Nhớ nọc trầu của ngoại

'Miếng trầu là đầu câu chuyện'- câu nói này thiệt đúng với ngoại tôi. Hễ ngồi với ai, trước khi bắt đầu câu chuyện là ngoại lấy trầu ra quệt vôi, bẻ thêm miếng cau khô rồi nhai bỏm bẻm, vo thêm cục thuốc rê để xỉa.

Têm trầu. Ảnh minh họa: Đ.H.T

Têm trầu. Ảnh minh họa: Đ.H.T

Không biết ngoại bắt đầu ăn trầu từ bao giờ, chỉ biết rằng, khi nhìn và biết được xung quanh, tôi đã thấy ngoại luôn có giỏ trầu nho nhỏ kề bên. Mà đã ăn trầu thì phải trồng trầu chứ, rồi trồng cau nữa. Còn thuốc rê thì có nhà ông Út- em của ngoại trồng cả đám thuốc lá vàng, tới mùa thu hoạch, ông bán mớ, còn mớ để dành cho nhà dùng.

Nọc trầu của ngoại là mấy cây cau bên nhà, ngoại cho trầu leo lên. Ngoại cẩn thận rào lại để mấy con gà nhà không có đường vô “dạo chơi” trong đó. Mấy dây trầu màu vàng non vươn lên tươi tốt, uốn quanh thân cau thẳng tắp.

Nọc trầu được ngoại trồng ngay tầm nhìn từ cửa sổ nên từ trong nhà nhìn ra, ngoại biết ngay lá nào tới lứa cần phải bẻ vô. Dùng không hết thì ngoại gửi cho hàng xóm. Theo ngoại, với trẻ nhỏ tụi tôi, lá trầu còn có hữu dụng là đứa nào nấc cụt hoài không hết, ngoại kêu ra ngắt cái chóp của lá dán lên giữa trán, rồi thì “phước chủ may thầy”, có đứa hết, đưa không, mà bà ngoại tôi gọi là “mặt ưa”.

Theo lời của bà ngoại, thì lá trầu còn có tác dụng giữ ấm cho trẻ sơ sinh, bằng cách lấy lá trầu hơ trên lửa cho ấm ấm rồi chạm vô người bé để lan truyền hơi ấm mỗi khi sáng sớm sương lạnh. Còn cuống trầu, bẻ ra, tận dụng nhựa của nó vẽ lên chân mày của trẻ sơ sinh để định hình cho chân mày sau này đẹp hơn cho các bé gái.

Tôi cũng có thử nhai trầu, chỉ cần cắn một miếng nhỏ đã nghe mùi cay nồng, không quen phải nhổ ngay ra. Vậy mà ngoại nhai chung với vôi nồng, cau vị chát, vị nhẫn nhẫn của vỏ cây và nhai với vẻ rất ngon, sảng khoái.

Không chỉ trầu mà với ngoại, cau cũng có nhiều công dụng. Trái cau dùng để ăn trầu, muốn ăn tươi thì ăn, không thì cắt ra phơi khô để dành. Vỏ cau tươi đừng bỏ uổng, ngoại kêu chẻ miếng vừa vừa, cắt đôi để chà răng cho trắng. Tàu cau cho mấy đứa nhỏ chơi trò kéo mo cau. Nào đẹp đẹp thì để dành làm quạt. Cọng gân của lá cau thì có thể phơi khô, chuốt lại rồi bó thành chổi.

Trong xóm, bà Ba cũng ăn trầu. Mà khác ngoại, bà Ba cần phải ngoáy trầu cho nhuyễn ra mới ăn được vì răng bà không còn nhiều. Bà Ba có cái cối trầu nhỏ xíu với cái chìa ngoáy trầu bé xinh. Nhà tôi gần kế bên nhà bà, nên tôi thường qua nhà bà ngoáy trầu cho bà.

Đừng thấy cái ống ngoáy nhỏ xíu mà coi thường, nhỏ vậy đó chứ bỏ được cả lá trầu to, cả nửa trái trau vô đó, rồi tôi ra sức ngoáy. Cái chìa ngoáy nhỏ mà bén, cắt trầu cau ra nhỏ nhanh lắm, nhưng muốn trầu cau trộn lẫn, hòa quyện vào nhau tươi thắm, nhuyễn rí thì cần sức ngoáy của đôi bàn tay, làm thoăn thoắt mà không bị rơi chút nào ra ngoài. Làm xong việc, thấy bà ăn trầu vui vẻ, tôi cũng thấy vui lây, mà sướng hơn là có khi được bà cho mấy đồng đi ăn quà vặt.

Thời gian thấm thoát, bà ngoại, bà Ba đã “về” với tổ tiên. Mấy nọc trầu cũng đã không còn nữa. Trẻ nhỏ sau này, không có dịp được nhìn thấy cái giỏ trầu của ngoại, không được thấy hình ảnh ngoại bỏm bẻm nhai trầu cùng nụ cười hiền hậu. Bởi, cả nhà chỉ có ngoại ăn trầu, chứ mẹ và các dì không ai “tiếp nối” được truyền thống đó.

Chiều nay, về nhà ngoại, gió thổi mát rượi!

Ngó khoảng đất trống mà xưa kia là chỗ của nọc trầu, tôi như thấy mấy cái dây trầu vẫn còn đây, đâu đó trên lá vẫn còn vương đọng mấy giọt nước mà ngoại vừa tưới cho trầu. Trầu vẫn tươi tốt như những ký ức tươi đẹp mà ngoại đã dành cho tôi thuở còn thơ…

XV

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nho-noc-trau-cua-ngoai-a142791.html