Nhớ thương canh cá nục lá me non
Canh cá nục lá me non là món canh thượng hạng chứa đầy nỗi nhớ quê hương của những người con xa xứ vùng duyên hải miền Trung khi mùa mưa về.
Khi những cơn mưa đổ ào khắp những con phố trong mùa mưa giữa lòng Sài Gòn, ở đâu đó những người con xa quê vùng ven biển miền Trung nhớ thương hương vị chua dịu, thanh mát của món canh cá nục lá me non. Nói là món ngon của những người xứ biển nhưng người miền Trung, miền Nam đều khó quên được hương vị đặc biệt từ món canh cá sánh đôi cùng những mầm me non xanh tươi.
Người ta thường nói, miền Trung đầy nắng gió nhưng đất đai cũng thừa mứa sự cằn cỗi, không phải loại cây nào cũng sinh trưởng tươi tốt. Vùng duyên hải miền Trung, chạy dài những tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận ấy, người ta đã dùng lá me non để nấu canh cá, tạo nên món ăn dân dã đặc trưng của xứ sở, vừa thanh nhiệt những ngày oi bức lại kích thích sự ngon miệng của những ngày chán ăn.
Ở Sài Gòn cũng vậy, giữa phố xá tấp nập, nhiều người cũng thèm được hưởng vị món canh cá lá me non rất đỗi bình dị, món ăn một thời của "người nghèo". Những cơn mưa đầu mùa như gột rửa đi sự khô rám, lấm lem gió bụi, thúc những đọt mẹ non màu nõn chuối mơn mởn tua tủa khiến người ta thòm thèm.
Lá me xanh non điểm thêm búp mẹ vàng nhạt vị chua dịu, vừa đủ không gắt. Vừa hay, mùa này cũng là lúc dân chài biển thu lưới được những đàn cá nục bọng (cá nục con bằng cỡ hai ngón tay), thịt mềm ngọt mà không ngấy và đậm mùi như cá nục lớn.
Canh chua lá me cũng có nhiều phiên bản lắm, người dân quê thường nấu với vạt tép rong, cá sặc nhỏ, cá chốt đồng, cua rạm... Còn người dân Long An thường nấu lá me non với cá chốt đồng, cũng có khi dùng bông so đũa. Mùa mưa về, cá nục bọng lẫn cá chốt sinh trưởng mạnh nên vị ngọt và thơm thịt hơn hẳn. Những mẻ cá nục tươi rói, trắng bạc ánh lên đường chỉ xanh, mắt trong mang nấu canh thì rất ngọt nước, thịt cá mềm mà không nát, lại có mùi thơm dễ chịu. Cá nục to và đậm mình thường mang kho sẽ ngon hơn. Bởi vậy, muốn có bát canh ngon cũng phải chọn đúng loại cá nục.
Cá nục bọng vào mùa, tươi là vậy cũng được người dân kết hợp với nhiều loại lá khác như lá giang, me quả, giấm bỗng hoặc mẻ... Chừng ấy vị chua nhưng xét cho cùng, chẳng có vị chua nào thanh dịu như lá me non cả.
Cách nấu canh cá nục lá me non cũng không phức tạp. Nói cách khác, vi ngon ngon của cá và me đều đầy đặn, chỉ việc tận dụng những bước đơn giản nhất đã có được bát canh ngon rồi. Để có bát canh cá nục lá me non, ngoài cá nục và lá me, còn cần đến ít hành lá, vài miếng cà chua, chút rau ngổ với ớt xiêm cắt lát.
Cá nục mua về làm sạch hoặc nhờ người bán hàng sơ chế sạch sẽ. Đầu hành lá cắt khúc, đập dập cho vào cùng chút dầu ăn xào thơm cùng cà chua, thêm nước vào đun sôi. Đợi nước sôi già thì cho cá nục vào, làm như vậy giúp cá khỏi tanh và không bị nát. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Tiếp đó bỏ lá me non đã rửa sạch vào. Chút hành lá cắt khúc, chút ngổ thái nhỏ cùng ớt cắt lát cho vào. Phiên bản nguyên liệu đi kèm đôi khi còn có lá é hoặc dứa, đậu bắp cắt lát nữa.
Cá nục bọng mình bé thịt rất nhanh chín. Chừng 5 phút là được. Nấu quá lâu cá nát canh sẽ bị vữa. Canh cá nục lá me non bình dị, mộc mạc ở chỗ không cần món gì đi kèm phức tạp cả, chỉ cần thêm bát mắm ớt là được.
Canh cá nục lá me non là món canh dân dã, ngọt lành, thử một miếng cũng đủ nhớ thương dư vị lâu dài. Cắn nhẹ miếng cá, thịt thơm mềm nhừ rục được cả xương, thấm vị chua chua thanh thanh đặc biệt khó quên. Dù là những người con bám biển hay tha hương xa xứ, mỗi khi nếm vị canh ngon quê nhà, giống như sự nhớ thương trong bài thơ Nhớ lá me non nấu cá của Bùi Thị Ngọc Diệp có câu:
"Cả nhà quây quần đông đủ
Chén nước mắm ớt sẵn sàng
Mọi người sì sụp húp, chan
Mặn, ngọt, chua, cay có cả.
Cá nục nấu me ngon quá!
Ăn một lần nhớ suốt đời
Mai này xa xứ bà ơi
Nhớ lá me non nấu cá".