Nhóm Thứ sáu - những người kiến tạo đổi mới

Hàng loạt công trình nghiên cứu, bài báo... của các chuyên gia Nhóm Thứ sáu đã góp phần định hình nhiều chính sách kinh tế của nhà nước

Buổi sáng một ngày cuối tháng 4-2025, tôi có dịp gặp lại một số thành viên Nhóm Thứ sáu - tiền thân là Nhóm Nghiên cứu kinh tế chuyên đề quận 5 của Công ty Cholimex. Đây là nhóm quy tụ nhiều chuyên gia kinh tế, từng tạo ảnh hưởng lớn với hàng loạt đề án, công trình nghiên cứu.

Trăn trở, khát khao

Nhà báo Trần Trọng Thức, một thành viên Nhóm Thứ sáu, đúc kết: "Giá trị đóng góp của nhóm chúng tôi là tháo gỡ những bức bách, góp phần vào công cuộc đổi mới, đi trước thời cuộc và được nhà nước áp dụng lúc bấy giờ".

Ông Trần Trọng Thức cho biết những năm đầu tiên sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, qua 2 đợt cải tạo, tiềm lực kinh tế của TP HCM gần như kiệt quệ. Những năm ấy, nền kinh tế vận hành theo quán tính, "như chiếc xe ngày càng cạn nhiên liệu". Đó là quãng thời gian mà lần đầu tiên, người dân thành phố biết thế nào là ăn độn…

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và 2 chuyên gia Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn trong một chuyến đi khảo sát tại Tây Nguyên .Ảnh: TƯ LIỆU

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và 2 chuyên gia Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn trong một chuyến đi khảo sát tại Tây Nguyên .Ảnh: TƯ LIỆU

Trong bối cảnh đó, mô hình công ty xuất nhập khẩu trực dụng được lãnh đạo TP HCM cho phép ra đời, mà quận 5 là địa phương tiên phong với Công ty Cholimex. Đây được xem là một hướng đi nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt.

Phương án của Cholimex là huy động những đồng vốn tản mát trong dân dưới hình thức cổ phần. Công ty tận dụng các mối quan hệ với những nhà kinh doanh để xuất khẩu các loại nông sản, hải sản, rồi nhập vật tư, nguyên liệu cung ứng cho các cơ sở sản xuất.

Tại Cholimex lúc ấy, ông Phan Chánh Dưỡng được giao phụ trách Phòng Kế hoạch. Ông nhận thấy rằng cần phải thu hút chất xám từ những người có kiến thức chuyên môn để bổ khuyết những hạn chế nhằm thực hiện nhiệm vụ mình được giao.

Từ đó, Cholimex trở thành nơi hội tụ của những trí thức thuộc nhiều nguồn, đa phần từng tham gia bộ máy chính quyền cũ. Thời kỳ đầu, nhóm có hơn 20 chuyên viên, mở ra một quá trình gắn bó mọi người qua nhiều thời kỳ với những tên gọi khác nhau, mà đầu tiên là "Nhóm Chuyên gia Cholimex".

Theo nhà báo Trần Trọng Thức, năm 1986, một hôm, ông Võ Trần Chí, Bí thư Thành ủy TP HCM, hỏi thăm về Cholimex và các chuyên gia đang sinh hoạt ở công ty. Từ đề xuất của ông Phan Chánh Dưỡng, ông Võ Trần Chí đồng ý để các chuyên gia này nghiên cứu những chuyên đề kinh tế, với văn bản xác nhận đây là "Nhóm Nghiên cứu kinh tế chuyên đề", gồm các ông Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước và Huỳnh Bửu Sơn - 3 người đang thuộc biên chế nhà nước lúc ấy.

Bắt đầu từ đó, nhóm chuyên gia sinh hoạt định kỳ hằng tuần tại Cholimex vào các ngày thứ hai, tư, sáu và hướng đến những chủ đề cụ thể. Đây chính là quãng thời gian nhóm cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu bài bản về giá - lương - tiền, phát triển ngoại thương, cải tổ ngân hàng, về kinh tế vùng, đầu tư hay khu chế xuất…

"Nhóm chúng tôi ra đời với mục đích góp phần giải quyết những đòi hỏi bức bách ở thành phố lúc bấy giờ, góp phần hình thành tư duy đổi mới trong công cuộc đổi mới" - nhà báo Trần Trọng Thức nhớ lại.

Trong thư gửi Nhóm Thứ sáu vào tháng 11-2001 nhân kỷ niệm 15 năm thành lập, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhìn nhận: "Tôi đánh giá cao những ý kiến đóng góp của anh em về nhiều lĩnh vực suốt hơn 15 năm qua, không phải vì tất cả ý kiến đó đều mới mẻ, đúng đắn, khả thi. Có ý kiến, xét trên quan điểm tổng thể tầm quốc gia, chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tình hình nước ta. Có ý kiến cùng gặp nhau với kết quả nghiên cứu, đề xuất của những cơ quan, cá nhân khác. Nhưng tất cả đều xuất phát từ mong mỏi khát khao đưa đất nước vượt lên. Hơn nữa, đều là kết quả của cả một quá trình lao động trí tuệ, công sức, trong khi cuộc sống và công việc thường nhật của mỗi anh em còn không ít khó khăn".

"Không" mà "có"

Nhóm Nghiên cứu kinh tế chuyên đề ban đầu chỉ có 3 thành viên (Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, Huỳnh Bửu Sơn), sau đó quy tụ 24 người, bao gồm thêm các ông: Lâm Võ Hoàng, Phan Tường Vân, Hồ Xích Tú, Nguyễn Thanh Bạch, Đỗ Nguyên Dũng, Trần Trọng Thức, Mai Kim Đỉnh... Họ sinh hoạt vào tối thứ sáu hằng tuần nên được gọi là Nhóm Thứ sáu.

Nhiều lãnh đạo TP HCM lúc bấy giờ đã đến dự các buổi sinh hoạt của Nhóm Thứ sáu, nghe họ trao đổi rồi cùng chuyện trò. Nhờ không khí cởi mở này mà các chuyên gia mạnh dạn đề xuất nhiều ý kiến sáng tạo để giải quyết những khó khăn của nền kinh tế lúc bấy giờ.

Nhiều công trình nghiên cứu bài bản của Nhóm Thứ sáu đã góp phần vào việc định hình chính sách của nhà nước. Chẳng hạn, đề tài nghiên cứu về giá - lương - tiền của nhóm theo yêu cầu của lãnh đạo TP HCM từ năm 1986 mang tên "Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế", hoàn tất vào tháng 3-1987, đã gây được tiếng vang qua thuyết trình của các chuyên gia Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, Huỳnh Bửu Sơn trước 30 cán bộ cấp cao do ông Võ Văn Kiệt tổ chức.

Một vấn đề khác là hoạt động thiếu hiệu quả của hệ thống ngân hàng thời kế hoạch hóa tập trung cũng được Nhóm Thứ sáu nghiên cứu. Nhà báo Trần Trọng Thức cho hay đề tài do 2 ông Huỳnh Bửu Sơn và Lâm Võ Hoàng - những người có kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm trong lĩnh vực này - chủ trì, về sự bất hợp lý trong việc điều hành chính sách tiền tệ, đồng thời đề xuất cơ chế hoạt động cho ngân hàng theo hướng kinh tế thị trường, cũng rất được Chính phủ quan tâm.

Nhóm Thứ sáu từng đề nghị bỏ tình trạng "ngăn sông cấm chợ" vốn gây nhiều ách tắc trong lưu thông hàng hóa trên cả nước. Ngay lập tức, tình trạng này được Chính phủ vào cuộc tháo gỡ.

Năm 1988, khi Chính phủ soạn thảo Pháp lệnh Ngân hàng, ông Lâm Võ Hoàng và ông Huỳnh Bửu Sơn được mời tham gia. Pháp lệnh này đã góp phần đáng kể cho việc ra đời của Luật Ngân hàng. Từ năm 1993, Nhóm Thứ sáu tập trung giới thiệu, cổ vũ những cải cách, đề xuất các hướng tháo gỡ, ủng hộ đường lối đổi mới với hàng trăm bài báo. Cũng trong năm này, các ông Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Bá Tước được mời tham gia tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt…

Nhóm Thứ sáu có rất nhiều cái "không": Không giấy phép thành lập, không cơ quan chủ quản, không nội quy điều lệ, không trụ sở, không ai lãnh đạo ai, không vụ lợi, không ràng buộc, không lương... Song, nhóm đã tạo nên nhiều cái "có": Có chuyện để bàn bạc, có tấm lòng, có dịp gắn bó với nhau suốt nhiều năm của những người day dứt với tình hình đất nước đang chuyển biến từng ngày…

Nhắc đến Nhóm Thứ sáu, "em út" của nhóm là chuyên gia Lê Trọng Nhi không giấu được sự xúc động. Theo ông, những đóng góp, đề xuất của các thành viên Nhóm Thứ sáu lúc bấy giờ đều xuất phát từ mong mỏi góp phần thúc đẩy sự đổi mới, đưa kinh tế TP HCM và cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn, trì trệ. "Mỗi người có một tính cách khác nhau nhưng tất cả đều trăn trở trước hiện trạng của nền kinh tế TP HCM và nước ta sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" - ông nhìn nhận.

Chuyên gia Lê Trọng Nhi, người “em út” của Nhóm Thứ sáu, hồi tưởng về những hoạt động gần 40 năm trước.Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Nhà báo Trần Trọng Thức cho biết đến bây giờ, những thành viên còn lại của Nhóm Thứ sáu thỉnh thoảng vẫn gặp nhau để chia sẻ, gợi lại chuyện năm nào. Họ đã góp phần "gieo hạt", định hướng, truyền đạt các kiến thức cơ bản về kinh tế thị trường - lúc bấy giờ còn rất mới mẻ - qua nhiều bài báo. Những năm đầu thập niên 1990, họ là những cây bút chủ lực về kinh tế thị trường trên nhiều báo, tạp chí...

Trong sáng, tâm huyết

Theo Tổng Giám đốc Deutsche Bank Việt Nam Huỳnh Bửu Quang, cha ông - chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn - và các thành viên Nhóm Thứ sáu là những người luôn đau đáu về tình hình kinh tế của đất nước. "Họ lập nhóm rồi đóng góp những nghiên cứu, mô hình, đề xuất trong giai đoạn khó khăn của TP HCM và đất nước với tâm thế trong sáng, hoàn toàn không vụ lợi bằng tất cả tâm huyết của mình" - ông thán phục.

Hằng tuần, khi các thành viên Nhóm Thứ sáu gặp nhau trao đổi, thảo luận, ông Quang may mắn được vài lần cùng tham dự, lắng nghe. Ông cảm kích: "Khi học xong đại học và ra trường, đi làm trong ngành ngân hàng, tôi và ba cũng thường trao đổi về kinh tế vĩ mô, về cách vận hành của hệ thống ngân hàng. Tôi đã học được nhiều điều từ góc nhìn của ba".

LINH ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhom-thu-sau-nhung-nguoi-kien-tao-doi-moi-196250428204148959.htm