NHNN: Dư nợ tín dụng bất động sản của hệ thống khoảng 3,48 triệu tỷ đồng
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, dư nợ tín dụng bất động sản của hệ thống hiện nay đạt 3,48 triệu tỷ đồng nhưng rất nhiều dự án đang gặp khó khăn. Nếu tháo gỡ sẽ giúp cho dòng tiền quay trở lại ngân hàng, giúp lưu thông dòng tiền hiệu quả hơn trong hoạt động tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: VGP
Sáng 21/2, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, ngành ngân hàng quyết tâm cao để góp phần đạt được tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên để tạo đà cho phát triển kinh tế cao trong những năm sau. Song song với nhiệm vụ tăng trưởng còn phải đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Phân tích bối cảnh trong và ngoài nước, Ngân hàng Nhà nước đưa ra một số giải pháp.
Thứ nhất, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, chủ động đưa ra giải pháp, công cụ với thời điểm, liều lượng hợp lý để có thể góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Thứ hai, năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16% và cũng thông báo ngay từ đầu năm cho các tổ chức tín dụng để chủ động.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ căn cứ vào mục tiêu lạm phát khoảng từ 4,5-5%, để đánh giá, theo dõi diễn biến thực tế và trường hợp kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn, hoặc cao hơn để có thể có những điều chỉnh đối với tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các gói tín dụng như là gói tín dụng thủy sản 100 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ nhà ở là 120 nghìn tỷ đồng.
Đối với nội dung lãi suất và tỷ giá, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và thách thức khi những biến số này sẽ tác động đến câu chuyện thị trường trong nước và dòng vốn vào - ra của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến, thậm chí là diễn biến hàng ngày để có sự chủ động trong điều tiết.
Liên quan đến kiến nghị, ở góc độ vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng để đạt được tăng trưởng cao thì cần phải khai thác tối đa các yếu tố đầu vào, đó là yếu tố về vốn, cả trong nước và nước ngoài, vì bản chất nền kinh tế của Việt Nam hiện nay tiết kiệm chưa đủ bù đắp nhu cầu đầu tư.
"Ngành ngân hàng rất phấn khởi khi cải cách đang dần tháo gỡ khó khăn, giảm tầng nấc trung gian, rút ngắn thời gian phê duyệt, triển khai dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và dòng vốn sẽ quay về ngành ngân hàng nhiều hơn, tạo điều kiện tiếp tục cung cáp tín dụng cho doanh nghiệp và người dân, giúp việc giảm lãi suất cho vay thuận lợi hơn," Thống đốc chia sẻ
Mặt khác, để tín dụng có thể tăng trưởng như chỉ tiêu đề ra thì tất cả các giải pháp như hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn cần phải thúc đẩy hiệu quả hơn.
Theo Thống đốc, dư nợ tín dụng bất động sản của hệ thống hiện nay 3,48 triệu tỷ đồng nhưng rất nhiều dự án đang gặp khó khăn. Nếu tháo gỡ sẽ giúp cho dòng tiền quay trở lại ngân hàng, sẽ lưu thông dòng tiền, hiệu quả hơn trong hoạt động tín dụng.
Đối với tín dụng nhà ở, Ngân hàng Nhà nước cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương đánh giá nhu cầu sở hữu nhà ở, thuê hoặc thuê mua để có các giải pháp phù hợp.
"Chúng tôi cũng sẽ tập trung cấp tín dụng đối với người dân có thu nhập thấp có nhu cầu mua, sở hữu nhà ở và đáp ứng đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng," Thống đốc nói.