Nhớ ao rau cần
Sáng chủ nhật, lão Dần về quê ăn cỗ đám cưới thằng cháu. Mâm cỗ sáu người, nhìn tờ thực đơn trên mâm.
- Gà luộc
- Giò lụa
- Chả quế
- Tôm chao
- Mực xào cần tây
- Thịt trâu xào rau cần
- Canh nấm mọc
- Miến nấu
- Xôi vò
- Củ quả luộc
- Bia Hà Nội, rượu trắng
- Cơm trắng
- Quýt tráng miệng
Thức ăn bày kín mặt bàn, mọi người nâng cốc chúc phúc cho đôi trẻ. Thịt gà không ai ăn, giò chả không đụng đũa, tôm mực vẫn còn nguyên.
Chỉ có mỗi đĩa thịt trâu xào rau cần, là được mọi người quan tâm đụng đũa nhiều nhất. Rau cần đầu mùa xào thịt trâu vừa ngon, vừa lạ miệng mà lị.
Mấy bà sồn sồn ngồi mâm bên cạnh, thấy mấy ông khách chỉ chén rau cần, ướm hỏi “Mấy bác thịt không ăn, lại chỉ thích ăn rau cần nhỉ?”.
Lão Dần hiểu ý, đưa luôn đĩa thịt gà, đĩa giò chả, đĩa tôm sang “Các bác tý nữa đem những thứ này về cho các cháu ở nhà”.
Một bà đứng dậy xuống bếp, lúc sau quay lại trên tay bưng đĩa thịt trâu xào rau cần “Mời các bác! Tưởng các bác thích sơn hào hải vị, chứ rau cần xào thịt trâu thì làng em không thiếu”.
Rau cần là loại rau mùa đông, cấy dưới nước ưa thời tiết lạnh. Trời càng lạnh, thì rau cần càng phát triển tốt, rau ngon ngọt hơn.
Rau cần ngon đúng kiểu, thì phải được cấy dưới ao. Đầu tháng chín âm lịch tát ao, chang bùn cho phẳng mặt, khơi rãnh thoát nước, để vài ngày cho mặt bùn se đặc lại một chút. Đi chợ huyện mua giống rau cần về cấy xuống mặt bùn, khoảng cách vừa phải để sau khi rau bén rễ, đẻ nhánh sinh trưởng.
Lúc rau mới cấy, đẻ nhánh thì phải thường xuyên tát cạn nước ao, rắc tro bếp cho cây rau cứng cáp. Bùn ao giầu chất dinh dưỡng, nên không cần phải bón phân. Rau cần ít sâu bệnh, nên cũng không cần phun thuốc trừ sâu bệnh.
Rau cần phát triển rất nhanh, chỉ gần hai tháng thì thu hoạch được. Khi rau phát triển thân cây cao dần lên, thì phải để nước ngập ngang cây, có nước thì thân rau sẽ trắng và mềm khi nấu. Cây rau sẽ thẳng đẹp và không bị đổ ngã, cong queo.
Những chồi non mọc từ gốc cần, gọi là (ngó cần). Ngó cần trắng lắm! Những thiếu nữ có đôi chân trắng, được người xưa ví “Trắng như ngó cần”.
Ao rau cần còn là nơi trú ngụ, sinh sản của một số loài lưỡng cư như ếch, nhái, chão chuộc…
Thế mới có câu “Vợ chồng con chão chuộc cãi nhau, làm nát ao rau cần của ông”. Đêm Xuân trời mưa phùn, lũ chão chuộc trong các ao rau kêu vang cả xóm làng “Chuộc! Chuộc…chẳng chuộc”.
Rau cần làm rau ăn rất tốt cho sức khỏe. Nấu rau cần thì phải nhẹ lửa “Cần tái, cải nhừ”. Rau cần chế biến được rất nhiều món ngon như xào thịt, nhúng lẩu, nấu canh, ăn sống, muối dưa chua…
Có mấy món ngon, được nhiều người ưa chuộng là: Rau cần xào thịt trâu, thịt bò; rau cần nấu bún với cá rô đồng; rau cần nấu ám cá chuối (cá quả) với su hào; rau cần già muối dưa với bắp cải hoặc rau má, ăn với thịt kho đông thì tuyệt vời luôn.
Rau cần bây giờ còn lên máy bay sang cả Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Mấy ông Tây, bà Đầm quen ăn các món sa lát, súp bắp cải…được người Việt ta mời xơi món rau cần xào thịt bò, ăn thấy ngon quá! Mê luôn.
Rau cần, rau của làng quê! Gắn với câu ca dao:
“Có con mà gả chồng gần
Có bát canh cần, nó cũng mang cho”.
Xa quê, nhớ quê! Nhớ ao rau cần.
Chuyện làng quê
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nho-ao-rau-can-a15735.html