Nhớ về những ngày Cách mạng Tháng Tám ở Lạng SơnTin khácNhớ về những ngày Cách mạng Tháng Tám ở Lạng SơnĐể Lễ khai giảng năm học mới: An toàn, trang trọng, ý nghĩa
Cứ mỗi dịp đến mùa thu tháng Tám và Quốc khánh 2/9, mỗi chúng ta lại bồi hồi xúc động nhớ về những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên quê hương Xứ Lạng thân yêu. Việc giành chính quyền cách mạng về tay Nhân dân diễn ra ở Lạng Sơn tháng Tám năm 1945 không phải là sự thừa hưởng những gì sẵn có của thời cuộc mang lại mà đó là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài, đầy hy sinh, gian khổ của Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Từ những năm 30 của thế kỷ XX, ngay sau khi Đảng ta ra đời, với sự hoạt động tích cực của đồng chí Hoàng Văn Thụ, đến giữa năm 1933, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập ở xã Thụy Hùng (châu Văn Uyên) với 5 đảng viên. Đây cũng là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Lạng Sơn, đảm nhận vai trò nòng cốt chỉ đạo phong trào cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh. Đến giữa năm 1934, Ban Cán sự tỉnh Lạng Sơn được thành lập trên cơ sở nòng cốt là Chi bộ Thụy Hùng phát triển. Tiếp đó, được đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp bồi dưỡng, kết nạp đảng viên, ngày 25/9/1936, chi bộ đảng đầu tiên của huyện Bắc Sơn được thành lập, gồm 4 đảng viên. Ngày 11/4/1938, chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Tràng Định cũng được thành lập, … Phong trào đấu tranh cách mạng của cả tỉnh Lạng Sơn ngày càng dâng cao.
Tháng 5/1940, phát xít Đức tấn công nước Pháp, một tháng sau, Pháp đầu hàng. Nhân đà Pháp bại trận, phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương. Ngày 22/9/1940, Nhật theo đường Trung Quốc đánh vào Lạng Sơn. Quân Pháp rút chạy tán loạn qua Bắc Sơn sang Thái Nguyên. Nắm thời cơ, nhân dân Bắc Sơn dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng địa phương đã đứng lên tiến hành cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổi tiếng, (27/9/1940), giành chính quyền, thành lập Đội du kích Bắc Sơn.
Đầu năm 1941, Đảng ta triệu tập Hội nghị Trung ương 8 tại Pắc Bó (Cao Bằng). Trên đường đi dự hội nghị, một số đại biểu đã qua địa phận các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia và Tràng Định. Đoàn đã nghỉ chân tại khu Du kích Bắc Sơn và một số gia đình thuộc các huyện: Bình Gia, Tràng Định.
Tại Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), Đảng ta nhận định: “Chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay” và quyết định thành lập “Việt Nam độc lập Đồng Minh” gọi tắt là Việt Minh. Tổng bộ Việt Minh triển khai xây dựng tổ chức Việt Minh các cấp, đẩy mạnh cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Cuối năm 1941, ba tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn đã cử ra “Ban Việt Minh liên tỉnh” để thống nhất chỉ đạo phong trào. Ở tỉnh ta, phong trào Việt Minh phát triển mạnh mẽ, nhất là ở các châu Bắc Sơn, Bình Gia, Tràng Định, Thoát Lãng… Nhiều tổ chức cơ sở quần chúng như “Nông dân cứu quốc”, “Phụ nữ cứu quốc”, “Thanh niên cứu quốc”… được thành lập, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng yêu nước. Các Hội Cứu quốc thường xuyên sinh hoạt, phổ biến báo chí cách mạng, học tập văn hóa, phổ biến các bài ca cách mạng… Các đội “Tự vệ trị an”, “Tự vệ chiến đấu” được thành lập… Không khí cách mạng dâng lên mạnh mẽ trên khắp Lạng Sơn. Từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, các đội vũ trang tuyên truyền, chiến đấu lần lượt được thành lập ở nhiều địa phương trong tỉnh: Đội vũ trang ở Hội Hoan (Thoát Lãng) do đồng chí Hoàng Văn Kiểu phụ trách; Đội vũ trang ở Thụy Hùng (Văn Uyên) do đồng chí Bế Chấn Biên phụ trách; Đội vũ trang ở Chí Minh (Tràng Định) do đồng chí Tuân phụ trách; Đội vũ trang ở Văn Mịch (Bình Gia) do hai đồng chí Hà Tân Cương và Hà Khai Lạc phụ trách. Các đội vũ trang này đã tự mua sắm vũ khí, tổ chức phục kích tước vũ khí của lính dõng trang bị cho mình. Cùng với sự ra đời của các đội vũ trang, các căn cứ du kích cũng được thành lập ở Hội Hoan, Thụy Hùng, Chí Minh, Văn Mịch. Giữa các căn cứ có đường dây liên lạc với nhau và liên hệ chặt chẽ với căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai, do Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo. Những việc làm đó đã tạo điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lực lượng khi có thời cơ đến sẽ phát động khởi nghĩa giành chính quyền.
Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Chưa đầy một ngày sau, Pháp quỳ gối đầu hàng Nhật. Nhật giữ nguyên bộ máy cai trị tay sai của Pháp để giúp chúng bóc lột thống trị (chỉ thay đổi tên gọi các quan lại, như: quan tuần phủ, tổng đốc thì gọi tỉnh trưởng, quan Tri huyện thì gọi huyện trưởng, …). Ở Lạng Sơn, sau khi tiêu diệt lực lượng quân Pháp, Nhật vẫn duy trì hệ thống chính quyền tay sai cũ do Pháp tổ chức. Tổng đốc Linh Quang Vọng được Nhật giữ làm Tỉnh trưởng bù nhìn. Trước tình hình mới, Cứu quốc quân ở căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai hoạt động mạnh, tuyên truyền rộng rãi chủ trương tiến tới khởi nghĩa của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh, làm dấy lên không khí khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Các đội vũ trang tuyên truyền ở Tràng Định, Bình Gia, Thoát Lãng, Văn Uyên… được tăng cường, bổ sung, phát triển lực lượng làm nòng cốt cho việc tiến hành khởi nghĩa…
Thực hiện chủ trương của Đảng, dưới sự tổ chức trực tiếp của các đảng bộ và Ban Việt Minh ở các châu, huyện trong tỉnh, quần chúng cách mạng đã lần lượt nổi dậy giành chính quyền: Ngày 18/4/1945, châu Bắc Sơn giành chính quyền thắng lợi. Ngày 19/4, châu Bình Gia khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 15/4, quân cách mạng Hữu Lũng tấn công đồn Mẹt, Ban Việt Minh châu được thành lập. Tại Tràng Định, ngày 2/5, đội vũ trang kết hợp với quần chúng cách mạng tiến công đồn Pò Mã, giải phóng xã Quốc Khánh, rồi lần lượt tiến quân về các xã khác, bao vây quân Nhật ở phố Thất Khê, giành chính quyền. Ngày 21/6, đội vũ trang giải phóng từ Bình Gia, Bắc Sơn tiến về châu Bằng Mạc, phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng địa phương, tấn công đồn Vạn Linh, châu Bằng Mạc được giải phóng. Ở Thoát Lãng, trung đội giải phóng do đồng chí Hoàng Văn Kiểu chỉ huy, cùng quần chúng cách mạng nổi dậy ở nhiều xã, đến đầu tháng 5/1945, quân cách mạng đã làm chủ các thôn xã (trừ thị trấn Na Sầm, quân Nhật còn chiếm đóng). Từ đây, vùng giải phóng của tỉnh đã liên kết từ Bằng Mạc qua Văn Lãng, Tràng Định, Bình Gia đến Bắc Sơn, tạo hậu thuẫn vững chắc cho việc khởi nghĩa giành chính quyền toàn tỉnh.
Trước phong trào cách mạng diễn biến mau lẹ, cần có sự chỉ đạo nhạy bén, kịp thời của Đảng, được sự nhất trí của Liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng, giữa tháng 5/1945, Lạng Sơn thành lập Tỉnh ủy lâm thời. Ban Chấp hành gồm các đồng chí: Lô Quang Nam (Bí thư), Bảo An, Phan Mạnh Cư, Hoàng Văn Kiểu. Ngay sau Tỉnh ủy được kiện toàn, Tỉnh bộ Việt Minh cũng được thành lập do ông Lương Như Ý làm Chủ nhiệm, đồng chí Hà Tân Cương làm Phó Chủ nhiệm. Tỉnh ủy đề ra chủ trương: tăng cường củng cố và giữ vững vùng mới giải phóng, nhanh chóng xây dựng lực lượng vũ trang ở những địa phương phong trào chưa phát triển, để khi thời cơ đến kịp thời nổi dậy khởi nghĩa…
Trước thắng lợi của phong trào cách mạng trong tỉnh, quân Nhật điên cuồng chống phá chính quyền của Nhân dân ta vừa giành được. Từ ngày 18 đến ngày 25/5, chúng huy động lực lượng tiến công vào vùng giải phóng Bình Gia – Bắc Sơn theo hai hướng: từ Thất Khê qua Khau Hương vào Bình Gia và từ Đồng Mỏ (Ôn Châu) qua đèo Canh Dàn vào Bắc Sơn và qua đèo Kéo Coong vào Bình Gia. Quân dân Bắc Sơn, Bình Gia đánh trả quyết liệt, buộc quân địch phải tháo lui nhục nhã.
Trước thắng lợi đó, Tỉnh ủy quyết định tấn công giải phóng Điềm He. Ngày 3/7/1945, lực lượng vũ trang dưới sự chỉ huy của đồng chí Hoàng Văn Kiểu phối hợp với quần chúng cách mạng trong huyện, tổ chức tấn công đồn Điềm He. Châu Điềm He được giải phóng.
Giữa lúc cao trào kháng Nhật cứu nước của Nhân dân ta đang phát triển mạnh mẽ, tình hình thế giới cũng có biến chuyển lớn. Đầu tháng Tám Hồng quân Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Đến giữa tháng Tám, đội quân Quan Đông của Nhật đã bị đánh tan. Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện. Quân Đồng minh chuẩn bị đổ bộ vào Đông Dương giải giáp quân Nhật.
Trước tình hình đó, Trung ương Đảng ta họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) đã quyết định tổng khởi nghĩa toàn quốc. Quốc dân đại hội cũng họp tại Tân Trào trong 2 ngày 16 và 17 tháng Tám bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sau khi có lệnh Tổng khởi nghĩa, nhiều tỉnh đã nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Đặc biệt, ngày 19/8/1945, tại Hà Nội, khởi nghĩa giành chính quyền thành công đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng của cả nước.
Ở Lạng Sơn, ngày 19/8, tại Đồng Mỏ (Ôn Châu) dưới sự tổ chức của Ban Việt Minh châu, lực lượng vũ trang và quân cách mạng nổi dậy giành chính quyền thắng lợi. Cùng ngày, tại Hữu Lũng, lực lượng cách mạng nổi dậy tiến công quân Nhật, làm chủ phố Mẹt, cách mạng giành thắng lợi. Ngày 21/8, giành chính quyền huyện Tràng Định. Ngày 22/8, giải phóng hoàn toàn châu Thoát Lãng.
Ngày 24/8/1945, tại Ba Xã (Điền He), Tỉnh ủy họp đề ra chủ trương nhanh chóng giải phóng tỉnh lỵ Lạng Sơn. Ngay đêm 24/8, Ban chỉ đạo khởi nghĩa của tỉnh đã tập trung các lực lượng vũ trang tiến về giải phóng tỉnh lỵ. Rạng sáng 25/8/1945, lực lượng vũ trang giải phóng và quần chúng cách mạng từ nhiều hướng tiến vào thị xã. Nhân dân thị xã với băng cờ, khẩu hiệu rầm rộ xuống đường biểu tình chào đón cách mạng. Vào đến thị xã, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng nhanh chóng chiếm các căn cứ đóng quân của địch, bao vây dinh tỉnh trưởng bù nhìn, buộc tỉnh trưởng Linh Quang Vọng phải đầu hàng. Ngay chiều hôm đó, Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc mít tinh lớn trước nhà Chánh xứ cũ của Pháp, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến; công bố 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh; kêu gọi quần chúng đoàn kết bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng, tích cực ủng hộ Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Sau đó quần chúng cách mạng đã diễu hành biểu dương lực lượng qua các phố. Một không khí vui mừng tràn ngập khắp thị xã. Cùng ngày, lực lượng cách mạng ở Cao Lộc cũng đã nổi dậy giành chính quyền về tay Nhân dân.
Nhưng chỉ một ngày sau khi cách mạng giành chính quyền ở thị xã, ngày 26/8/1945, cánh quân của bọn Tưởng Giới Thạch mượn tiếng Đồng Minh vào tước khí giới quân Nhật ở nước ta, theo đường Đồng Đăng đã vào đến thị xã Lạng Sơn. Dã tâm của chúng là vào nước ta để tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, giúp bọn phản động Việt Nam đánh đổ chính quyền cách mạng để lập một chính quyền phản động làm tay sai cho chúng. Theo sau quân Tưởng là bọn lâu la tay sai người Việt từng sống lưu vong trên đất Trung Quốc với danh nghĩa tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam cách mạng đồng minh Hội (Việt Cách). Bọn chúng tiến hành nhiều hành động phá hoại, cướp bóc, gây rối loạn ở thị xã Lạng Sơn và các thị trấn Đồng Đăng, Na Sầm, Lộc Bình, Thất Khê…
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo: đối phó với quân Tưởng và bọn tay sai: “Tránh xung đột, giao thiệp thân thiện với quân Đồng Minh. Nếu họ xâm phạm đến quyền lợi Nhân dân thì tích cực đề kháng, biểu dương lực lượng làm áp lực ngoại giao”; mặt khác tiếp tục hỗ trợ các huyện: Lộc Bình, Đình Lập giành chính quyền.
Ngày 2/9/1945, tại Hà Nội, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời nhưng ở Lạng Sơn, tình hình còn rất phức tạp. Được sự chỉ đạo của cấp trên, thực hiện sách lược hòa hoãn để làm dịu tình hình, ta đàm phán với quân Tưởng, lập ra “Ủy ban hành chính liên hiệp” gồm 3 phái, có thành phần của bọn phục quốc tham gia. Tuy danh nghĩa là chính quyền cấp tỉnh nhưng thực chất Ủy ban hành chính liên hiệp chỉ đảm nhiệm một công việc chủ yếu là dàn xếp các vụ xung đột giữa bọn phục quốc với lực lượng vũ trang cách mạng của ta quanh thị xã.
Với sự khôn khéo, mềm dẻo và nỗ lực phấn đấu, hy sinh của cán bộ, Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng cách mạng Lạng Sơn đã từng bước thực hiện thắng lợi sách lược đối phó với quân Tưởng và bọn tay sai, tiến lên giành chính quyền trong toàn tỉnh. Ngày 28/8, châu Lộc Bình giành chính quyền. Đầu tháng 9/1945, châu Đình Lập – huyện cuối cùng trong tỉnh giành thắng lợi.
Tháng 10/1945, một cuộc mít tinh lớn với hàng nghìn quần chúng cách mạng trong toàn tỉnh được tổ chức tại Khâm Nặm, Chợ Bãi (Bằng Mạc), Ủy ban Nhân dân lâm thời tỉnh Lạng Sơn tuyên bố thành lập do đồng chí Lô Quang Nam làm Chủ tịch. Đây là mốc son đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của Cách mạng Tháng Tám trên quê hương Lạng Sơn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là Bác Hồ kính yêu.