Nhóm ngành nào 'an toàn' trước việc Mỹ áp thuế quan lên Việt Nam?
Theo chuyên gia, những doanh nghiệp có doanh thu chủ yếu từ nội địa, như các công ty ngành điện… có thể sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư khi ít bị ảnh hưởng bởi chỉnh sách thuế quan của Mỹ.
Tác động tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 (theo giờ địa phương) tuyên bố áp thuế quan có đi có lại - hay còn gọi là thuế đối ứng - ở mức ít nhất 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, trong đó có hàng chục quốc gia phải chịu thuế suất cao hơn. Danh sách các nền kinh tế phải chịu thuế đối ứng cao hơn bao gồm những đối tác thương mại thuộc hàng lớn nhất của Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Giám đốc SSI Research, việc Việt Nam và nhiều quốc gia khác nằm trong "tầm ngắm" của chính sách thương mại Mỹ không phải là điều quá bất ngờ. Báo cáo gần đây của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã liệt kê gần 60 quốc gia với các chính sách và rào cản thương mại cần xem xét.
Ông Hưng cho rằng, mức thuế 46% với Việt Nam hay 54% với Trung Quốc giống như mức trần để các quốc gia bắt đầu đàm phán để sau đó thuế có thể giảm, không có nghĩa 46% là mức thuế áp dụng mãi mãi.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, Việt Nam đã rất chủ động thực hiện nhiều biện pháp thể hiện thiện chí trong quan hệ thương mại song phương. Việc giảm thuế cho 14 mặt hàng Mỹ, và đặc biệt là dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược (nhấn mạnh bảo vệ sở hữu trí tuệ) là những minh chứng rõ ràng thể hiện cam kết thương mại.
Mức thuế 46% với Việt Nam giống như mức trần để các quốc gia bắt đầu đàm phán để sau đó thuế có thể giảm. Không có nghĩa là mức thuế áp dụng mãi mãi

ông Phạm Lưu Hưng
Đối với thị trường chứng khoán, tin xấu có thể là tin tốt, nhưng không phải lạc quan thái quá. Với nhà đầu tư nước ngoài, rủi ro thương mại thuế quan với Việt Nam lớn nhất nên họ vẫn đang chờ và bán ròng mạnh trong suốt thời gian qua. Khi rủi ro đã được thể hiện và thể hiện xấu nhất thì nhà đầu tư nước ngoài có thể xem xét lại đầu tư vào Việt Nam.
"Họ sẽ xem các nhóm ngành nào có thể có vùng định giá hấp dẫn hơn so với trước có thể giải ngân, do đó tin xấu ra thì đó là điểm họ xem xét lại. Nếu so với định giá với thời điểm chiến tranh thương mại lần đầu 2018, thì giờ còn một nửa, áp lực bán ra mạnh không còn nhiều. Dĩ nhiên tâm lý của nhà đầu tư cá nhân sẽ có bất ổn nhất định. Còn đứng trên quan điểm của nhà đầu tư dài hạn thì thông tin này là điểm để họ đánh giá lại", ông Hưng nói.
Bình luận về những tác động của chính sách thuế quan của Mỹ đến thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán sẽ có phản ứng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, ông Minh kỳ vọng phản ứng lần này sẽ đỡ hơn vì thị trường chứng khoán toàn cầu cũng có chuỗi giảm mạnh trong giai đoạn từ đầu tháng 3 đến nay. Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta cho rằng, đà giảm thời gian qua đã chiết khấu và phản ánh vấn đề thuế quan. Khi thông tin thuế quan chính thức áp dụng, thị trường có thể phản ứng, nhưng mức độ phản ứng sẽ sớm đi qua và kỳ vọng mức độ tác động không còn sâu và lâu. Nhìn xa hơn, các quốc gia sẽ bắt đầu đàm phán để sau đó thuế có thể giảm.
Ảnh hưởng của các nhóm ngành
Bàn về những nhóm ngành bị ảnh hưởng, theo ông Hưng, những doanh nghiệp an toàn trong bối cảnh này là hoàn toàn liên quan thị trường trong nước như ngành điện. Ngành điện có nhiều thông tin đang chờ đợi kỳ vọng như quy hoạch điện 8, việc xử lý đối với giá FIT của nhiều dự án điện năng lượng tái tạo. Giá điện gần đây đã có nghị định từ Chính phủ, câu chuyện của ngành liên quan chủ yếu trong nước, đây là ngành thú vị mang tính chất an toàn ở thời điểm này.
Đối với ngành ngân hàng, tăng trưởng tín dụng chủ yếu liên quan đến thị trường nội địa là chính chứ không liên quan đến xuất khẩu. Room tín dụng 16% có thể cao hơn do đầu tư trong nước được đẩy mạnh, lợi nhuận tương đối tích cực cho ngành ngân hàng.

Thị trường chứng khoán sẽ có phản ứng trong ngắn hạn đối với thông tin về chính sách thuế quan của Mỹ. Ảnh: T.L
Ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Đầu tiên là thủy sản, thuế quan lên cao ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam nhưng lựa chọn khác của nhà nhập khẩu Mỹ không có quá nhiều khi các quốc gia khác cũng bị đánh thuế. Nếu mức thuế 46% này không kéo dài thì câu chuyện ảnh hưởng mang tính chất ngắn hạn hơn.
Đối với ngành thép, tôn mạ, ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu thép nhiều. Tuy nhiên, xuất khẩu thép của Việt Nam không chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng doanh thu toàn ngành. Các mặt hàng liên quan đến thép không bị áp thuế đối kháng quá cao và có các cơ chế thuế riêng, do đó ngành thép toàn cầu không bị ảnh hưởng quá nhiều. Lo ngại nhất vẫn là dư cung từ Trung Quốc nếu có. Tuy nhiên, Việt Nam đã có các công cụ bảo hộ thị trường nội địa khỏi thép giá rẻ tràn vào Việt Nam.
Đối với ngành bất động sản khu công nghiệp, chuyên gia SSI cho rằng, các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu không thể thay đổi ngày một hai. Thuế đánh 60 nước do đó không tìm ra nổi một quốc gia nào có thể thay thế Việt Nam để chuyển phần xuất khẩu đi. Ngành bất động sản khu công nghiệp vẫn hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển FDI vào Việt Nam hiện tại. Xu hướng đầu tư của các dự án vừa và nhỏ rất nhiều, các dự án vài chục triệu USD vài trăm triệu USD.