Nho Quan: Khó khăn giải phóng mặt bằng tuyến đường Đông- Tây được tháo gỡ

Dự án xây dựng tuyến đường Đông- Tây có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và huyện miền núi Nho Quan nói riêng. Từ khi triển khai dự án, trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), mặc dù UBND huyện đã có nhiều nỗ lực nhưng do gặp phải một số vướng mắc về cơ chế, chính sách nên ít nhiều làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhà thầu. Để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người dân khi bị thu hồi đất.

Huyện nhanh chóng hoàn hiện các khu tái định cư để giao đất cho người dân đến nơi ở mới.

Huyện nhanh chóng hoàn hiện các khu tái định cư để giao đất cho người dân đến nơi ở mới.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây với tổng chiều dài 23km đoạn từ Tam Điệp (tại nút giao Đồng Giao, xã Quang Sơn) đến Nho Quan(giao với QL12 tại xã Văn Phong). Trong đó, phạm vi trên địa bàn huyện Nho Quan có chiều dài 16,32km đi qua địa bàn 5 xã: Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Văn Phương, Văn Phong với diện tích đất bị ảnh hưởng là 121,44ha; số hộ vị ảnh hưởng là 812 hộ, trong đó có 131 hộ có nhu cầu tái định cư.

Ngay sau khi được Chủ đầu tư bàn giao mốc giới, huyện Nho Quan đã tiến hành các thủ tục, triển khai các bước thực hiện công tác GPMB theo đúng quy định. Đến nay huyện Nho Quan đã bàn giao được 13,64/16,3 km đất nông nghiệp (đạt khoảng 83,66% diện tích giải phóng mặt bằng). Hiện còn 2,66km chưa bàn giao là đất ở và công trình hạ tầng kỹ thuật.

Cụ thể, đã hoàn thành công tác kiểm đếm, bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với 100% diện tích đất nông nghiệp nằm trong phạm vi GPMB. Đối với diện tích đất ở khu dân cư đến nay đã hoàn thành công tác kiểm đếm đất đai và tài sản trên đất đạt 100% và niêm yết kết quả kiểm đếm. Đồng thời hoàn thành niêm yếu dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ về đất đai và tài sản trên đất. Hiện nay Hội đồng GPMB huyện đang tiếp tục tổ chức giải đáp thắc mắc cho từng hộ dân có ý kiến, để hoàn thiện phương án bồi thường hỗ trợ.

Nhà thầu thi công đang tập trung đẩy nhanh tiến độ Dự án tuyến đường Đông- Tây.

Cùng với đó, huyện Nho Quan xác định để tạo đồng thuận trong GPMB phải quan tâm chú trọng công tác xây dựng khu tái định cư. Do vậy, huyện đã hoàn thành bố trí 4 khu tái định cư và 2 khu tái định cư tại chỗ. Hiện xã Cúc Phương đã triển khai bàn giao thực địa cho các hộ. Đối với các khu tái định cư khác đã cơ bản hoàn thành các thủ tục để triển khai dự án xây dựng hạ tầng.

Tuy nhiên trong quá trình huyện Nho Quan triển khai công tác GPMB còn gặp không ít khó khăn. Đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng GPMB cho biết: Qua rà soát hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn còn có một số vướng mắc liên quan đến chế độ, chính sách về bồi thường, hỗ trợ trong công tác GPMB thực hiện dự án và một số kiến nghị về giá đền bù tài sản, vật kiến trúc trên đất.

Tuy nhiên, những khó khăn trên đã được tháo gỡ khi Dự án được HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 91/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 với tổng mức đầu tư là 1.913,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương (500 tỷ đồng) và ngân sách tỉnh (1413,7 tỷ đồng). Thêm vào đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 46/2023/QĐ-UBND, ngày 19/7/2023 Quy định một số chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình, đại diện chủ đầu tư giải thích: Sau khi rà soát, cập nhật lại các chi phí tổng mức đầu tư của dự án là 1.913,754 tỷ đồng, tăng 427,754 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương là 500 tỷ đồng và ngân sách tỉnh là 1.413,754 tỷ đồng.

Nguyên nhân tăng là do chênh lệch giá bồi thường GPMB (giá thực tế và giá theo đơn giá của tỉnh đã lập trong chủ trương đầu tư được duyệt). Bên cạnh đó, việc áp dụng chính sách hỗ trợ đền bù đối với các loạt đất vườn, ao liền kề không phải là đất ở theo Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND ngày 23/02/2021 của HĐND tỉnh và do một số khối lượng công tác GPMB trong bước lập chủ trương đầu tư chưa tính toán được chi tiết... làm gia tăng tổng mức đầu tư.

Mặc dù dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư lên dự án nhóm A với tổng mức 1.913,754 tỷ, thời gian thực hiện để đảm bảo theo quy định của luật đầu tư công đối với nhóm A nên được kéo dài đến năm 2026. Tuy nhiên dự án phát sinh điều chỉnh chỉ do chi phí GPMB; về quy mô dự án, quy mô GPMB không thay đổi, quá trình thực hiện điều chỉnh dự án lên nhóm A không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công dự án. Vì vậy chủ đầu tư đang phối hợp với các nhà thầu và địa phương song song thực hiện các nhiệm vụ với phương châm có mặt bằng đến đâu thi công đến đó, phấn đấu thông xe kỹ thuật trong năm nay".

Đánh giá về việc nâng tổng mức đầu tư để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi GPMB, đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Việc tăng tổng mức đầu tư của dự án đã đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện công tác GPMB. Kịp thời đáp ứng được chế độ, chính sách ở thời điểm hiện tại, đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất. Cùng với đó, Quy định mới về đơn giá đền bù đất và tài sản vật kiến trúc trên đất đã giúp huyện tháo gỡ được nút thắt trong GPMB Dự án tuyến đường Đông - Tây.

Sau khi có sự điều chỉnh về tổng mức đầu tư và các quy định mới về đơn giá đền bù nhà cửa, vật kiến trúc, huyện Nho Quan đã hoàn thành Phương án bồi thường hỗ trợ để trình Tổ thẩm định Phương án, trình cấp thẩm quyền phê duyệt Phương án và tiến hành niêm yết phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt, gửi các quyết định phê duyệt Phương án đến từng hộ gia đình. Hiện Hội đồng GPMB huyện Nho Quan đang tiến hành thực hiện công tác chi trả cho các hộ gia đình. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu tái định cư để bàn giao cho người dân sớm ổn định chỗ ở với phương châm chỗ ở mới phải tốt hơn chỗ ở cũ.

Để sớm đưa công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ đầu tư hiện đang phối hợp với các đơn vị có liên quan quyết tâm, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB và thi công phấn đấu hết năm 2023 thông xe kỹ thuật dự án. Với mục tiêu này, rất cần có sự đồng lòng, chung tay của cấp ủy chính quyền các địa phương và sự chia sẻ của tầng lớp nhân dân để dự án nhanh chóng hoàn thành góp phần đưa Ninh Bình sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng vào năm 2030.

Nguyễn Thơm - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nho-quan-kho-khan-giai-phong-mat-bang-tuyen-duong-dong-tay/d2023101916276910.htm