Nhớ buổi đầu lập đoàn ca nhạc của tỉnh

Sau khi Phú Yên tái lập tỉnh, đoàn ca nhạc được thành lập, có sứ mệnh quảng bá quê hương với bạn bè các nơi.

Nhạc sĩ Duy Tài - một thành viên trong ban nhạc của Đoàn Ca nhạc nhẹ Phú Yên ngày đó. Ảnh: CTV

Nhạc sĩ Duy Tài - một thành viên trong ban nhạc của Đoàn Ca nhạc nhẹ Phú Yên ngày đó. Ảnh: CTV

Vào một ngày tháng 8/1989, sau khi họp ở tỉnh về, Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân Phú Yên Nguyễn Hùng Thi gặp anh chị em ở các phòng ban trong cơ quan, thông báo: Tỉnh giao đài ta lập đoàn hát, kịp tham gia Liên hoan ca múa nhạc nhẹ toàn quốc lần thứ I vào tháng 12 này. Mọi người như không tin vào tai mình, hỏi lại. Giám đốc Hùng Thi sôi nổi nói về thông báo của Bộ VH-TT triển khai trong cả nước nội dung vừa nêu và quyết định của UBND tỉnh.

Từ bàn tay trắng

Khi Phú Yên tái lập tỉnh (ngày 1/7/1989), một số sở, ban ngành tách chia chưa hoàn thành kịp, phải một thời gian sau mới đi vào hoạt động với đầy đủ chức năng, trong đó có Sở VH-TT. Nhưng trước thông báo gấp gáp của bộ, lãnh đạo tỉnh quyết tâm địa phương mình phải có đoàn ca nhạc tham dự liên hoan ngay lần đầu tiên này. Phú Yên vừa tái lập tỉnh, trong Nam ngoài Bắc nhiều nơi chưa biết Phú Yên ở đâu trên bản đồ đất nước.

Vì vậy, tỉnh muốn tranh thủ dịp này đưa tên Phú Yên lên sân khấu liên hoan ca múa nhạc nhẹ toàn quốc cho bạn bè các nơi sớm biết tới. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Thuật giao Đài Tiếng nói nhân dân Phú Yên tạm thay thế Sở VH-TT khẩn trương lập đoàn hát, chủ động từ con người cho đến việc vạch kế hoạch thực hiện.

Giám đốc Hùng Thi kiêm luôn trưởng đoàn ca nhạc. Anh điều động tôi rời Ban Thời sự - Văn nghệ của đài sang chuyên trách ở đoàn ca nhạc từ hôm ấy. Thật tréo ngoe! Một người chỉ biết dạy học rồi chuyển qua làm báo làm đài, giờ phải làm “ông bầu” đoàn hát bất đắc dĩ. Lòng tôi ngổn ngang bao nỗi lo âu. Nhưng rồi nghĩ đến việc tỉnh nhà vừa được tái lập, tự hào dựng xây quê mình ngay buổi đầu, lòng tôi trở nên phấn chấn. Hôm nhóm họp thành phần nòng cốt, anh Hùng Thi nói rằng ta lập đoàn ca nhạc từ bàn tay trắng. “Bàn tay trắng” ở đây hoàn toàn theo nghĩa đen. Bởi lúc ấy chưa có kinh phí, chưa có con người được đào tạo về chuyên môn dẫn dắt, chưa có diễn viên, nhạc công, nhạc cụ, nhân viên phục vụ hậu đài; rồi nơi ăn chốn ở, địa điểm tập luyện… Ôi đủ thứ phải lo!

Vốn là sĩ quan từ chiến trường trở về, với quyết tâm dấn thân như một nhà tư tưởng đã nói, cứ đi rồi con đường sẽ hiện ra dưới chân bạn, anh Hùng Thi chủ trương đoàn ca nhạc này sẽ gồm “quân chủ lực” kết hợp với “dân quân địa phương” cùng nhau “tác chiến” mới kịp. Một mặt anh lên đường ra Thủ đô, đến gặp Ban nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu “tầm sư” và tìm mời ca sĩ ở Trường Nghệ thuật Quân đội vào.

Mặt khác, anh yêu cầu đài phát sóng thường xuyên thông báo tuyển diễn viên, nhạc công, kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng, hậu đài. Không lâu sau, hàng chục ứng viên từ TX Tuy Hòa và các huyện: Tuy Hòa, Tuy An, Sông Cầu, Đồng Xuân, Sơn Hòa… đến nơi đài đóng quân ở khu nhà số 17 Phan Đình Phùng (TX Tuy Hòa), xin đầu quân vào đoàn ca nhạc nhẹ của tỉnh.

Poster của Đoàn Ca nhạc nhẹ Phú Yên tham gia Liên hoan ca múa nhạc nhẹ toàn quốc lần thứ I. Ảnh: NGUYỄN TƯỜNG VĂN

Poster của Đoàn Ca nhạc nhẹ Phú Yên tham gia Liên hoan ca múa nhạc nhẹ toàn quốc lần thứ I. Ảnh: NGUYỄN TƯỜNG VĂN

Ráo riết tập luyện

Sau khi lo “chiêu binh mãi mã”, từ tháng 9/1989, đoàn luyện tập ngày đêm. Năm ấy Phú Yên vào mùa mưa sớm. Công việc ở đoàn ca nhạc dồn dập; chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa thì đến Liên hoan ca múa nhạc nhẹ toàn quốc lần thứ I. Thời gian này, anh em sống trong khu tập thể tại đài, như anh Kỳ Linh, Trương Đức, Lê Thức, Xuân Luật, vợ chồng Danh - Oanh, anh Chương tài xế… phải làm bao việc có tên và không tên, thường xuyên nhất là giữ gìn trật tự giúp đoàn ráo riết luyện tập. Các phóng viên, biên tập viên, nhân viên cơ quan được khuyến khích tham gia hỗ trợ đoàn, chủ yếu là tốp múa minh họa. Phóng viên Thanh Tùng tham gia rất hăng hái, tích cực nhưng bị các cô ca sĩ cùng tập trêu chọc: “Anh Tùng nhảy cà thụt giống như đang bơm xe đạp”.

Đối với ứng viên đến từ các địa phương, vũ sư - biên đạo Xuân Định, nhạc sĩ Huy Thư, ca sĩ Bang Phác (được đài mời về) hướng dẫn tập luyện cấp tốc rồi tuyển chọn. Có em bị loại từ vòng tuyển chọn đầu tiên, có cô đến vòng 3 vẫn bị loại. Con đường nghệ thuật thật chông gai! Có người được chọn thì không thể vượt qua rào cản từ gia đình. Đó là anh Kpắ Vương ở xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa). Khi phát hiện anh có giọng hát không kém gì ca sĩ Y Moan của núi rừng Tây Nguyên, đài cử phóng viên Việt Hùng mượn xe u-oát 2 cầu của Ban Dân tộc miền núi tỉnh, lặn lội lên thuyết phục và đón Kpắ Vương xuống núi.

Ngay trong lần đầu nghe Kpắ Vương cất giọng, Ban tuyển trạch đoàn ca nhạc mừng như bắt được vàng. Thế mà chỉ 1 tuần sau, vợ anh xuống tận nơi “bắt” về, bảo nếu không về thì anh phải trả lại ngay những trâu bò, heo gà, chiêng, chóe… - các sính lễ nhà chị đã nộp cưới anh. Vậy là đoàn ca nhạc đành ngậm ngùi nhìn anh theo chị về núi! May mà còn đó Hoàng Kỳ, Nhật Tân, Tiến Dũng lấp chỗ trống giọng ca nam.

Vượt qua bao gian nan, sau Đoàn Ca nhạc nhẹ Phú Yên cũng có đủ các môn ca, múa, nhạc, kịch với dàn diễn viên nam nữ trẻ trung, khát khao cống hiến, như: Tuyết Tuyết, Lan Hương, Thanh Tâm, Bích Thủy, Thu Hương (Sơn Hòa), Phi Yến, Hoàng Kỳ, Nhật Tân, Tiến Dũng cùng cặp nữ tăng cường múa minh họa…

Ban nhạc thì có Duy Tài, Tuấn Lê, Đinh Thuyên, Thanh Sơn, Phi Cảng; hậu đài có Phan Cao, Ma Trận. Anh em phân công phụ trách âm thanh, ánh sáng, hóa trang, thiết kế mỹ thuật sân khấu phù hợp chủ đề ca nhạc của đoàn đề ra… Tất cả dồn sức, tăng tốc luyện tập.

Tại liên hoan ca múa nhạc nhẹ toàn quốc năm đó, Đoàn Ca nhạc nhẹ Phú Yên nhận bằng khen của Bộ VH-TT; ca sĩ Tuyết Tuyết đoạt huy chương vàng. Đây là trái ngọt sau bao nỗ lực.

Sau hơn nửa năm thành lập, Đoàn Ca nhạc nhẹ Phú Yên được bàn giao cho Sở VH-TT với tên gọi mới là Đoàn Ca múa nhạc Sao Biển (nay là Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển).

NGUYỄN TƯỜNG VĂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/318776/nho-buoi-dau-lap-doan-ca-nhac-cua-tinh.html