của đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp FDI.

Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025 tập trung thảo luận các vấn đề chính: Cục diện thế giới mới, những thay đổi về chuỗi cung ứng và xu hướng chuyển dịch dòng vốn FDI: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam;

Chủ trương, định hướng và chính sách của Việt Nam về chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới: vai trò của khu vực FDI trong mối tương quan và liên kết chặt chẽ, hiệu quả với các khu vực kinh tế trong nước; gia tăng sự hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cũng như giải pháp tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng FDI...

Kim Oanh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/nhip-cau-phat-trien-viet-nam-2025-nang-cao-hieu-qua-va-dong-gop-cua-khu-vuc-fdi-192250423173131407.htm