Nhóm Hiếu Văn Ngư đưa người trẻ đến gần với hát bội
Năm 2020, Lục Phạm Quỳnh Nhi thành lập Hiếu Văn Ngư - một nhóm nghiên cứu và giữ gìn nghệ thuật truyền thống. Thành công trong việc đưa người trẻ đến gần với hát bội, nhóm còn triển khai nhiều dự án giúp lan tỏa giá trị, nét độc đáo của loại hình nghệ thuật này tới cộng đồng.
Đưa người trẻ đến rạp xem hát bội
Tháng 6/2024, Hiếu Văn Ngư phối hợp cùng Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM triển khai chuỗi chương trình “Ca biện phấn hành”. Chương trình được thiết kế theo dạng diễn giả giao lưu với nghệ sĩ, diễn viên và xem biểu diễn hát bội tại Rạp hát Thủ Đô (quận 5, TP.HCM). Mỗi buổi sẽ mang một chủ đề riêng, tạo nên những lát cắt thú vị giúp khán giả thoải mái chọn lựa, tìm hiểu và trải nghiệm. Khán giả đa phần là giới trẻ và người thân, gia đình của họ, đúng nhóm đối tượng mà Hiếu Văn Ngư muốn hướng đến.

Quỳnh Nhi và Vương Hoài Lâm (áo đen) trong một buổi của chương trình “Ca biện phấn hành” diễn ra tại Rạp hát Thủ Đô
Trưởng nhóm Quỳnh Nhi là người dẫn dắt chương trình, nhà nghiên cứu nghệ thuật truyền thống Vương Hoài Lâm đóng vai trò diễn giả, giới thiệu cặn kẽ về hát bội. Trước khi tham gia buổi trò chuyện, khán giả sẽ được nhận tờ thông tin kiến thức căn bản của hát bội, tóm tắt nội dung một vài trích đoạn sẽ xuất hiện, các vai diễn chủ đạo. Sau mỗi phần diễn giải đều có thời gian tương tác, trải nghiệm. Khán giả nhận biết được từng vai diễn, tính cách nhân vật thông qua các gương mặt đã hóa trang kỹ lưỡng, mũ mão, phục trang rực rỡ sắc màu.
Nhi kể, khi quyết định mở bán vé cho dự án, cô và mọi người “nín thở” đợi phản hồi từ dư luận. Vài ngày trôi qua, sự “liều lĩnh” và cách làm mới lạ của nhóm bắt đầu có dấu hiệu khả quan. Lượng vé bán ra cho buổi gặp gỡ đầu tiên khá khiêm tốn nhưng chuỗi lan tỏa sau đó trên mạng xã hội khiến nhóm bất ngờ. Lúc đó, Hiếu Văn Ngư nhận ra, trên chặng đường lắm thử thách này, họ không đơn độc. “Hát bội không khó như tưởng tượng”, “Tôi không ngờ hát bội có thể đẹp, hay và nhiều bài học ý nghĩa như thế”, “Hát bội đâu chỉ dành cho người lớn tuổi, người trẻ vẫn vỗ tay rần rần mà”… Đọc từng dòng phản hồi thông quan nhiều kênh tương tác, các thành viên nhìn nhau, thở phào nhẹ nhõm. Cảm nhận rõ nét đặc trưng cùng nhiều thông điệp ý nghĩa của hát bội, bạn trẻ “truyền tai” nhau về cái lạ, cái mới của chương trình.

Đông đảo khán giả trẻ tham gia buổi diễn kết thúc chương trình “Ca biện phấn hành” của nhóm Hiếu Văn Ngư
Lục Phạm Quỳnh Nhi - trưởng nhóm Hiếu Văn Ngư cho biết: “Ca là hát, biện là tiếng vỗ tay, phấn hành là những hành động làm cho phấn chấn. Khi đưa ra chương trình “Ca biện phấn hành”, chúng tôi mong muốn khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ, sẽ dành thời gian học, trải nghiệm, lắng nghe để thêm hiểu, thêm yêu hát bội. Khi có thể tự mở khóa những mật mã của hát bội ngay tại rạp, người xem sẽ nhận ra rằng loại hình nghệ thuật này vốn rất gần gũi và chứa đựng bao điều thú vị. Những tiếng “Ồ” kèm các tràng pháo tay không ngớt đủ để chứng minh sức hút của hát bội với người xem”.
Nhi cho hay, ca biện phấn hành gồm nhiều buổi trải nghiệm, càng về sau, lượng khách mua vé càng tăng. Khi ánh đèn sân khấu bật lên, nhìn xuống bên dưới, các hàng ghế lấp đầy khán giả trẻ, chúng tôi cùng các nghệ sĩ, diễn viên mắt rưng rưng. Chúng tôi cùng nhà hát chọn lọc từng trích đoạn cũng như thông tin cần truyền tải để người xem dễ dàng cảm nhận nội dung, dành trọn thời gian thưởng thức nét đặc sắc của hát bội. Chuỗi chương trình khép lại bằng suất diễn trọn vẹn tuồng San Hậu tại rạp hát gần 100 tuổi đời ở thành phố.

Giới thiệu các diễn viên trước buổi diễn
Trước đó, Hiếu Văn Ngư đã triển khai nhiều “giờ học” về hát bội để cung cấp kiến thức nền tảng, tạo hứng thú, giúp không ít bạn trẻ từ tò mò chuyển sang hào hứng làm bạn với nghệ thuật truyền thống. Tại Nhã Tập Hiên - không gian kết nối cộng đồng của Hiếu Văn Ngư - đều đặn mỗi tuần đều có các chương trình vẽ mặt nạ hát bội, tìm hiểu về phục trang, giới thiệu về văn chương trong loại hình nghệ thuật truyền thống này hay các nhạc cụ liên quan… Một số chương trình biểu diễn trích đoạn ngắn và giao lưu cũng được Hiếu Văn Ngư đưa về đây phục vụ riêng nhóm khán giả trẻ.
Muôn màu hát bội
Cả tuổi thơ của Vương Hoài Lâm là những ngày được theo chân ông nội đến đình chùa miếu nghe hát bội hay bật ti vi thưởng thức chương trình trực tiếp từ các rạp lớn. Lâm thuộc nằm lòng các vở diễn trước khi đủ tuổi đến rạp xem. Vậy nên khi trở thành học viên cao học, anh quyết tâm dành trọn thời gian, tâm huyết nghiên cứu thật sâu về loại hình nghệ thuật đầy sức hút này. Ngày gặp Hiếu Văn Ngư, Lâm hào hứng khi biết vẫn còn nhiều người trẻ cùng suy nghĩ như mình: Muốn gìn giữ và phát huy hát bội giữa chuỗi dài bộn bề, hối hả của đời sống ngày nay. Sau cái gật đầu đầy tin tưởng, gần 5 năm qua, anh trở thành diễn giả kiêm cố vấn học thuật trong nhiều dự án, chương trình của nhóm. Lâm góp tiếng nói, chia sẻ ý tưởng cùng các thành viên tạo “nhịp cầu” đưa hát bội đến với mọi người.

Một phần giao lưu trên sân khấu hát bội của Hiếu Văn Ngư
Khi mới thành lập, Hiếu Văn Ngư đã tạo được tiếng vang với dự án “Hát bội 101”, góp phần cung cấp kiến thức nền tảng về lịch sử, đặc trưng và hướng dẫn khán giả mới biết cách thưởng thức hát bội bài bản nhưng vẫn gần gũi, thoải mái. Trong mỗi hoạt động tham gia cùng nhóm, Lâm nỗ lực rút ngắn khoảng cách giữa người trẻ với hát bội bằng cách giản lược kiến thức khô khan, chú tâm quảng bá bản chất và tinh thần của loại hình nghệ thuật lâu đời. “Theo tôi, cần có sự kết hợp giữa các đơn vị, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và cộng đồng người trẻ yêu hát bội để mỗi chương trình đều đáp ứng tốt thị hiếu và nhu cầu của thời đại. Khán giả trẻ chịu đến gần, thích thú khi thử sức khám phá hát bội đã là một thành công. Chúng ta không cần bắt họ phải hiểu toàn bộ vở diễn ngay từ đầu mà hãy tách ra từng ngách nhỏ mời họ bước vào tìm tòi, sáng tạo”, Vương Hoài Lâm chia sẻ.
Nghiên cứu, lưu trữ, truyền dạy và ứng dụng sáng tạo là 4 định hướng hoạt động của Hiếu Văn Ngư từ ngày thành lập đến nay. Nhi cho biết, khó nhất vẫn là quá trình tiếp cận, thu thập thông tin và nghiên cứu, lưu trữ. Thiếu hụt tài liệu chính thống, nhóm tập trung cho công tác điền dã, ghi nhận thực trạng về hát bội tại đình miếu, nhà hát. Chụp ảnh, quay video, phỏng vấn người trong cuộc, gõ cửa các nhà hát, đoàn biểu diễn khắp thành phố, nghe ở đâu còn có hát bội, Hiếu Văn Ngư liền tìm đến hỏi han, ghi chép, thu thập tư liệu rồi đối chiếu với kho tài liệu hiện có. Khi đã nắm vững kiến thức và tập hợp đủ thành viên, nhóm chuyển sang giai đoạn quảng bá hát bội, chia sẻ thông tin nhằm đào tạo khán giả trẻ, tệp người xem tiềm năng.

Kết hợp với Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM, Hiếu Văn Ngư đưa khán giả trẻ đến với hát bội theo hình thức đẹp đẽ và nội dung được chuẩn bị phù hợp nhất
Giai đoạn tới, Hiếu Văn Ngư sẽ đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực ứng dụng sáng tạo, đưa màu sắc hát bội vào nhiều sản phẩm nghệ thuật mới mẻ. Biểu diễn hát bội tại du thuyền hạng sang, đưa hát bội vào quán bar, thiết kế chương trình trải nghiệm hát bội cho du khách nước ngoài và học sinh tại Rạp hát Thủ Đô… mỗi hoạt động đều được tính toán cẩn thận sao cho tính sáng tạo không đi quá đà nhưng vẫn luôn đủ sức thu hút giới trẻ, du khách bằng sự mới mẻ, độc đáo.
“Tại Nhã Tập Hiên, chúng tôi bày sẵn những chiếc kệ, trên đó có áo thun, khăn hay mặt nạ với những hình ảnh, họa tiết và màu sắc liên quan đến hát bội. Khi đến đây tham gia chương trình, ngoài việc tìm hiểu về hát bội, mọi người luôn được khuyến khích sáng tạo thêm nhiều sản phẩm lấy cảm hứng từ loại hình nghệ thuật này. Tư duy của Hiếu Văn Ngư trong chuyện bảo tồn hát bội là không đóng gói mọi thứ thật đẹp, thật hay rồi đưa vào lưu trữ trong bảo tàng, tủ kính mà biến nó thành chất liệu cho các loại hình nghệ thuật khác, giúp nó đi vào đời sống thường nhật”, trưởng nhóm Hiếu Văn Ngư cho biết thêm.