Nhớ quê

Đầu tiên là nhớ ăn. Nỗi nhớ mang mùi tanh nồng của biển. Nhà ở chính giữa nội thành, cách biển hơn hai chục cây số nhưng xe qua cửa ô, bắt đầu chạm vào thành phố là thấy mùi biển. Mùi gió. Ôi chao gió lồng lộng vị muối, như thể hít vào đã thấy mặn mòi...

Tôi thường nhớ quê điên cuồng vào những ngày ốm mệt.

Đầu tiên là nhớ ăn. Nỗi nhớ mang mùi tanh nồng của biển. Nhà ở chính giữa nội thành, cách biển hơn hai chục cây số nhưng xe qua cửa ô, bắt đầu chạm vào thành phố là thấy mùi biển. Mùi gió. Ôi chao gió lồng lộng vị muối, như thể hít vào đã thấy mặn mòi.

Quê ở biển, thuở nhỏ cha mẹ đi làm cả ngày, trong muôn vàn nỗi lo cơm áo, còn có nỗi hoảng sợ lo con chết đuối. Còn nhớ năm anh trai tôi 13 tuổi, mẹ tôi đi xem bói, ông thầy phán “như đúng rồi” là đứa con trai duy nhất trong nhà sẽ bị thủy thần bắt đi. Năm ấy, cha mẹ tôi sống trong thấp thỏm, lo sợ. Ông bà căn dặn anh tôi đủ điều. Trong khi, cả ngày phơi nắng, đội mưa ở nhà máy, ông bà không hề hay biết anh tôi ngày ngày vẫn trốn học đi tắm hồ Đào.

Nhà hát Lớn thành phố Hải Phòng. Ảnh: Tư liệu

Nhà hát Lớn thành phố Hải Phòng. Ảnh: Tư liệu

May mắn qua tuổi 13, anh tôi vẫn sống khỏe mạnh và rồi nhiều năm sau đó mới phải rời cõi tạm, không phải vì thủy thần mà vì căn bệnh mà thế giới cả trăm năm nghiên cứu vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị - ung thư.

Mãi sau này, trải đủ những điêu tàn, tôi mới hiểu vì sao mẹ tôi cho đến lúc chết vẫn tin vào thầy bói và trong những đoạn khó khăn nhất của đời bà, bà luôn luôn tìm đến thầy bói. Những lời phán phần nhiều là đoán dựa, không có giá trị gì cho dự đoán tương lai cũng như thay đổi thực tại nhưng nó với bà giống như người tuyệt vọng tìm thấy cái phao cứu sinh cho những khổ đau. Nó giúp bà chấp nhận một cách không - tuyệt - vọng và trong một chừng mực nào đó nó giúp bà hạnh phúc mà đi qua những khốn khổ của đời người.

Dãy quán hoa gần Nhà hát Lớn. Ảnh: Tư liệu

Dãy quán hoa gần Nhà hát Lớn. Ảnh: Tư liệu

Tôi tỉnh táo hơn bà. Tôi luôn luôn lý trí để hiểu và định đoạt cuộc đời mình dựa trên những thang giá trị, những tháp nhu cầu và ti tỉ những thứ tôi đã được học, được đọc từ Đông sang Tây. Và cũng bởi vậy, suy cho cùng, chưa chắc tôi đã bình thản mà buồn được như bà. Cũng có nghĩa là, tôi khó khăn hơn bà bội phần để vượt qua những mất mát, đổ vỡ, muộn phiền của đời mình.

Hải Phòng, có những khi ốm, tôi điên cuồng muốn trở về, chỉ để ăn. Tôi từng vượt qua cơn ho dai dẳng, đạp xe dưới trời nắng để ra chợ tha về mấy con cá biển. Rửa, ướp, đập hành, giã gừng trong cơn mệt rũ rượi để tự mình thắp lửa kho một nồi cá biển rưới đẫm mỡ và rất nhiều mì chính. Một bát cơm trắng với con cá biển kho trị giá 20.000 đồng giúp tôi lành bệnh mau hơn, bất chấp người bệnh như tôi cần phải ăn nhạt và càng ít mỡ càng tốt. Một bát bánh đa cua trước cửa Trung tâm Da liễu hứng trọn bụi bặm của đường phố, mùa hè không điều hòa, trần mình dưới cái nóng hầm hập của tấm bạt dã chiến trên vỉa hè, với tôi vẫn là mơ ước, là nỗi nhớ, là yêu thương da diết. Mỗi lần có dịp về Hải Phòng, đó là điểm tôi phải đến, chậm rãi thưởng thức vị biển trong bát bánh đa cua loang loáng mỡ, đủ sắc màu xanh của rau, đỏ của gạch cua, vàng ruộm của hành phi... Bất chấp giá rét hay nắng lửa, tôi cố gắng ăn chậm nhất có thể, như muốn níu lại lâu nhất có thể một chút hương vị quê hương.

Bên kia đường xa xa, qua dải vườn hoa trung tâm là Nhà hát Lớn, với một dãy những cửa hàng sách nằm kế bên hông. Suốt tuổi thơ tôi đã đi bộ từ nhà lên đây mỗi khi xin được tiền bà ngoại. Những đồng tiền ít ỏi ấy đã được đứa bé đen nhẻm, gầy nhẳng là tôi nắm chặt trong tay, nuốt nước bọt vượt qua quầy bán kem to đùng trước cửa Nhà máy nước đá, để còn trọn vẹn đi vào quầy sách. Những cuốn truyện thiếu nhi được mua về nâng niu như là báu vật và còn giữ mãi đến tận khi vào đại học. Những ông Bụt bà Tiên thời ấy đã bước ra từ trang sách để vỗ về an ủi tuổi thơ tôi, buồn đến nao lòng.

Ga Hải Phòng. Ảnh: Tư liệu

Ga Hải Phòng. Ảnh: Tư liệu

Cả những điệu sáo réo rắt giữa ồn ã phố phường của một ông già bán sáo mù, gương mặt thanh thản và đôi bàn tay ngón xanh xao, thon dài ngay bên hông hiệu sách ngoại văn mà tôi từng say sưa đứng nghe hàng giờ suốt những ngày ấy cũng khiến đứa bé nghèo khổ, cô đơn là tôi hồi đó được bừng lên những ước mơ đẹp đẽ của tuổi hoa niên. Giờ mỗi lần xe chạy qua đấy, tôi vẫn như thấy lại tiếng sáo ngày xưa, thấy tôi bay lên dưới bầu trời xanh ngắt, đẹp đẽ vô ngần. Nhiều năm sau khi tha hương, tôi đã có lần về ngang đó, cố đi thật chậm, dò hỏi về ông già thổi sáo ngày xưa giờ còn hay đã mất. Nhưng những cô gái bán hàng trẻ trung phơi phới đứng sau những dãy tủ sáng choang bây giờ đều lắc đầu không biết. Cũng phải, họ cách tôi cả một thế hệ, họ không có cùng ký ức với tôi. Ôi ký ức dấu yêu... Ký ức mà ở đó, niềm tin vào những điều tốt lành được nuôi dưỡng giữa bộn bề gian khó của đời sống thường nhật để người ta nhìn về phía chân trời mà bước tiếp. Như những câu thơ rất hay của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "...Lạ lùng thay nhân dân thông minh/ Không hề lừa ta dù ca dao, cổ tích/ Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật/ Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời/ Dẫu phải khi cay đắng dập vùi/ Rằng cô Tấm cũng về làm Hoàng hậu/ Cây khế chua có đại bàng đến đậu/ Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta/ Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa/ Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa/ Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa/ Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào".

2.Lũ trẻ trong xóm lao động nghèo đất Cảng như chúng tôi ngày ấy lớn lên, theo chân nhau vào đại học, rời thành phố nhỏ lên Thủ đô. Đã có những đứa trong số đó như tôi, tha hương không quay trở về xây nhà, dựng vợ gả chồng như thường thấy. Nhưng tôi cũng như họ, luôn có một thành phố quê hương bên bờ biển cả ở trong ký ức. Như Ga Thượng Lý Hải Phòng bây giờ dường như không còn chút hình hài nào của ngày cũ, cả một quãng đường dài men theo ga xép tối om ngày xưa nay đã trở thành khu phố sầm uất. Không còn cỏ dại mọc lút cả toa tàu. Không còn ánh đèn lờ mờ rọi xuống sân ga vắng lặng như những đêm đám sinh viên Hải Phòng nhảy tàu từ trường đại học về quê, sân ga không một bóng người, chỉ có sương giăng đầy trên những toa hàng đen kịt, nằm chơ vơ buồn bã. Nhưng giờ đi ngang đó, lòng tôi vẫn phơi phới y hệt ngày xưa. Bởi, tàu chỉ cần bò qua Trại Chuối với những căn hộ tập thể cũ kỹ như những hộp diêm loang lổ trong bóng tối rồi trườn qua Cầu Quay nước đỏ quạch, lúc nào cũng cạn như trơ đáy là về đến ga tàu hỏa cuối cùng.

Cũng có nghĩa là về Nhà.

Nhà là cha mẹ, là con ngõ nhỏ rộn ràng, là thành phố biển nơi đầu sóng rộn rã tiếng còi tàu, nhiều khi đơn giản hơn chỉ là những món ăn mặn mòi vị biển... Nhiều thập kỷ trước, nhà văn E-ren-bua đã từng viết, lòng yêu nước bắt nguồn từ lòng yêu những gì bình thường nhất: yêu cái cây nhỏ trước cửa nhà, yêu dòng sông đổ ra biển, yêu vị thơm, chua, mát của trái lê mùa thu... Thì ra, ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, văn hóa vùng miền hay rộng hơn là bản sắc văn hóa dân tộc, suy cho cùng cũng được kết tinh từ tình yêu của con người với quê hương. Như trên dải đất hình chữ S này có biết bao ngọn núi, con sông vốn là sự vật vô tri vô giác nhưng khi được thấm đẫm những huyền thoại do con người tạo ra từ cảm xúc, trí tuệ, ký ức thì trở thành văn hóa. Nàng Tô Thị bồng con chờ chồng ở Lạng Sơn hay Hòn Chồng, Hòn Vợ ở Nha Trang trở thành biểu tượng của lòng chung thủy, bất chấp những éo le của thân phận con người trong thiên tai địch họa. Hay những nỗi niềm chinh phu, chinh phụ trong suốt cuộc chiến tranh chống ngoại xâm dài dằng dặc đã thổi hồn vào những ngọn núi, con sông trong những câu chuyện dân gian lưu truyền, bi tráng, đớn đau và đẹp đẽ.

Đặng Huyền

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nho-que-i737162/