Nhức nhối vấn nạn trẻ em mưu sinh ở các 'điểm nóng' du lịch vùng cao
Hình ảnh trẻ em ở Sa Pa mặc trang phục dân tộc, nhảy múa sexy bắt chước trào lưu để xin tiền tại khu vực trung tâm đang khiến cộng đồng 'dậy sóng,' mặc dù 'vấn nạn' này không hề mới.

Hiện có tới 731,6 nghìn trẻ em trên cả nước đang tham gia vào các hoạt động lao động. (Nguồn: TTXVN)
Không khó để bắt gặp cảnh những đứa trẻ “mặt búng ra sữa” nhưng đã rất thuần thục đeo bám khách nhằm bán hàng tại nhiều “điểm nóng” du lịch, thậm chí nhảy múa sexy lôi kéo hiếu kỳ của du khách rồi xin tiền… như sự việc ở Sa Pa (Lào Cai) đang gây bức xúc dư luận những ngày qua.
“Căn bệnh” này thực khó trị dứt điểm. Bởi bản thân những bậc làm cha làm mẹ của các em chính là “đồng lõa” cổ xúy, đẩy con thơ ra đường mưu sinh. Bởi chính quyền địa phương cũng không thể có chế tài xử lý mạnh tay, dứt điểm mà chỉ dừng ở kêu gọi ý thức, vận động phụ huynh.
Vấn nạn nhức nhối ấy không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới hình điểm đến, cảm xúc du khách, mà còn tiềm tàng nhiều hệ lụy cho thế hệ mầm non phải sớm lao vào đời.
Hệ lụy từ thực trạng nhức nhối
Những năm qua, du lịch vùng cao phát triển nở rộ đã mở ra nhiều cơ hội đổi đời cho cộng đồng bản địa, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Song, sự đổi đời ấy cũng cuốn phăng đi một Sa Pa yên bình trong ký ức nhiều người. Thay vào đó là hình ảnh phố núi tắc nghẽn với những âm thanh tạp phí lù. Bất chấp mùa cao điểm hay thấp điểm cũng thật khó để tìm lại khung cảnh vắng vẻ, bình yên nơi đây.
Điều đáng nói, nếu mang đến sinh kế bền vững cho người dân địa phương thì du lịch là thiên đường. Nhưng ngành công nghiệp không khói khi “quét” qua những vùng cao cũng “đính kèm” cả những hệ lụy buồn, đó là cảnh trẻ em thay vì cắp sách đến trường đã bị đẩy vào vòng xoáy kim tiền.
Clip nhóm trẻ em nhảy múa tại khu vực nhà thờ Đá hồi giữa tháng Hai. (Video: Thu Hoài)
Hỏi rằng thực trạng này có mới không? Không. Nó vẫn ở đó, song hành cùng sự phát triển của du lịch địa phương và gây ra những cảm xúc tiêu cực trong mắt du khách suốt nhiều năm qua. Và, thực trạng này đang “nóng” trở lại những ngày qua, khi cộng đồng mạng có những ý kiến trái chiều xung quanh clip một số trẻ em gái ở Sa Pa mặc trang phục dân tộc truyền thống, nhảy múa sexy bắt chước trào lưu để xin tiền tại khu vực trung tâm.
Không chỉ Sa Pa, những ngày qua, mạng xã hội còn chia sẻ hình ảnh tấm biển khuyến cáo đặt tại khu vực sông Nho Quế, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Tấm biển có nội dung được viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó phần tiếng Anh phía dưới được phản ánh có lỗi chính tả: “Đề nghị quý khách không cho người già, trẻ em và phụ nữ bánh kẹo, nước uống, tiền... Nếu quý khách cho bánh kẹo, nước uống, tiền... sẽ góp phần làm trẻ em bỏ học, người lớn không lao động sản xuất, làm xấu hình ảnh du lịch. Xin cảm ơn!"
Ngay sau khi sự việc được phản ánh, lãnh đạo địa phương cho biết tấm biển đã treo ở đó 2 năm trước và đang tạm thời được tháo dỡ để sửa lỗi chính tả.
Vậy lý do gì khiến thực trạng buồn này vẫn tiếp diễn ở các điểm “điểm nóng” du lịch vùng cao như vậy? Đại diện một số đơn vị lữ hành nhận định, một phần nguyên nhân đến từ chính du khách. Mặc dù biết là phản cảm nhưng cũng bởi họ xuất phát từ lòng trắc ẩn, chứng kiến sự nghèo khổ, nheo nhóc của người dân bản địa, muốn giúp đỡ những đứa trẻ non nớt, mặt mũi lấm lem mà nhiều người đã “động lòng rút ví.” Bên cạnh đó, cũng bởi một số gia đình vùng cao do đời sống khó khăn, dễ nảy sinh tâm lý dựa dẫm, biến con mình thành công cụ kiếm tiền thay vì cho các em đi học.

Trẻ em vùng cao cần được đến trường thay vì ra đường mưu sinh. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
Hậu quả là chính chúng ta đã vô tình gieo một thói quen xấu, khiến trẻ em coi việc xin tiền và nhận tiền, thậm chí “chụp ảnh lấy tiền” là chuyện… thường ngày ở huyện. Tiền dễ kiếm như vậy, nếu phải lựa chọn thì các em sao còn mảy may đến việc tới trường “đánh vật với con chữ?”
Bên cạnh đó, người dân vùng cao tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn của nghèo đói và thiếu kiến thức, trẻ em lớn lên không nghề nghiệp ổn định, dễ tụt hậu vì không được tiếp cận đầy đủ với giáo dục…
Có thể nói, tình trạng trẻ em, người dân đeo bám, xin tiền ở Sa Pa, Mèo Vạc là góc khuất đáng buồn của những điểm đến luôn nằm trong top thu hút khách, thậm chí top các địa phương có doanh thu từ du lịch cao nhất cả nước.
Giải quyết “gốc rễ” để phát triển bền vững
Sau phản ứng của dư luận, lãnh đạo Sa Pa (Lào Cai) đã lập tức triển khai phương án ngăn chặn việc trẻ em bị dẫn dụ nhảy những động tác không phù hợp với lứa tuổi và thuần phong mỹ tục bằng cách lập tổ công tác trật tự đô thị, ra quân thường trực tại các điểm du lịch để xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi công việc, không đẩy con cái ra đường mưu sinh.
Chính quyền xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang) cũng phối hợp với các thầy cô giáo động viên trẻ em tiếp tục đến trường, ngừng ra đường xin tiền và quà bánh của khách du lịch; đồng thời vận động người dân tập trung vào lao động sản xuất truyền thống, không đẩy con em đi xin tiền du khách.

Những đứa trẻ lưng gùi hoa cải với mục đích cho du khách "mượn" chụp ảnh ở Hà Giang. (Ảnh: TTXVN)
Việc chính quyền đã thể hiện quyết tâm trong việc xử lý thực trạng gây nhức nhối cho thấy trách nhiệm của địa phương đối với sự phát triển bền vững của kinh tế du lịch và tương lai thế hệ măng non mỗi lần “dư luận dậy sóng.”
Thế nhưng, thực tế đã có những tiền lệ, khi sự việc lắng xuống, đâu sẽ lại vào đấy. Nói vậy là bởi, chính quyền ở các điểm đến bao năm qua vẫn chỉ dừng ở việc xử lý bề mặt của hiện tượng, chứ chưa thực sự tìm được giải pháp bền vững nhằm giúp người dân có được nguồn thu ổn định và lâu dài từ ngành công nghiệp không khói.
Một số chuyên gia tâm huyết với du lịch cộng đồng cho rằng để xử lý triệt để thực trạng nhức nhối trên, lãnh đạo địa phương cần giải quyết “gốc rễ” của vấn đề, là “bài toán” kinh tế khó khăn và chưa nhận thức đầy đủ về định hướng tương lai cho con em của nhiều hộ gia đình.
Chính vì thế, yếu tố tiên quyết và quan trọng nhất để có thể thay đổi bền vững là giúp người dân tạo sinh kế ổn định bằng các chương trình hỗ trợ phù hợp, như hướng dẫn bà con trồng các loại cây ăn quả đặc sản hay dược liệu, đào tạo nghề thủ công truyền thống có kết nối đầu ra cho sản phẩm, phát triển mô hình du lịch cộng đồng… Chỉ khi có thu nhập ổn định, người dân mới không còn áp lực đẩy con cái ra đường xin tiền du khách.

Du lịch phát triển đã giúp cộng đồng bà con dân tộc thiểu số ở Hà Giang có thêm kế sinh nhai. (Mai Mai/Vietnam+)
Đặc biệt, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn cần được tuyên truyền để thay đổi nhận thức trong giáo dục, nhận ra giá trị của “cái chữ” và tầm quan trọng của việc trẻ em được đến trường cầm bút thay vì “cầm tiền”…
Bởi khi những đứa trẻ có kiến thức sẽ dễ dàng trở thành người có khả năng gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc mình. Những đứa trẻ biết thu lượm tri thức và có kỹ năng, lớn lên sẽ có thể biến quê hương không chỉ là điểm đến đẹp đẽ, hấp hẫn mà còn góp phần phát triển bền vững cả cộng đồng trong vùng đất của mình./.