Nhịp đập năng lượng ngày 8/9/2023
EVN xây dựng 2 kịch bản cung ứng điện năm 2024; Nga đặt niềm tin rất lớn vào thị trường năng lượng ASEAN; Indonesia nâng dự kiến doanh thu từ dầu mỏ năm 2024… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 8/9/2023.
EVN xây dựng 2 kịch bản cung ứng điện năm 2024
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu điện năm 2024 tăng trưởng 8,96% so với năm 2023. Vì thế, để đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong năm 2024, EVN đã xây dựng 2 kịch bản gồm: Lưu lượng nước về các hồ thủy điện ở mức bình thường tương ứng tần suất 65% và ở mức cực đoan như đã xảy ra trong năm 2023 tương ứng tần suất 90%.
Trong kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện bình thường, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện. Tuy nhiên do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm trong ngày của các tháng nắng nóng.
Trường hợp lưu lượng nước về cực đoan như mùa khô năm 2023, việc đảm bảo cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420 đến khoảng 1.770MW) trong một số giờ cao điểm của tháng 6 và 7. Khi đó cần thực hiện dịch chuyển biểu đồ sử dụng điện hàng ngày của một số khách hàng sử dụng nhiều điện năng sang thời điểm ngoài cao điểm.
Goldman Sachs dự báo giá dầu có thể tăng lên 107 USD/thùng
Trước việc gia hạn cắt giảm sản lượng dầu mới đây của Ả Rập Xê-út và Nga, Goldman Sachs cho rằng, nếu hai nước trên không dỡ bỏ việc cắt giảm nguồn cung mạnh mẽ, giá dầu có thể tăng cao vào năm tớ, dầu Brent sẽ ở mức 86 USD vào tháng 12 và 93 USD vào cuối năm 2024.
Hiện tại, Goldman Sachs nhận thấy “hai rủi ro tăng giá” đối với thị trường dầu thế giới. Thứ nhất, nguồn cung dầu của Ả Rập Xê-út sẽ giảm 500.000 thùng/ngày so với dự đoán trước đây. "Chỉ riêng điều đó thôi cũng sẽ khiến giá dầu mỗi thùng tăng thêm 2 USD", ngân hàng nhấn mạnh. Thứ hai, ngân hàng đã dự kiến rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng dầu đến cuối năm 2024. Khi đó, giá dầu Brent có thể sẽ tăng lên 107 USD/thùng vào tháng 12/2024.
Goldman Sachs cho hay: "Chiến lược của OPEC+ có thể phản tác dụng". Mặc dù giá dầu cao hơn sẽ giúp Saudi Arabia cân bằng ngân sách và Nga tăng doanh thu. Nhưng nếu giá dầu ở mức ba chữ số, các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ sẽ tăng nguồn cung để giảm giá. Ngoài ra, giá "vàng đen" cao hơn có thể thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào năng lượng sạch.
Nga đặt niềm tin rất lớn vào thị trường năng lượng ASEAN
Theo tiết lộ của ông Ivan Polyakov - Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Nga - ASEAN, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN, tổ chức ở thủ đô Jakarta của Indonesia, các công ty năng lượng của Nga có thể sẽ tiếp cận thị trường năng lượng của các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nơi thu hút đến 170 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài cho mỗi năm.
Theo ông, thông qua xây dựng một nền tảng chung, giới doanh nghiệp năng lượng Nga sẽ tìm được cầu nối đến thị trường năng lượng Đông Nam Á. Ông nói: “Nền tảng an ninh năng lượng chung của Nga và các nước ASEAN sẽ giúp các công ty Nga tiếp cận thêm một thị trường lấy kinh tế làm trọng tâm, một khu vực có mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên đến 170 tỷ USD/năm”.
Thống kê về xuất nhập khẩu và đầu tư vào các dự án khu vực cho thấy, doanh thu của thị trường năng lượng ASEAN ước tính đạt 300-400 tỷ USD/năm. Do đó, theo ông Ivan Polyakov: “Một khoản đầu tư trị giá 170 tỷ USD là một mục tiêu khả thi nếu có lối tiếp cận đúng đắn”.
Indonesia nâng dự kiến doanh thu từ dầu mỏ năm 2024
Ủy ban ngân sách của Quốc hội Indonesia và chính phủ ngày 7/9 đã nhất trí về các giả định chính cho ngân sách năm 2024 của Tổng thống Joko Widodo bao gồm mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,2% cho năm 2024 so với 5,1% cho năm nay và dự kiến tăng chi tiêu trong năm tới lên 3.325,1 nghìn tỷ rupiah (216,83 tỷ USD).
Tuy nhiên, họ đã nâng dự báo giá trung bình đối với dầu thô Indonesia lên 82 USD/thùng từ mức 80 USD/thùng trong đề xuất ban đầu, Chủ tịch Ủy ban Said Abdullah cho biết. Mục tiêu sản xuất dầu cũng được nâng lên 635.000 thùng/ngày (bpd) từ mức 625.000 thùng/ngày.
Những thay đổi dự báo này sẽ cho phép chính phủ tăng doanh thu từ dầu mỏ, giải thích cho các kế hoạch chi tiêu tăng lên. Tổng mục tiêu doanh thu đã được phê duyệt là 2.802,3 nghìn tỷ rupiah.
Equinor và Posco hợp tác xây dựng trang trại gió nổi ngoài khơi lớn nhất thế giới
Tập đoàn năng lượng Equinor của Na Uy đã hợp tác với Posco International của Hàn Quốc để phát triển tổ hợp điện gió nổi ngoài khơi lớn nhất thế giới. Trang trại gió nổi Firefly sẽ có tổng công suất 750 MW khi lắp đặt 50 tổ máy turbine gió nổi 15 MW ngoài khơi Ulsan.
Ngoài dự án Firefly, hai công ty còn thống nhất phát triển các dự án hydro và amoniac, thiết lập mạng lưới cung cấp thép cho điện gió ngoài khơi và phát triển toàn bộ chuỗi giá trị LNG cho các giải pháp năng lượng bền vững.
Mới đây, Posco đã tuyên bố mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050 cũng như mong muốn giảm 37% lượng khí thải carbon vào năm 2030 so với năm 2021. Chiến lược khử carbon của công ty bao gồm cả việc mở rộng hoạt động kinh doanh năng lượng gió lên 2 GW vào năm 2030, bằng cách tham gia phát triển chung các dự án điện gió ngoài khơi ở Thái Bình Dương.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-892023-693775.html