Nhu cầu nông sản cao từ thị trường Iran mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Mặc dù thương mại song phương giữa Việt Nam - Iran hiện chỉ đạt khoảng 100 triệu USD/năm, nhưng với dung lượng nhập khẩu 10 tỷ USD nông sản mỗi năm, Iran vẫn là thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt khai thác.
Theo số liệu của Hải quan Iran, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này trong năm 2021 (tính theo lịch Iran, bắt đầu từ ngày 20/3/2021 đến ngày 21/12/ 2021 và không bao gồm xuất khẩu dầu thô) đạt trị giá 72,1 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu của nước này đạt 37 tỷ USD.
Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu các loại nông sản như hạt tiêu, hạt điều, cà phê, thủy sản… Bên cạnh đó còn có một số mặt hàng nông sản khác như cao su tự nhiên, rau củ quả, giày dép… Ở chiều ngược lại. Việt Nam nhập khẩu từ Iran các mặt hàng chính như sản phẩm chất dẻo, dầu mỏ, cao su, kim loại thường…
Iran có quy mô tiêu dùng lớn với dân số 86 triệu người và quy mô nền kinh tế đứng thứ 18 trên thế giới. Ngoài ra, thị trường Iran còn được coi là cửa ngõ xâm nhập vào thị trường Trung Đông (thị trường có quy mô dân số hơn 300 triệu người). Nhìn chung, Iran không phải là một thị trường có trao đổi thương mại lớn với Việt Nam, chỉ khoảng 100 triệu USD/năm. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể, đây vẫn là thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp Việt chưa kịp khai thác, đặc biệt đối với hàng hóa nông sản.
Iran cũng là nước sản xuất nông sản với khoảng 125 triệu tấn/năm, trong đó 8,8 triệu tấn xuất khẩu còn lại cho tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu nông sản của thị trường này vẫn còn rất lớn do địa hình của Iran không phù hợp để trồng trọt (52% địa hình của Iran là đồi núi, cao nguyên). Mặt khác, thị trường Iran cũng ưa chuộng các loại quả nhiệt đới, vốn là các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam như chuối, dứa và xoài…
Theo thống kê, người dân Iran sẽ tiêu thụ trung bình khoảng 120 kg hoa quả/năm. Mỗi năm, thị trường này có nhu cầu nhập khẩu khoảng 10 tỷ USD hàng hóa nông sản, trong đó, nhập khẩu hoa quả nhiệt đới đạt 700 triệu USD, tương đương khoảng 470.000 tấn.
Trong khi đó, Việt Nam và Iran đã ký một số thỏa thuận hợp tác như “Thỏa thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật”, Hiệp định về thương mại (trong đó có điều khoản MFN) và lập Ủy ban hỗn hợp, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư…
Ngày 1/4, Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Iran do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Iran tổ chức nhằm đánh giá và chia sẻ về cơ hội xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường nhiều tiềm năng này.
Bà Nguyễn Thị Hiền Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lâm Thành Hưng, cho biết: “Nếu làm thị trường tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu thanh long, chanh leo, ổi, đu đủ… sang thị trường Iran”. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm sống ở Iran nhiều năm, bà đánh giá cao việc tiếp cận cà phê và chè Việt Nam tại thị trường này, vì người Iran có văn hóa uống chè và cà phê hằng ngày.
Ngoài ra, nông sản Việt còn có nhiều cơ hội tại thị trường Iran khi các mặt nông sản sản xuất giữa hai nước không có sự tương đồng, sản phẩm Việt không chịu sự cạnh tranh lớn.
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Iran sản phẩm cà phê đạt 17 triệu USD; hạt tiêu đạt 14 triệu USD; chè đạt 7 triệu USD. Con số này so với các thị trường khác là chưa cao, nhưng nếu so với kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt Nam - Iran thì đây là con số tương đối lớn.
Bên cạnh những cơ hội, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn và thách thức. Đầu tiên là vấn đề về phương thức thanh toán. Điều này xuất phát từ việc Iran bị cấm vận trong nhiều năm qua. Ngân hàng của quốc gia này bị ngắt kết nối hoàn toàn với hệ thống thanh toán ngân hàng Swif, cấm giao dịch bằng đồng USD từ phía Hoa Kỳ và các nước phương tây.
Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Iran, ông Nguyễn Thành Long, doanh nghiệp xuất khẩu sang Iran có thể sử dụng một trong ba phương thức thanh toán, bao gồm TT, DP và LC. TT được biết đến là phương thức thanh toán phổ biến nhất, bởi tính đơn giản và ít thủ tục. Theo đó, người bán có thể thỏa thuận với người mua giao tiền trước, khoảng 20-30%.
DP được biết đến là phương thức trả tiền nhận chứng từ. Phương thức này làm giảm rủi ro của người bán. Cụ thể, người bán sẽ gửi hàng chứng từ đến ngân hàng người mua. Ngân hàng sẽ chỉ giao chứng từ khi phía người bán giao đủ tiền hàng.
Phương thức thứ 3 là phương thức LC, đây cũng được coi là phương thức an toàn nhất. Tuy nhiên do thủ tục chậm, phức tạp nên cũng không được sử dụng phổ biến.
Ngoài ra, thuế xuất khẩu sang Iran mang tính không ổn định. Nguyên nhân bởi điều này phụ thuộc vào từng thời điểm sản xuất nông sản của Iran. Có thời điểm thuế nhập khẩu rất cao do vào vụ thu hoạch nông sản, có thời điểm thuế lại ở mức thấp hoặc được dỡ bỏ do thị trường này thiếu hụt hàng hóa, cần hàng cung cấp cho thị trường.
Mặt khác nhu cầu nhập khẩu của Iran cũng không ổn định. Giữa năm 2021, Ủy ban Nông nghiệp Quốc hội Iran đã ban hành lệnh nhập khẩu khẩn cấp 120.000 tấn thịt gà để đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và bình ổn giá.
Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu sang Iran cũng cần lưu ý đến các quy định, quy chuẩn của thị trường này. Trong đó, Iran là một đất nước Hồi giáo, cho nên nước này sẽ không nhập khẩu mặt hàng thịt lợn. Song song với đó, các thực phẩm xuất sang nước này cần đạt chuẩn chứng chỉ Halal.
Thực phẩm Halal là thực phẩm người Hồi giáo được phép ăn uống hoặc sử dụng và người Hồi giáo chỉ sử dụng các sản phẩm theo quy chuẩn Halal.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần đảm bảo quy định trước khi nhập khẩu vào quốc gia như quy định ISO, HACCP, Phyto, Health Certificate…