Nhớ lắm bếp quê
Đứng giữa căn bếp rộng rãi đầy đủ tiện nghi mà lòng trống trải, hụt hẫng. Chợt thèm được hơ bàn tay mà sưởi ấm trên ngọn lửa như ngày thơ ấu, thèm cảm giác cả nhà quây quần bên bếp lửa mà dằng dai câu chuyện.
Bếp quê gợi cho mỗi người nhiều hoài niệm, đó là mùi của bồ hóng, của tro trấu, của những bắp ngô nướng, nồi khoai lang đang nghi ngút khói...
Những ai đã một thời gắn bó với bếp quê, chắc hẳn không quên những câu đùa vui của lũ trẻ: “Khói, khói mày qua bên kia - bên kia có cơm với cá - bên này có đá đập đầu” và khi khói cũng như nghe lời mà ngã sang bên này bên kia, chỉ vậy thôi là tiếng cười giòn tan lại rộ lên vui nhộn cả căn bếp. Tôi nhớ những ngày đông, mỗi khi mẹ nổi lửa nấu nướng, mấy anh chị em tôi lại xúm xít quây quanh, mặt ai cũng ửng hồng vì nhiệt của lửa, hơi ấm cứ lan tỏa cảm giác thật dễ chịu.
Căn bếp nhà tôi ngày ấy đầy bồ hóng. Củi khô nhặt trên núi về chất đầy một góc, cái ổ gà nằm nép phía bên. Trên gác bếp quê là nơi hong khô và bảo quản nhiều thứ, từ các nông sản như những quả bí khô, bắp ngô, đậu ve già để dành mùa sau làm giống, cho đến những chiếc thúng, cái mũng, cái nia thậm chí là những đồ ăn lưu trữ lâu ngày như măng khô, thịt sóc khô, trâu khô cũng được hong trên gác bếp… phần vì là nơi có thể tận dụng để cho gọn các đồ trong bếp nhỏ, phần vì những thứ để trên đó sẽ được bồ hóng của khói lửa bám vào mà bảo quản được lâu hơn.
Trong mảng nhớ về tuổi thơ của tôi, căn bếp nghèo ấy với vô vàn kỷ niệm. Nhưng nhớ hơn cả là căn bếp vào những ngày cuối năm cận tết, khi ấy bếp luôn rộn rã. Mẹ đồ xôi, làm nhân bánh, chế biến những món ăn chuẩn bị đón tết. Mùi gạo nếp lan tỏa, mùi bánh răng bừa, bánh lá, bánh đúc, bánh xèo, bánh gai, nồi măng hầm chân giò, mỡ lợn hành phi thơm lừng lan tỏa ra tận đầu ngõ.
Cũng chính căn bếp cũ ấy, bao nhiêu món nghề từ khi về làm dâu được mẹ truyền lại cho chúng tôi. Anh trai cả thì được mẹ hướng dẫn cho cách gói bánh chưng và bày biện mâm ngũ quả, còn chị gái thì được mẹ chỉ cho bí quyết làm các món mứt tết vừa ngon vừa đẹp mắt, tôi bé nhất nên mẹ hẹn năm tới sẽ chỉ bảo sau. Quanh bếp lửa, bố tôi còn dặn dò kỹ lưỡng mấy anh chị em những phép tắc trong ngày tết: được nhận quà lì xì thì phải cảm ơn, phải biết lễ phép và nói lời hay ý đẹp…
Ở quê, ngôi nhà cũ giờ chỉ có bố và mẹ vào ra. Thỉnh thoảng cuối tuần chúng tôi về thăm, bố ra vườn hái thật nhiều lá sả, hương nhu, lá bưởi, gốc mùi già, mẹ nhóm lửa rồi nấu nồi lá thơm cho chúng tôi tắm gội sạch sẽ bụi đường.
Trong cái lạnh của gió rít nơi phố phường những ngày cuối năm cận tết, tôi lại ước ao, nhớ nhung, thèm muốn được ngồi bên bếp lửa trong cái tĩnh lặng êm đềm của quê hương, của tình thương nơi mẹ già trông ngóng!
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-nghe/nho-lam-bep-que/26113.htm