Như tận thế - Italy hoang vắng trong ngày đầu phong tỏa cả nước
Cuộc sống của người dân Italy bị đảo lộn sau lệnh phong tỏa toàn quốc của chính phủ, nhưng nhiều người vẫn duy trì thói quen ôm hôn như không có chuyện gì xảy ra.
Các địa điểm du lịch nổi tiếng bị đóng cửa, những đám đông thường nắm chặt tay nhau trong những quán bar sôi động trước đây biến thành những người lo lắng đứng xếp hàng bên ngoài một cửa hàng ở Italy, sau khi chính phủ áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, nhằm hạn chế sự lây lan của virus trong ổ dịch nguy hiểm nhất bên ngoài Trung Quốc, CNN cho biết.
Có một sự hỗn loạn nhất định trong ngày đầu tiên áp dụng lệnh phong tỏa trên khắp cả nước, bao gồm cấm tất cả sự kiện công cộng, đóng cửa trường học, khu vực công cộng, bao gồm bảo tàng, rạp chiếu phim, đình chỉ các hoạt động tôn giáo, gồm đám tang và đám cưới.
Quảng trường Thánh Peter tại Tòa thánh Vatican đã đóng cửa với du khách từ ngày 10/3. Giáo hoàng đã hủy tất cả lịch trình vì ốm nhẹ, nhưng ông yêu cầu các linh mục đến thăm những người bị ảnh hưởng bởi virus corona trong một buổi livestream hàng ngày từ nơi ở của giáo hoàng.
Sống như thời chiến
Lydia Carelli, thực tập sinh 26 tuổi tại Tòa án tối cao Italy ở Rome, nói với CNN: “Đây là tình huống kỳ lạ nhất mà tôi từng trải qua, những hạn chế này tương tự như thời chiến tranh”. Cô cho biết muốn trở về nhà ở Naples, nhưng không muốn mang theo bất kỳ rủi ro nào trong trường hợp cô đã tiếp xúc với virus.
“Mọi người cần phải làm phần việc của mình. Tôi nghĩ tất cả những điều này là cần thiết, mọi người cần tuân theo lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus. Thật đáng kinh ngạc khi nghĩ rằng những thói quen từ một nơi có thể tác động đến toàn cầu. Khi chúng ta kết thúc thời kỳ phong tỏa này, chúng ta thực sự cần phải nghĩ lại về lối sống của mình”, Carelli nói.
Adrian Toll, một du khách Anh đang du lịch ở Rome, nói với CNN rằng các điểm du lịch chính đều vắng khách. “Tất cả quảng trường, nhà hàng hoàn toàn vắng vẻ, không có ai xung quanh. Tôi cảm thấy họ, người Italy thực sự đang vật lộn với dịch bệnh”.
Giờ giới nghiêm bắt đầu lúc 18h và có hiệu lực từ ngày 10/3, các nhà hàng, quán bar thường làm cho thành phố trở nên sôi động vào buổi tối đã bị đóng cửa. Chỉ có một vài chiếc xe buýt chạy dọc theo các tuyến đường thông thường của họ.
Cảnh sát xuất hiện khi mọi người được nhìn thấy đi bộ dọc theo đường phố, một số đi đến siêu thị, vẫn mở cửa cho nhu cầu hàng ngày của mọi người. Ứng dụng giao đồ ăn Deliveryoo đã gửi tin nhắn tới những người đã đăng ký dịch vụ của họ với tiêu đề “hãy ở nhà, Deliveryoo vẫn hoạt động.
Họ giải thích rằng sẽ tiếp tục giao đồ ăn từ một số nhà hàng sau giờ giới nghiêm. Một ứng dụng trực tuyến khác là Just Eat cũng xuất hiện để nhận đơn hàng từ các nhà hàng trong chuỗi liên kết của họ.
Việc di chuyển trên khắp đất nước chỉ được phép vì lý do kinh doanh hoặc sức khỏe. Cảnh sát sẽ kiểm tra thường xuyên trên đường cao tốc và xe lửa. Các sân bay vẫn mở, nhưng một số hãng hàng không đã hủy chuyến bay đến Italy.
Việc phong tỏa cả nước được đưa ra sau một ngày hỗn loạn với các cuộc bạo loạn tại 22 nhà tù trên khắp cả nước, khiến 11 tù nhân bị giết, 50 tù nhân trốn thoát. Châu Âu cũng đang áp dụng một số biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Thói quen ôm hôn làm virus lây nhanh
Filomena Gasparri, 82 tuổi, sống ở vùng núi Abruzzo, phía đông Rome, nói với CNN rằng mọi người đều cảm thấy căng thẳng. “Tôi đã sống trong Thế chiến II, lúc đó tôi là một cô gái, nhưng tình huống này thực sự gây sốc cho tôi, vì tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này. Tôi lo lắng vì không biết khi nào điều này sẽ kết thúc. Bạn không được tự do làm bất cứ điều gì bạn muốn, bạn cảm thấy như một người ẩn dật”.
Theo bà Emidio, 86 tuổi, chồng của bà nói rằng việc áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc là cần thiết, bao gồm việc đóng cửa khu nghỉ mát trượt tuyết ở thị trấn Rivisondoli, nơi họ ở.
“Thật tốt khi chính phủ đóng cửa khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở đây vì nó trở nên hỗn loạn. Phần lớn mọi người hành động không đúng đắn. Họ tìm kiếm nơi trú ẩn ở đây, vì nghĩ rằng virus corona sẽ không bao giờ đến vùng núi”, ông Emidio nói.
Một số người trẻ nói rằng họ sẽ ổn, đây chỉ là căn bệnh của những người già, nhưng nó không phải theo cách như vậy. Ông cho biết virus sẽ tiếp tục lây lan, vì những người tiếp tục “ôm và hôn và sống như thể không có chuyện gì xảy ra".
Italy đã xác nhận hơn 10.000 ca nhiễm Covid-19 và hơn 600 trường hợp tử vong, đứng thứ 2 sau Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát. Thủ tướng Giuseppe Conte tuyên bố trong một cuộc họp báo vào tối 9/3, rằng “vùng đỏ” đang mở rộng từ phía bắc đến toàn bộ đất nước.
Ở miền bắc Italy, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Lombardy đã phải vật lột để chiến đấu với virus. Ông Antonio Pesenti, điều phối viên chăm sóc sức khỏe khu vực cảnh báo rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe của khu vực đang trên bờ vực sụp đổ.
Trên khắp Italy, nhiều người lo ngại virus sẽ lây lan xuống phía nam, nơi mọi thứ không hoạt động tốt. Chính phủ nên hành động sớm hơn để xây dựng bệnh viện. Alex Roggero, một nhiếp ảnh gia đang mắc kẹt ở Sestri Levante, miền bắc Italy, nói: “Châu Âu chưa chuẩn bị... Chúng tôi không thể thực hiện các biện pháp hà khắc mà Trung Quốc đã làm”.
Các chủ doanh nghiệp đang áp đặt nhiều quy tắc trong nỗ lực tuân thủ yêu cầu của chính phủ về khoảng cách tối thiểu 1 mét giữa những người nơi công cộng. Biagio Manca, 25 tuổi, người phục vụ ở Rome, đã di chuyển các bàn cách nhau 1 mét, nhưng cho biết rất ít khách.
Anh ta mô tả nó như “ngày tận thế”, nhưng cho biết anh tôn trọng các quy tắc. Một số siêu thị và hiệu thuốc chỉ cho phép một số lượng nhỏ khách tại một thời điểm để duy trì đủ không gian giữa họ.