Những 'bác sĩ' cứu động vật hoang dã bên dãy Trường Sơn

Những 'bác sĩ' không chuyên ở Vườn quốc gia Vũ Quang (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) đã hồi sinh hàng nghìn động vật hoang dã, thả về rừng tự nhiên. 6 năm qua, họ lặng lẽ, cần mẫn chăm sóc thú rừng bị thương, góp phần không nhỏ trong việc đa dạng hóa sinh học trên dãy Trường Sơn. Giữa chốn thâm sơn, vẫn còn đó những 'nốt lặng' ít ai biết đến.

Vườn quốc gia Vũ Quang nằm dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Vườn quốc gia Vũ Quang nằm dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ.

“Bệnh viện” của thú rừng

Vườn quốc gia Vũ Quang nằm dưới chân dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, nơi đây được mệnh danh “viên ngọc xanh” giữa đại ngàn, là “ngôi nhà thứ hai” của các loài động vật hoang dã. Vườn nằm ở độ cao 1.400m so với mực nước biển. Vườn quốc gia Vũ Quang được biết đến là một trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam, lưu giữ nhiều nguồn gen rất có giá trị cho công tác bảo tồn. Vườn nằm trong vùng sinh thái có mức độ ưu tiên toàn cầu, được xác định là cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học cho cả khu vực thuộc dãy Trường Sơn.

Một ngày cuối đông, chúng tôi ngược ngàn từ TP Hà Tĩnh lên Vườn quốc gia Vũ Quang, vượt qua quãng đường hơn 70km, chúng tôi mới đặt chân đến “viên ngọc xanh”. Giữa muôn trùng núi rừng bí hiểm của Vườn quốc gia Vũ Quang, địa điểm thu hút sự chú ý nhất có lẽ là khoảng đất rộng chưa đầy 70m2. Nơi đây đang chăm sóc cho hàng chục loài động vật như trăn, rùa, vượn, khỉ… Khu vực này được coi là “bệnh viện” của thú rừng.

Sáng sớm, khi sương mù còn lãng vãng trên những ngọn đồi, chị Trần Thị Hồng (SN 1986), nhân viên Vườn quốc gia Vũ Quang đã có mặt tại “bệnh viện” để chuẩn bị bữa ăn cho các động vật đang được chăm sóc tại Vườn quốc gia Vũ Quang. Các loại củ, quả, lá rừng được chị Hồng chuẩn bị sẵn để làm thức ăn cho động vật. Chị Hồng được phân công nhiệm vụ chăm sóc, theo dõi và điều trị cho các loài động vật mà người dân giao nộp hoặc động vật bị thương khi vướng bẫy của những kẻ đi săn thú rừng.

Chị Trần Thị Hồng, bác sĩ cứu động vật ở Vườn quốc gia Vũ Quang đang tận tình chăm sóc cho bệnh nhân của mình.

Chị Trần Thị Hồng, bác sĩ cứu động vật ở Vườn quốc gia Vũ Quang đang tận tình chăm sóc cho bệnh nhân của mình.

Những năm qua, chị Trần Thị Hồng và 6 đồng nghiệp khác ở Phòng khoa học và hợp tác quốc tế - Vườn quốc gia Vũ Quang được xem như “bác sĩ” của động vật. Suốt khoảng thời gian dài, họ cần mẫn chăm sóc, chữa bệnh, cứu thương cho hàng nghìn động vật hoang dã rồi thả về rừng tự nhiên.

Theo số liệu thống kê, trong vòng 4 năm trở lại đây, Vườn quốc gia Vũ Quang đã tiếp nhận, chăm sóc 657 cá thể động vật, tiến hành tái thả về rừng 645 cá thể với 20 loài. Trong đó, có gần 100 cá thể là động vật nguy cấp, quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, như: Khỉ đuôi lợn; khỉ mặt đỏ; khỉ mốc; vượn đen má trắng; cầy vòi mốc, cầy vòi hương, rùa hộp trán vàng, rùa núi viền… Tất cả đều được đưa về “bệnh viện” và được các “bác sĩ” ở Vườn quốc gia Vũ Quang chăm sóc, theo dõi trước khi thả về tự nhiên.

Qua số liệu trên có thể thấy, hiện tại số lượng loài được bảo tồn tại Vườn quốc gia Vũ Quang đang tăng trưởng cũng như nhận thức của người dân đã đổi thay khi ngày càng nhiều người đến giao nộp động vật hoang dã để chăm sóc, theo dõi, thả về môi trường tự nhiên.

Cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang đưa động vật đã được chăm sóc, cứu chữa thả về môi trường tự nhiên.

Cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang đưa động vật đã được chăm sóc, cứu chữa thả về môi trường tự nhiên.

Tâm tư của “bác sĩ”

Là người tiếp nhận, chăm sóc các động vật thời gian dài, chị Trần Thị Hồng hiểu hơn ai hết những khó khăn trong quá trình làm “bác sĩ” cứu động vật. Theo chị, hành trình hàn gắn vết thương cũng như công tác bảo tồn động vật hoang dã hiện nay đang còn nhiều gian truân. Bởi, trang thiết bị ít, nhân sự vừa thiếu, vừa không được đào tạo chuyên sâu. Trong khi nhiều loài vật không chỉ bị thương nặng mà còn bị nuôi nhốt dài ngày, mất hết khả năng sinh tồn trong tự nhiên.

Dẫn chúng tôi đến chỗ chú vượn má trắng đang nhảy nhót trong khung sắt, chị Hồng xót xa chia sẻ: “Như con vượn này, được người dân giao nộp khoảng hơn 1 năm nay, nhưng loài này nếu thả về tự nhiên rất khó vì nó đã mất khả năng sinh tồn trong tự nhiên do người dân nuôi nhốt trong thời gian dài, ăn các thực phẩm như cơm, bánh, trái... Thấy người nó nhảy nhót, vui thế thôi nhưng… thương lắm!”.

Bước đến nơi con khỉ mắt đỏ đang được chăm sóc tại đây, chị Hồng kể: Loài này giờ quá thân thiết với con người, cứ thấy người là chạy đến rồi ôm lấy chân, giờ thả về môi trường tự nhiên cũng khó sống, hoặc có thể lại tìm về vị trí này để kiếm thức ăn.

Một số động vật hoang dã không còn khả năng sinh tồn, chúng phải chịu cảnh giam cầm suốt đời, khiến nỗi lòng các bác sĩ càng trĩu nặng thêm.

Một số động vật hoang dã không còn khả năng sinh tồn, chúng phải chịu cảnh giam cầm suốt đời, khiến nỗi lòng các bác sĩ càng trĩu nặng thêm.

Theo số liệu thống kê, trong vòng 4 năm trở lại đây, Vườn quốc gia Vũ Quang đã tiếp nhận, chăm sóc 657 cá thể động vật, tiến hành tái thả về rừng 645 cá thể với 20 loài. Trong đó, có gần 100 cá thể là động vật nguy cấp, quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, như: Khỉ đuôi lợn; khỉ mặt đỏ; khỉ mốc; vượn đen má trắng; cầy vòi mốc, cầy vòi hương, rùa hộp trán vàng, rùa núi viền… Tất cả đều được đưa về “bệnh viện” và được các “bác sĩ” ở Vườn quốc gia Vũ Quang chăm sóc, theo dõi trước khi thả về tự nhiên.

“Bác sĩ” Hồng chia sẻ, con khỉ mắt đỏ này trước đó bị thương, mắc bệnh, nhân viên phải vượt 70km đưa khỉ tới trung tâm chữa bệnh cho động vật ở thành phố Hà Tĩnh để chữa trị. Sau 2 tháng điều trị, giờ sức khỏe đã ổn định nhưng chưa thể thả về môi trường tự nhiên. Cũng sau lần giải cứu này, khỉ mắt đỏ trở nên thân thiết, thi thoảng chạy đến ôm người cán bộ vườn như bày tỏ lòng cảm ơn.

Các “bác sĩ” ở Vườn quốc gia Vũ Quang cho biết thêm, họ không chỉ chăm sóc, cứu thương cho thú rừng mà còn phải huấn luyện lại khả năng sinh tồn cho chúng. Với những con thú có nguồn gốc đánh bắt từ rừng đang thích nghi được môi trường tự nhiên, khi đã hồi phục hoàn toàn, sẽ được thả về khu vực có phân bố loài của nó. Song, đối với những con thú được nuôi nhốt quá lâu, không thể tự kiếm thức ăn được thì những con này không còn khả năng quay lại rừng. Bởi nếu thả về tự nhiên, chúng sẽ không thể tự sinh tồn trong môi trường này được nữa. Vì vậy, các “bác sĩ” phải mất rất nhiều thời gian để khơi lại khả năng sinh tồn vốn có của chúng.

Tại “bệnh viện” thú rừng của Vườn quốc gia Vũ Quang có lượng động vật quá lớn, trong khi đó không có đội ngũ chuyên nghiệp nuôi dưỡng, chăm sóc thú rừng. Mặt khác, không có trung tâm chuyên trách để cứu chữa, huấn luyện cho thú rừng. Để giải quyết công việc phát sinh, Vườn quốc gia Vũ Quang giao nhiệm vụ tiếp nhận, chăm sóc động vật cho nhóm 7 người thuộc Phòng khoa học và hợp tác quốc tế. Dù là những “bác sĩ” không chuyên nhưng nhóm cứu hộ này đã làm việc hiệu quả hơn cả mong đợi khi 6 năm qua đã “hồi sinh” cho hàng nghìn động vật để thả về tự nhiên.

Cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang trong khi đi làm nhiệm vụ. “

Cán bộ Vườn quốc gia Vũ Quang trong khi đi làm nhiệm vụ. “

Thời gian qua, Vườn quốc gia Vũ Quang đã tiếp nhận động vật từ hai nguồn, đó là nguồn động vật nuôi nhốt lâu ngày do người dân giao nộp và nguồn động vật hoang dã mắc bẫy. Những con vật nuôi nhốt lâu ngày khi giao nộp đã dần mất đi bản năng tự nhiên nên khi tiếp nhận phải mất một thời gian chăm sóc, huấn luyện mới thả về rừng. Còn những loài động vật hoang dã mắc bẫy sẽ được nhân viên thực hiện chăm sóc vết thương và thả về rừng ngay khi sức khỏe chúng ổn định.

Năm 2024, Vườn quốc gia Vũ Quang đã tiếp nhận gần 180 cá thể động vật hoang dã nhưng không phải tất cả cá thể ấy đều may mắn được trở về ngôi nhà thiên nhiên. Có những con vật bị bệnh nặng, mất khả năng sinh tồn trong môi trường tự nhiên nên phải chịu cảnh “giam cầm” suốt đời. Số phận thương cảm của những động vật này khiến nỗi lòng của các “bác sĩ” ở Vườn quốc gia Vũ Quang càng trĩu nặng hơn...!

Mục tiêu cuối cùng của việc tiếp nhận các loài động vật là chăm sóc chúng có sức khỏe ổn định để tái thả về môi trường tự nhiên sớm nhất. Để thực hiện được nhiệm vụ này, các nhân viên được học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc, đặc biệt có tình yêu với động vật. Nhiều năm qua, dù không được đào tạo bài bản nhưng những “bác sĩ” bất đắc dĩ ở Phòng khoa học và hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Vũ Quang đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình.

Ông Nguyễn Việt Hùng - Trưởng Phòng khoa học và hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Vũ Quang cho biết, những năm gần đây, vườn tiếp nhận số lượng động vật tăng đột biến do công tác tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã được đẩy mạnh, nhận thức của người dân đã thay đổi nhiều. Để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho việc chăm sóc động vật sau tiếp nhận, cần phải thành lập một trung tâm ứng cứu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua việc này vẫn chưa thực hiện được nên có thời điểm, khu vực nuôi nhốt động vật ở Vườn quốc gia Vũ Quang gần như quá tải.

“Việc cứu hộ và tái thả các loài động vật thời gian qua được Vườn quốc gia Vũ Quang thực hiện hết sức hiệu quả, góp phần rất lớn cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Nhưng hiện tại kinh phí đơn vị hạn hẹp, trang thiết bị phục vụ còn thiếu, nhân lực cứu hộ động vật hoang dã chưa được đào tạo chuyên sâu. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn nhiệm vụ này cần được quan tâm đúng mức để công tác cứu hộ động vật hoang dã luôn được đảm bảo một cách tốt nhất” - ông Hùng nói.

Để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho việc chăm sóc động vật sau tiếp nhận, cần phải thành lập một trung tâm ứng cứu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua việc này vẫn chưa thực hiện được nên có thời điểm, khu vực nuôi nhốt động vật ở Vườn quốc gia Vũ Quang gần như quá tải.

Hạnh Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhung-bac-si-cuu-dong-vat-hoang-da-ben-day-truong-son-10296541.html