Nhọc nhằn đồng nát, ve chai
Ở Hà Nội có một ngành nghề mà ít ai để ý, nó đã âm thầm hoạt động từ xa xưa, cho tới thành phố khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường thì có vẻ sôi động hơn, nhộn nhịp hơn, đó là nghề thu mua ve chai, đồng nát…
Cũng là một làng nghề
Sở dĩ gọi như vậy vì đa số người dân nơi đây sống nhờ vào nghề thu mua ve chai là chính. Cả huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định có đến hơn 10 xã hành nghề thu mua ve chai mà trước kia ta thường gọi là đồng nát, đơn cử như các xã Xuân Thương, Xuân Hồng, Xuân Đại, Xuân Phong… Ngành nghề gì cũng vậy có khi thịnh, khi suy. Cho dù ở vào thời điểm hiện nay, nghề ve chai có vẻ không thịnh vượng lắm, nhưng cũng một thời nhiều người từ sau lũy tre làng ra đi, khi trở về đã xây nhà, tậu ruộng.
Khác với nhiều người ở nông thôn ra thành phố kiếm sống bằng các nghề mang tính thời vụ, khi đến mùa gặt hái lại quay về địa phương, nghề ve chai hình thành cả làng, cả xã, từng gia đình, dòng họ rủ nhau cùng làm ăn lâu dài. Tuy không thành một tổ chức tập thể, nhưng có thể gọi đây là tổ hợp làng nghề có truyền thống lâu đời. Những người dân địa phương này in dấu chân khắp đường phố, ngóc ngách của Hà Nội.
Những ngày đông rét mướt hay những hôm nắng như đổ lửa thì ngoài đường vẫn văng vẳng tiếng rao: “Ai đồng nhôm sắt vụn giấy báo bán không?”. Vào một ngày chủ nhật, thấy tôi mở cổng dọn dẹp ngoài sân, đống phế liệu, đồ dùng sinh hoạt cũ kỹ được thu gom một góc, một cái đầu đội nón với đôi quang gánh tòn teng xuất hiện ngay trước mặt: “Bác có gì bán không?”.
Tôi ngước nhìn lên, không phải những bà ve chai mà thường gặp mà đây lại là một cô gái còn rất trẻ, trắng trẻo, xinh xắn, cách ăn mặc không có gì quê mùa, lam lũ. Nếu vứt đôi quang gánh trên vai, người ta cứ ngỡ cô là một sinh viên hoặc chí ít cũng phải là nhân viên bán hàng ở các cửa hiệu, sạp hàng trên phố. Thấy tôi ngỡ ngàng nhìn, cô gái có tên là Sen thản nhiên hỏi lại: “Bác có gì bán cho cháu?”. Lúc này tôi mới định thần trả lời: “À… à… có, chờ bác một chút”. Vừa nói tôi vừa gom số chai lọ, đồ nhựa, sách báo cũ và bảo: “Bác chỉ có từng đấy. Cháu mua không?”. Cô gái vui ra mặt: “Có chứ ạ!”. Theo lời kể của cô gái có cái tên rất hay là Vi Thị Sen mà tôi khéo tìm cách khai thác câu chuyện.
Lập nghiệp
Sen năm này vừa tròn 21 tuổi, cũng sinh ra từ một làng quê có truyền thống lâu đời nghề buôn bán ve chai thuộc huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Học hết lớp 9 phổ thông, cô phải nghỉ học phụ giúp gia đình do bố bị bệnh hiểm nghèo nằm liệt giường nhiều năm. Cô lấy chồng và cả 2 kéo nhau ra Hà Nội lập nghiệp. Anh chồng dành dụm tiền mua chiếc xe máy Tàu làm cần câu cơm, hàng ngày đứng ở ngã ba đường đón khách. Còn Sen theo bà con làng xóm đã đi trước, cũng làm đôi quang gánh hàng ngày đi khắp ngóc ngách phố phường Hà Nội. Thoạt đầu vì đường phố Hà Nội đan nhau như bàn cờ, cô phải bám theo vài ba người cùng quê dẫn dắt, vừa là để thuộc đường, vừa nắm bắt kinh nghiệm những thứ gì có thể thu mua được và giá cả từng loại để khi về không bị lỗ vốn. Lâu dần cô tự tác nghiệp một mình.
Được hỏi từ khi ra Hà Nội kiếm sống, hai vợ chồng có thu nhập khá không, cô gái buồn rầu trả lời: “Chán lắm bác ạ! Nói ra ít người tin, có buổi đi rạc cả chân chỉ kiếm nổi 50-60 nghìn. Nghề này cách đây 10 năm về trước còn sống được chứ bây giờ người ở quê lại đổ ra Hà Nội đi thu mua nhiều nên cạnh tranh khốc liệt lắm.
Vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, dân thành phố vẫn còn giữ quen nếp sống thời kỳ bao cấp, mọi đồ dùng sinh hoạt trong gia đình dù cũ kỹ, hỏng hóc vẫn không chịu thanh lý. Từ khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường thì nhà nhà sắm sửa, tân trang, thay thế đồ dùng gia đình tân tiến hơn. Đương nhiên những mớ đồ cũ lâu đời sẽ được các bà thu mua ve chai tận tình tiêu thụ giúp. Vào thời điểm đó, nhiều gia đình vùng quê làm nghề đồng nát giàu lên trông thấy, có tiền xây nhà, mua đất, tậu xe. Nhất là cánh chủ bãi, người nào giàu có thì còn kéo thêm cả con cháu ra thuê đất, thuê nhà, lập kho để thu gom hàng.
Vẫn là những lời tâm sự của Sen: “Giờ thì đã hết thời kỳ làm ăn sôi động như trước rồi bác ạ. Chúng cháu thuộc diện trâu chậm uống nước đục. Hàng ngày đa phần chỉ thu mua được vài thứ tạp nham, đồ nhựa, sách báo cũ… lời lãi chẳng được là bao vì chủng loại mặt hàng này đã có giá sẵn, ở đâu cũng vậy. Chính vì khó kiếm ăn, nên một số người đã nghĩ ra mẹo “thửa” loại cân riêng mà phần lãi nằm trong chênh lệch (1kg chỉ còn 7 đến 8 lạng)”.
Sen bảo, đã có lúc cô muốn tìm một công việc khác để làm, thu nhập hàng tháng cho ổn định nhưng khó quá. Trình độ văn hóa không có, giữa một thành phố đông đúc người khôn của khó, lại không quen biết ai, chỉ sơ suất một chút, thiếu tính toán, cảnh giác là bị bọn người xấu lôi kéo ngay. Quả thật, nhìn Sen tôi cũng thấy ái ngại và thầm khen cách suy nghĩ của một cô gái trẻ nông thôn đang hàng ngày tần tảo mưu sinh bằng sức lao động để tồn tại qua ngày, trong điều kiện kinh tế thị trường khắc nghiệt giữa một thành phố đông đúc như Hà Nội.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhoc-nhan-dong-nat-ve-chai-post496061.antd