Kiểm định chất lượng GDNN có nhiều điểm mới, lãnh đạo trường cao đẳng nói gì?

Chuẩn đầu ra của từng chương trình đào tạo có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thông tư số 14/2024/TT-BLĐTBXH ngày 31/12/2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về quy định các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp chính thức có hiệu lực từ ngày 15/2/2025.

So với Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH ngày 08/06/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp thì Thông tư số 14 có một số điểm mới và nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, Thông tư số 14 bỏ tiêu chí về quản lý tài chính; bỏ tiêu chuẩn về số lượng đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến. Đồng thời, Thông tư số 14 cũng bổ sung thêm một số tiêu chí, tiêu chuẩn liên quan đến chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

Nhiều tiêu chí mới phù hợp với thực tiễn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Văn Tân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội cho rằng, những tiêu chí, tiêu chuẩn tại Thông tư số 14 hướng tới bảo đảm việc nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng chương trình đào tạo của trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

 Tiến sĩ Phạm Văn Tân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Phạm Văn Tân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Đơn cử, Thông tư số 14 bỏ tiêu chí về quản lý tài chính. Theo thầy Tân, việc bỏ tiêu chí này là phù hợp. Bởi, việc quản lý tài chính tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang được thực hiện theo quy định của pháp luật (ví dụ như: Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp; Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/06/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập).

Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chí quản lý tài chính có thể sẽ làm rõ hơn số liệu tài chính nhưng cơ bản các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện đúng theo các quy định pháp luật nên việc kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo Thông tư số 14 khi bỏ tiêu chí về quản lý tài chính cũng không có lo ngại gì.

Cùng bàn về nội dung này, Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Lê Vĩ Chinh – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bình Định chia sẻ, việc bỏ tiêu chí quản lý tài chính trong Thông tư số 14 là hợp lý.

Theo thầy Chinh, việc bỏ tiêu chí quản lý tài chính tạo nhiều thuận lợi cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung và nhà trường nói riêng. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang thực hiện theo các quy định về tài chính, các văn bản luật liên quan và có đơn vị phụ trách kiểm duyệt tài chính hàng năm. Vì vậy, thầy Chinh cho rằng, không nhất thiết phải đưa nội dung về quản lý tài chính vào tiêu chí trong thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

 Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bình Định tham gia Hội thi Kỹ năng nghề cấp trường năm 2024. (Ảnh: website nhà trường)

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bình Định tham gia Hội thi Kỹ năng nghề cấp trường năm 2024. (Ảnh: website nhà trường)

Tạo thuận lợi trong kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Theo tìm hiểu của phóng viên, Thông tư số 14 thay thế tiêu chí “Mục tiêu, quản lý và tài chính” bằng tiêu chí “Mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo”.

Về nội dung trên, thầy Ngô Quốc Phong - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đồng Khởi cho biết, việc yêu cầu chuẩn đầu ra của từng chương trình đào tạo có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, khi mục tiêu của chương trình đào tạo được quy định rõ ràng sẽ tạo điều kiện cho xã hội dễ dàng giám sát, nhà trường thực hiện tốt hơn trách nhiệm giải trình.

Cùng chia sẻ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội cho biết, nhà trường đã xây dựng và thực hiện chuẩn đầu ra đối với tất cả các chương trình đào tạo của nhà trường.

"Nhà trường căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tham khảo các chuẩn đầu ra chương trình đào tạo ở một số nước trên thế giới,... để xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

Đối với nhà trường, việc thực hiện quy định tiêu chí về “Mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo” theo thông tư mới không có khó khăn”, thầy Tân chia sẻ.

Thầy Chinh cho biết, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo là quy định nên khi cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo phải công bố chuẩn đầu ra.

Việc thông tư mới quy định tiêu chí “Mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo” là hợp lý, giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp làm rõ chuẩn đầu ra đối với các chương trình đào tạo, tránh được tình trạng có cơ sở giáo dục nghề nghiệp mập mờ trong việc công khai chương trình đào tạo dẫn đến người học không nắm rõ và đầy đủ về chương trình đào tạo.

Cũng theo thầy Chinh, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp quy định tiêu chí về chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo còn là cơ sở để đánh giá và chứng nhận chất lượng đào tạo của mỗi trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

 Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Đồng Khởi. (Ảnh: website nhà trường)

Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Đồng Khởi. (Ảnh: website nhà trường)

Một trong những điểm mới của Thông tư số 14 đang nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp là không quy định về số lượng đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến. Thay vào đó, thông tư mới yêu cầu hàng năm cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến từ cấp trường trở lên, được ứng dụng, phục vụ trực tiếp công tác đào tạo của trường và phục vụ cộng đồng.

Về nội dung trên, thầy Tân cho hay, một trong những nhiệm vụ của nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp là thực hiện nghiên cứu khoa học; hướng dẫn học viên, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hoặc sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào giảng dạy và thực tiễn sản xuất.

Chính vì thế, việc Thông tư số 14 không quy định số lượng đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến trong tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng không làm ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ nhà giáo.

“Việc bỏ quy định về số lượng đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến như Thông tư số 14 không phải là vấn đề lớn. Bởi, mặc dù không có quy định này nhưng giảng viên vẫn đã và đang thực hiện chế độ định mức theo quy định, coi nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến là một trong những nhiệm vụ chính phải thực hiện.

Tuy nhiên, bản thân cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn xác định công tác nghiên cứu khoa học của nhà giáo đóng vai trò quan trọng và được khuyến khích nhưng thực tế chưa mạnh và thường xuyên so với các cơ sở giáo dục đại học”, thầy Tân chia sẻ.

Bên cạnh đó, thời gian quy định bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao, nghiên cứu khoa học 08 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng; 04 tuần đối với nhà giáo dạy trình độ trung cấp (theo Thông tư số 28/2022/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng và chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp). Do vậy, nghiên cứu khoa học đã là nhiệm vụ đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp.

Còn theo thầy Chinh, nếu như trong một năm, nhà giáo không thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thì khi tính tổng sẽ khó đủ định mức giờ giảng. Vì vậy, nhà giáo phải làm nghiên cứu khoa học nên không nhất thiết phải đưa quy định về số lượng đề tài nghiên cứu khoa học, sáng chế cải tiến vào trong quy định tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Liên quan đến việc thực hiện Thông tư số 14, thầy Chinh chia sẻ thêm, thông tư mới tạo nhiều thuận lợi cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, sau khi cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, liệu rằng Thông tư số 14 có giữ được nguyên giá trị hay không?

Thêm nữa, với quy định kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiêu chí nằm trong tiêu chuẩn, trong khi đó, quy định kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại là tiêu chuẩn trong tiêu chí. Như vậy, thầy Chinh cho rằng cần có hướng dẫn rõ ràng hơn nữa để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuận lợi trong việc thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục khi chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/kiem-dinh-chat-luong-gdnn-co-nhieu-diem-moi-lanh-dao-truong-cao-dang-noi-gi-post249254.gd