Nhờ có bàng, những con phố Hà Nội thật đẹp đẽ, thật thơ và thật Hà Nội
Không phải ngẫu nhiên, bàng được người Pháp chọn và quy hoạch là cây được trồng trên hè phố của Hà Nội, cùng xà cừ và sấu. Nhờ có bàng mà những con phố của Hà Nội trở nên đẹp đẽ, thật thơ và thật Hà Nội.
“Mùa đông áo đỏ, mùa hạ áo xanh
Cây bàng khi mở hội là chim đến vây quanh”
Từ khi bé tý, bọn trẻ con chúng tôi đã thuộc lòng bài Cây bàng trước ngõ của cụ Hàn Ngọc Bích. Tên cây bàng nghe có thể bình dân, dung dị, nhưng bàng mới là người bạn thân của phố cổ Hà Nội.
Vóc dáng của bàng lực lưỡng, như một người đàn ông trụ cột che chở cho những mái ngói thâm nâu suốt tứ thời, bát tiết. Dưới những gốc bàng, một cuộc sống đậm chất thị dân của Hà Nội nảy sinh.
Không phải ngẫu nhiên, bàng được người Pháp chọn và quy hoạch là cây được trồng trên hè phố của Hà Nội, cùng xà cừ và sấu. Đặc điểm chung của thực vật đô thị là cây có sức sống mạnh mẽ, dẻo dai, chống chọi được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, có lá xanh quanh năm, tán lá rộng để cản bớt cái nắng ngột ngạt của mùa hè.
Khác với xà cừ là giống cây được nhập khẩu từ châu Phi, bàng có nguồn gốc bản địa. Trước thời điểm người Pháp trồng bàng trên vỉa hè Hà Nội khá lâu, những rừng bàng đã xuất hiện ở Thăng Long, từ rừng bàng lá đỏ của thời nhà Trần đến rừng bàng Yên Thái ven Hồ Tây, do chúa Trịnh Giang cho trồng để lấy bóng râm nghỉ mát, tạo thành một trong tám cảnh đẹp của chốn kinh kỳ xưa.
Đó là bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, đàn thề Đồng Cổ, Phật say làng Thụy, sâm cầm rợp bóng, đồng bông Nghi Tàm, chợ đêm Khán xuân và tiếng đàn hành cung.
Nhờ có bàng mà những con phố của Hà Nội trở nên đẹp đẽ, thật thơ và thật Hà Nội.
Mà cũng rất lạ, khi xưa nhiều con phố của Hà Nội trồng một loại cây, như Phan Đình Phùng, Trần Phú, Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Trần Hưng Đạo, Bà Triệu trồng sấu. Lò Đúc trồng sao đen; Lý Thường Kiệt nhiều phượng vĩ; Hàng Ngang, hàng Đào trồng dâu da xoan; Cầu Gỗ, Hàng Thùng trồng xà cừ và cơm nguội, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhiều lộc vừng; Nguyễn Du, Hồ Thiền Quang trồng hoa sữa; Bách Thảo, Ngọc Hà, Hoàng Hoa Thám trồng sưa… nhưng không có phố nào trồng toàn bàng.
Không có phố nào trồng toàn bàng, nhưng đa phần phố nào cũng có ít nhất một cây bàng thế mới lạ. Lạ nữa, loài cây này rất nhiều lần đi vào hội họa, âm nhạc, thơ ca về Hà Nội.
Nói một cách khác, cây bàng đã là một phần hồn cốt của Hà Nội. Nhiều bức tranh vẽ phố cổ không thể thiếu hình dáng của cây bàng, của những tán lá bàng.
Những con phố nhỏ liêu xiêu quanh những mái ngói thâm nâu, rêu phong với những cây bàng nghiêng nghiêng bên vỉa hè cũ kỹ, những tán lá bàng khi thì xanh rì mát mắt vào mùa hạ, khi lại đỏ thắm như son vào cuối thu, có lúc lại khẳng khiu trơ trụi cành khi mùa đông đến để rồi qua một đêm bàng bật mầm chi chít những chiếc lá non xanh như ngọc đón xuân sang.
Cây bàng có lẽ là loài cây duy nhất in dấu cả bốn mùa.
Hình dáng của cây bàng kỳ vĩ chính là điểm nhấn của phố phường Hà Nội.
Nhất là vào những ngày cuối thu, đầu đông, khi màn sương thu giăng mắc phố phường, những cành bàng đứng đơn độc, khẳng khiu, đen thẫm khiến phố cổ như một bức tranh thủy mặc thâm trầm, cổ kính.
Phải thế chăng mà Phan Vũ đã viết trong trường ca “Hà Nội phố” nổi tiếng: “Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông”.
Trịnh Công Sơn cũng đã phải đưa bàng vào khúc ca tuyệt tác “Nhớ mùa thu Hà Nội” với ca từ đầy tôn trọng: “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…”.
Như thế, bàng trở thành một ước lệ sáng tác kinh điển của phố phường Hà Nội trong nghệ thuật.
Thật ra, bàng gắn bó quá thân thiết với người Hà Nội.
Ngay từ khi lớn lên, bước ra khỏi cửa nhà là đám thiếu niên đã gặp gỡ cây bàng. Biết bao nhiêu trò chơi hè phố đã diễn ra dưới gốc bàng như chơi bi, ô ăn quan, đuổi bắt, trốn tìm…
Mùa hè, có bao nhiêu trưa trốn ngủ, bọn nhóc chúng tôi đi lang thang dưới những tán lá bàng xanh um, kín mít khiến ánh nắng khó lòng xuyên qua để nghe tiếng chim sâu lích rích.
Bọn chim sâu, chim sẻ rất thích làm tổ trên những cây bàng. Bọn trẻ chúng tôi thường hay ngước nhìn lên tán lá xanh thẳm mong phát hiện ra một quả bàng ương ương hay đã chín vàng.
Quả bàng trâu là loại được ưa thích nhất, vì to như như nắm tay của đứa bé, có hình thoi, hơi vuông, thịt nhiều nên ăn rất đã. Cắn ngập răng vào quả bàng trâu chín vàng hườm là một hạnh phúc mới lớn làm sao.
Trái bàng không ngọt mà lại chua nhẹ, thoáng mùi thơm béo ngậy. Ăn hết lớp thịt dày cui trơ ra cái hạt nham nhở xơ, nhưng mà nào đã hết. Lại hì hụi cầm nửa cục gạch hay dép cao su nặng trịch đập vỡ cái hạt đó để lấy được 2 mảnh nhân trắng ăn rất bùi và ngậy.
Cho dù là bàng trâu hay bàng đào, hễ có trái chín là bọn trẻ như phát cuồng lên. Bọn con giai thì lăm lăm dùng súng cao su khoe tài thiện xạ, hoặc trèo hẳn lên cây. Bọn con gái thì nhát nên thường đứng dưới dùng dép ném lên, hoặc vác sào tre để chọc bàng chín.
Thích nhất là sau cơn mưa đêm, bàng chín rụng lả tả trên vỉa hè. Những đứa dậy sớm nhanh chân ra thu hoạch, đứa nào đứa nấy tốc hết cả vạt áo để đựng.
Kể cũng lạ, trái bàng ngon như thế, Hà Nội trồng nhiều bàng như thế, mà bàng không trở thành một món ăn chính thống như hạt bàng rang hay mứt hạt bàng ở Côn Đảo. Nhưng dù thế nào, miếng bàng chín thơm hay miếng nhân bàng bùi bùi cũng đã trở thành một phần ký ức của trẻ con Hà Nội ngày xưa.
Mùa hè đã thế, sang mùa đông, những gốc bàng cũng là chốn vui tụ hội của lũ trẻ. Cây bàng cổ thụ xù xì, có nhiều u như bát úp quanh gốc hay những hõm sâu. Đấy chính là nơi bọn nhãi nhặt lá bàng rụng đốt lên ngồi sưởi ấm, kệ cho khói bay mù mịt một góc phố.
Những “bếp” gốc bàng ấy không bùng bùng dữ dội như lửa rơm rạ chiều đông trong thơ Đồng Đức Bốn. Bếp lửa đó không “đốt cả buổi chiều thành tro” mà trở thành biểu tượng cố kết những tấm thân bé nhỏ sát cạnh nhau trong gió bấc.
Bếp lửa gốc bàng vì thế mãi mãi khắc sâu trong tâm hồn hè phố của đám trẻ đầu xanh phố cổ.
Cũng vào những ngày gió lạnh đầu mùa, gốc bàng hè phố Hà Nội thường có những đám mây ấm áp, thơm mùi nếp mới.
À, những bà hàng xôi vỉa hè của Hà Nội cũng rất thích ngồi bán dưới gốc bàng. Lật tấm vỉ buồm ra, đủ thứ xôi ngon của mùa lạnh tỏa khói nghi ngút. Mùa đông sen tàn, lá chuối chỉ có ở quê, nên các bà hàng xôi đã gói xôi trong những chiếc bàng mới hái, được rửa sạch đến bóng lừ.
Lá bàng dày và mềm, gói xôi nóng rất hợp. Bà hàng xôi đặt chiếc lá bàng lên mặt thúng, rồi nhanh tay bới xôi đặt vào, nào là xôi đậu đen, đậu xanh, xôi lạc… Xôi gói lá bàng có một phong vị rất riêng, đem đến cảm giác thú vị và sạch sẽ.
Đứa trẻ nào ở Hà Nội ngày xưa mà chẳng háo hức với gói xôi lá bàng ấm bàn tay trên đường đi học. Xôi gói lá bàng xem ra ngon hơn hẳn xôi gói trong giấy nilon hay giấy báo. Song giờ đây, mấy ai còn gói xôi bằng lá bàng, mấy ai còn thèm thuồng những quả bàng?
Khi lá bàng không còn màu xanh nữa mà thấp thoáng lốm đốm vàng đấy là dấu hiệu của mùa thu sắp kết thúc. Bỗng một ngày, tán lá bàng xanh kiên cường từ hạ sang đông bỗng dưng đổi sắc. Chỉ trong một đêm, lá bàng chuyển màu đỏ rực, nổi bật trên nền xám xám của trời mù và màu mái ngói thâm nâu của những căn nhà hàng phố.
Đó là giây phút hồi quang phản chiếu tuyệt vời của một vòng đời. Dường như mọi sức lực của cây bàng dồn hết lên lá, làm chuyển sắc đỏ như ngọn lửa bùng lên huy hoàng lần cuối trước khi rời cây. Cảnh sắc đó thật sự khiến lòng người xao động.
Người Hà Nội ngẩn ngơ ngắm lá bàng đỏ, nâng niu nhặt chiếc lá bàng rụng, lau sạch bụi trần, khiến chiếc lá bàng rực rỡ như một mảnh sơn mài đỏ thắm.
Những chiếc lá bàng đó sẽ nằm trên bàn làm việc như một vật trang trí, hoặc kẹp giữa cuốn sách như một chiếc “bookmark” đẹp đẽ mà cây bàng trao tặng cho con người. Để rồi, chỉ sau vài ngày, đột nhiên cả tán lá rực lửa đó biến mất, chỉ còn trơ lại cành khô, khẳng khiu, cô đơn.
Nhạc sĩ Trần Lập, một đứa trẻ của Hà Nội đã vĩnh viễn rời cõi tạm, cũng đã nhung nhớ cây bàng trong bản rock “Cây bàng” của mình. Với anh, chiếc lá bàng đỏ mùa đông chính là một sự cảnh tỉnh cho con người:
Để sống có ý nghĩa hơn
dù mùa đông buốt giá
lá rơi như giọt máu đỏ
Vẫn tin rằng
rồi xuân sẽ tới mầm sống đâm chồi
đón nắng vàng
Dù vật đổi sao dời như thế nào, những cây bàng vẫn bàng bạc dọc vỉa hè Hà Nội. Những chiếc lá bàng vẫn chấp chới trong không trung, từ lúc bé như bàn tay trẻ thơ đến khi già dặn như một khuôn mặt con người.
Không có những gốc bàng, Hà Nội có còn là Hà Nội?
Vĩnh Quyên