Nhóm nghị sĩ Mỹ kêu gọi thực hiện cách tiếp cận toàn diện đối với Iran

Cơ sở hạt nhân Natanz tại Iran. Ảnh: AFP/TTXVN

* Mỹ xem xét lại thời hạn rút binh sĩ khỏi Afghanistan

Một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng tại Hạ viện Mỹ thúc giục chính quyền Tổng thống Joe Biden đảm bảo rằng nếu nối lại đàm phán với Iran cần giải quyết cả các nội dung khác ngoài chương trình hạt nhân của nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trong một bức thư chung gửi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 9/3, nhóm 140 nghị sĩ nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán cũng cần giải quyết các vấn đề khác như chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, sự ủng hộ của nước này đối với các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực cũng như hoạt động mạng của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Bức thư trên do các hạ nghị sĩ Dân chủ bang Maryland Anthony Brown và Hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Florida Tim Waltz dẫn đầu, với sự tham gia của 70 nghị sĩ đảng Dân chủ và 70 nghị sĩ Đảng Cộng hòa.

Bức thư được gửi tới Ngoại trưởng Mỹ trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden bày tỏ sẵn sàng đàm phán với Iran về việc tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng với Đức).

Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận trên và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Để đáp trả, Iran đã từng bước xa rời các cam kết của nước này trong thỏa thuận liên quan việc dự trữ và làm giàu urani.

Tổng thống đương nhiệm Mỹ Biden cho biết Washington sẽ tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân nếu Iran trở lại tuân thủ đầy đủ, song Iran yêu cầu Mỹ trước hết phải bãi bỏ các biện pháp trừng phạt.

Washington cho rằng chương trình hạt nhân của Tehran là mối đe dọa hàng đầu cần được giải quyết trước tiên. Tổng thống Biden cho biết một khi thỏa thuận hạt nhân hiện tại được bảo đảm, Mỹ sẽ tìm kiếm một thỏa thuận "lâu dài và mạnh mẽ hơn" nhằm thắt chặt hơn nữa các ràng buộc hạt nhân và giải quyết các hành động liên quan khác của Iran.

Tháng 12 vừa qua, 150 thành viên Đảng Dân chủ thúc giục Tổng thống Biden nhanh chóng tham gia trở lại JCPOA. Tuy nhiên, tháng 2 vừa qua, 120 thành viên đảng Cộng hòa khuyến cáo không tham gia trở lại thỏa thuận này nếu không có thay đổi đáng kể.

Trong khi đó, ngày 9/3, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo đưa 2 quan chức thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách trừng phạt với cáo buộc các quan chức này "liên quan các hành động vi phạm quyền con người" trong các cuộc biểu tình ở Iran năm 2019 và 2020.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết 2 quan chức phụ trách công việc thẩm vấn của IRGC - gồm Ali Hemmatian và Masoud Safdari - cùng các thành viên gia đình của 2 nhân vật này sẽ không được phép nhập cảnh vào Mỹ.

Giới quan sát lưu ý đây là động thái trừng phạt đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden áp đặt với Iran.

* Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez ngày 9/3 cho biết thời hạn rút quân đội nước này khỏi Afghanistan vào ngày 1/5 tới có thể sẽ được xem xét lại do Taliban không đáp ứng được những cam kết đưa ra theo thỏa thuận hòa bình năm 2020.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu trước báo giới, Thượng nghị sĩ Menendez bày tỏ lo ngại về tiến trình hòa bình ở Afghanistan và cho rằng Taliban “rõ ràng không tuân thủ” mọi cam kết mà lực lượng này đã đưa ra.

Thượng nghị sĩ Menendez khẳng định: “Nếu Taliban được xác nhận là không đáp ứng được những cam kết của họ, điều mà cá nhân tôi tin rằng họ không thực hiện, thì chúng ta có thể sẽ phải xem xét lại thời hạn rút quân vào ngày 1/5”.

Hôm 7/3, Chính phủ Mỹ khẳng định vẫn để ngỏ toàn bộ các phương án liên quan 2.500 binh sĩ đang đồn trú tại Afghanistan.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi giảm bạo lực trong 90 ngày ở Afghanistan, một nỗ lực hòa bình mới do Liên hợp quốc chủ trì, đồng thời cảnh báo Mỹ đang cân nhắc rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan vào ngày 1/5 cùng với các biện pháp khác.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình đã bị đình trệ trước ngày 1/5 khi 2.500 binh sĩ cuối cùng của quân đội Mỹ phải rời khỏi Afghanistan theo thỏa thuận đạt được giữa Taliban và chính quyền khi đó của Tổng thống Donald Trump hồi năm ngoái.

Sau khi nhậm chức vào tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu xem xét lại chính sách đối với Afghanistan, trong đó có thỏa thuận hòa bình đạt được giữa Taliban với chính quyền tiền nhiệm.

Theo thỏa thuận này, tất cả lực lượng Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan trước tháng 5. Tuy nhiên, Washington đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi mà hạn chót đang đến gần nhưng Taliban không có dấu hiệu chấm dứt bạo lực tại Afghanistan.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/253152/nhom-nghi-si-my-keu-goi-thuc-hien-cach-tiep-can-toan-dien-doi-voi-iran.html