Nhu cầu lao động biết tiếng Trung tăng mạnh
Nhu cầu tuyển dụng lao động trong ngành sản xuất và lao động biết tiếng Trung tăng đột biến giữa lúc chiến tranh thương mại chưa có dấu hiệu kết thúc.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc CNCTech chuyên sản xuất khuôn mẫu chính xác, cho hay, CNCTech đã đón nhận nhiều đơn hàng mới của khách hàng Mỹ, châu Âu, thay vì khách hàng Nhật như trước đây. Sự dịch chuyển đơn hàng này, theo ông Hùng là do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
CNCTech dự định sẽ xây thêm một nhà máy nữa và tuyển dụng khoảng 500 lao động, trong đó khoảng 100 lao động trình độ cao, trong vòng 6 tháng tới để đáp ứng nhu cầu gia tăng đột biến này. Song, tới nay, CNCTech mới chỉ tuyển dụng được 150 lao động.
“Tuyển dụng nhân lực giờ đang rất khó”, ông Hùng thừa nhận. Bởi CNCTech không chỉ cạnh tranh với doanh nghiệp FDI đổ vào Việt Nam mà cạnh tranh với cả doanh nghiệp trong nước có quy mô lớn hơn, cũng đang có nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất.
Sự dịch chuyển dòng vốn FDI, cũng như đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam dưới tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang khiến tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực trở nên căng thẳng hơn.
Theo phân tích của VietnamWorks, website chuyên tuyển dụng tại Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng lao động trong ngành sản xuất đang có dấu hiệu tăng cao. Chỉ trong quí 1/2019, nhu cầu tuyển dụng lao động trong lĩnh vực sản xuất/chế biến tăng gần 20%, cao hơn rất nhiều so với con số tăng trưởng bình quân khoảng 10% trong 3 năm qua.
Trả lời TBKTSG Online, bà Nguyễn Phương Mai, giám đốc điều hành Navigos Search cho hay, từ quí 4/2018, các công ty FDI trong lĩnh vực sản xuất điện tử đã có kế hoạch dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, rất nhiều trong số đó đã bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2019 và có kế hoạch tăng sản lượng.
Theo VietnamWorks, số lượng tuyển dụng lao động biết tiếng Trung trên website này trong 5 tháng đầu năm 2019 đã tăng 33% so với cùng kỳ.
Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại các ngành như công nghiệp hỗ trợ, chế biến gỗ nội thất và bất động sản. Thậm chí, rất nhiều nhà máy trong ngành chế biến gỗ có kế hoạch tăng quy mô sản xuất lên gấp 2 tới 3 lần, theo lãnh đạo Navigos Search.
Ông Trần Lê Huy, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định xác nhận, doanh nghiệp từ Trung Quốc dịch chuyển đầu tư sang ngành chế biến gỗ tại Việt Nam khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn tuyển dụng lao động.
Hơn nữa, nhu cầu tuyển dụng lao động biết tiếng Trung cũng tăng mạnh. Điều này cho thấy tác động từ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của Trung Quốc sang Việt Nam. Theo VietnamWorks, số lượng tuyển dụng lao động biết tiếng Trung trên website này trong 5 tháng đầu năm 2019 đã tăng 33% so với cùng kỳ.
Bà Nguyễn Phương Mai cho rằng, dòng vốn dịch chuyển mới sang Việt Nam, một mặt sẽ giúp người lao động có cơ hội làm việc tại các công ty đa quốc gia với môi trường làm việc chuyên nghiệp và tư duy toàn cầu.
Vũ Dung