Nhộn nhịp những chuyến hàng xuất nhập khẩu đầu năm mới

Những chuyến hàng xuất nhập khẩu 'xông đất' đầu năm mới Ất Tỵ là tín hiệu tích cực, kỳ vọng về một năm bội thu của hoạt động ngoại thương.

Tưng bừng xuất nhập khẩu đầu năm

Sau ba ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngày 31/1/2025 (tức mồng 3 Tết Ất Tỵ), 752 tấn hàng hóa là thủy, hải sản và hoa quả đã có đăng ký trước được xuất khẩu, thông quan trở lại thuận lợi, nhanh chóng qua cửa khẩu Bắc Luân 2 sang thị trường Trung Quốc.

Để tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu, trong dịp Tết Nguyên đán 2025, lực lượng chức năng khối cửa khẩu đã bố trí cán bộ trực, làm việc, bảo đảm thực hiện làm thủ tục nhanh, thuận lợi nhất phục vụ cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa và các hoạt động qua lại biên giới diễn ra an toàn, thông suốt. Cùng với đó, hoạt động xuất nhập cảnh, lực lượng chức năng hai bên làm việc xuyên Tết, phục vụ nhu cầu của người dân và du khách tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Việt Nam)-Đông Hưng (Trung Quốc).

Tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai, Việt Nam) - Bắc Sơn (Trung Quốc), hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra bình thường suốt Tết Nguyên đán. Ngay ngày đầu tiên của năm mới, có gần 200 tấn hoa quả của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, trị giá hàng hóa hơn 100.000 USD. Trái cây xuất khẩu chủ yếu là thanh long, chôm chôm, xoài, dưa hấu do nhu cầu thị trường Trung Quốc tăng mạnh trong dịp Tết. Những ngày qua, ước tính, mỗi ngày có khoảng 200 đến 350 xe. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu vẫn là các mặt hàng truyền thống gồm: Thanh long, dưa hấu, chuối, mít, chôm chôm… Hàng nhập khẩu chủ yếu là than cốc, phân bón, rau củ, quả…

Xuất nhập khẩu đón nhiều tin vui đầu năm (Ảnh: Cấn Dũng)

Xuất nhập khẩu đón nhiều tin vui đầu năm (Ảnh: Cấn Dũng)

Cùng với không khí sôi động tại các cửa khẩu, ngày 31/1 (mùng 3 Tết Ất Tỵ), tại Cảng biển Cái Lân, Công ty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh đón liên tiếp 2 tàu vào làm hàng là tàu Sendai Spirit chở 38.000 tấn dăm gỗ xuất khẩu và tàu Oriental Breeze chở 35.000 tấn dăm gỗ xuất khẩu.

Ngay sau khi các tàu cập cảng, Cảng Quảng Ninh đã bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị để bốc xếp hàng hóa nhằm giải phóng tàu trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, ngày 29/1 (mùng 1 Tết), cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đón 6 chuyến tàu container chở hàng hóa cập cảng.

Các tàu đến từ nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó, tàu EVER MEMO (quốc tịch Singapore) là tàu rất lớn với chiều dài 366m, trọng tải lên tới 16.285 TEU cập cảng.

Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, trong 2 ngày 29 tháng chạp và mùng 1 Tết, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đón 13 chuyến tàu container, với sự góp mặt của nhiều tàu lớn từ các quốc gia và khu vực trên thế giới.

Các tàu này chủ yếu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu. Trong kỳ nghỉ lễ, tại các cảng vẫn duy trì chế độ trực ca của lực lượng Hải quan, người lao động, đảm bảo các hoạt động khai thác cảng, làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu không bị gián đoạn.

Tại TP. Hồ Chí Minh, ngay trong đêm giao thừa, Cảng Cát Lái đón 7 chuyến tàu container làm hàng, tổng sản lượng xếp dỡ gần 10.000 Teus (tương đương 140 nghìn tấn hàng). Trong tuần đầu Tết Nguyên đán, cảng Cát Lái dự kiến đón 76 chuyến tàu làm hàng, sản lượng thông qua 110 nghìn Teus, tương đương hơn 1,5 triệu tấn hàng hóa (tăng 9 % so với cùng kỳ lễ năm 2024).

Kỳ vọng một năm bội thu

Xuất nhập khẩu đã trở thành điểm sáng của năm 2024 khi kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt hơn 786,28 tỷ USD tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023. Hoạt động xuất nhập khẩu đã chính thức xác lập kỷ lục mới (kỷ lục trước đây đạt hơn 730 tỷ USD vào năm 2022) – theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại nhận định, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 dự báo sẽ gặp nhiều thuận lợi bởi tình hình kinh tế thế giới khả quan hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất. Vấn đề hàng tồn kho cao tại các thị trường đang dần được khắc phục, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chủ lực đã gặp những khó khăn trong năm 2023 như EU và Hoa Kỳ.

Ở trong nước, Chính phủ đã vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế. Với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã sớm nhận diện những khó khăn, rủi ro từ các thị trường xuất khẩu để tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, công tác phòng vệ thương mại được triển khai kịp thời, đã và đang mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp với năng lực ngày càng được nâng cao đã có sự chủ động thích ứng tốt hơn với một thị trường biến động nhanh, khó lường.

Trong bối cảnh đó, năm 2025, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, năm 2025, các đơn vị của Bộ Công Thương sẽ chú trọng công tác thông tin thị trường nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các hiệp hội và doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đẩy mạnh xuất nhập khẩu đối với các thị trường mới. Đồng thời, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số nhằm đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; chú trọng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

“Bộ cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển hoạt động thương mại biên giới bền vững thông qua thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch, điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Về phía Chính phủ, ngày 16/1/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 140/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 351.500 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải khoảng 72.800 tỷ đồng và vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 278.700 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).

Quyết định này cho thấy, hệ thống giao thống kết nối và hạ tầng cảng biển ngày càng được tập trung chú trọng, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2024. Đây được đánh giá là mục tiêu rất thách thức nhưng cũng có nhiều khả năng có thể đạt được.

Lan Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhon-nhip-nhung-chuyen-hang-xuat-nhap-khau-dau-nam-moi-371796.html