NHNN đã bán khoảng 500 -700 triệu USD để 'hạ nhiệt' tỷ giá
Theo dữ liệu của WiGroup, NHNN đã bán khoảng 500-700 triệu USD để 'hạ nhiệt' tỷ giá thời gian qua.
WiGroup - đơn vị cung cấp dữ liệu tài chính, kinh tế, vĩ mô, báo cáo, nghiên cứu thị trường và giải pháp công nghệ tài chính tại Việt Nam vừa công bố báo cáo Vĩ mô tiền tệ số tháng 5, trong đó có một số nhận định về thị trường tiền tệ thời gian qua.
Theo WiGroup, trong tháng 4 vừa qua, biến động thanh khoản ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng đã khiến NHNN phải sử dụng linh hoạt 2 công cụ trên thị trường OMO. Hoạt động mua kỳ hạn 7 ngày nhằm đáp ứng thanh khoản ngắn hạn, và mang định hướng điều hành chính sách tiền tệ.
Đồng thời tín phiếu kỳ hạn 28 ngày được phối hợp sử dụng với khối lượng gọi thầu trước đó dần đáo hạn.
"Tính đến ngày 3/5, NHNN đang duy trì trạng thái bơm ròng gần 62.000 tỷ đồng nhằm đưa lãi suất liên ngân hàng về vùng mục tiêu mong muốn", báo cáo của WiGroup nêu.
WiGroup cũng cho biết, tính đến ngày 3/5, tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường tự do và thị trường ngân hàng đã có tín hiệu hạ nhiệt sau động thái bán USD giao ngay của NHNN.
"Theo thông tin từ các kênh của WiGroup, NHNN đã bán khoảng 500-700 triệu USD (trên tổng số gần 90 tỷ USD dự trữ tính đến năm 2023)", WiGroup thông tin.
Liên quan đến đà tăng của tỷ giá thời gian qua, chuyên gia của WiGroup lý giải, việc tỷ giá tăng mạnh chỉ là vấn đề lo ngại tạm thời và dự kiến tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong quý II. Do Fed chưa xác định thời điểm cắt lãi suất lần đầu tiên trong năm 2024, nhưng đã giảm nhịp độ thắt chặt định lượng (QT).
"Việc giảm nhịp độ QT có thể được xem là một động thái nới lỏng nhẹ chính sách tiền tệ", báo cáo của WiGroup nêu.
Xung quanh diễn biến nóng của tỷ giá USD/VND, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ, tại Việt Nam, giá vàng chịu tác động bởi nhiều yếu tố như tỷ giá, lạm phát, kinh tế vĩ mô và cán cân cung - cầu. Dù biến động mạnh thời gian qua song giá vàng vẫn đang theo xu hướng đi lên.
Hiện, giá vàng SJC đã lập đỉnh mới 86 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới khoảng 15 triệu đồng/lượng.
“Giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, việc này vô tình “khuyến khích” hoạt động buôn lậu vàng. Giới buôn lậu dùng một lượng ngoại tệ lớn để mua vàng ở nước ngoài và tuồn vào Việt Nam, làm tăng nhu cầu ngoại hối trên thị trường tự do và đẩy tỷ giá tăng. Đó là điều bất lợi cho nền kinh tế nói chung, thị trường ngoại hối và thị trường vàng nói riêng”, TS. Hiếu phân tích.
Thực tế, sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, dù chỉ số USD-Index - đo lường sức mạnh đồng USD - có phần hạ nhiệt sau khi Fed phát đi tín hiệu không tăng lãi suất thêm nữa, nhưng tỷ giá USD/VND trong nước giao dịch trên thị trường tự do vẫn tăng.
Tỷ giá USD/VND hiện là vấn đề đang được quan tâm khi vượt ngưỡng 25.000 đồng/USD và dự báo còn có thể sẽ tăng tiếp.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng nhấn mạnh, chênh lệch giữa lãi suất qua đêm của Fed Funds và lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tại Việt Nam vẫn còn rất cao cũng là một lực đẩy giá trị USD tăng so với VND. Có thể nói, giá vàng và lãi suất đang cộng hưởng đẩy tỷ giá lên ngày càng cao.
Còn theo chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương, diễn biến tỷ giá hiện nay có thể làm gia tăng áp lực lên lạm phát cũng như tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp vay, trả bằng USD và xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài.
"Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể phải ưu tiên ổn định tỷ giá, ít nhất là trong những tháng tới bằng cách thực thi các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực tới cộng đồng doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế", ông Phương nói.
“Đầu năm, chúng ta dự báo tỷ giá tăng khoảng 3% trong năm nay, nhưng với tình hình hiện tại tôi dự đoán tỷ giá sẽ tăng khá mạnh bởi nhu cầu đồng USD của nội tại của nền kinh tế VN, sức mạnh đồng USD, sức mạnh nền kinh tế VN còn nhiều khó khăn cũng đang đẩy tỷ giá lên. Bên cạnh đó, vấn đề lạm phát rồi giá vàng, cộng hưởng lại càng làm tỷ giá tăng lên”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.