Những bài toán khó của Nhật Bản nhìn từ bầu cử Thượng viện

Cuộc đua vào Thượng viện Nhật Bản đang bước vào giai đoạn nước rút khi chỉ còn 5 ngày nữa là đến thời điểm bỏ phiếu chính thức.

Trong khi các ứng cử viên đẩy mạnh những màn “luận chiến nảy lửa”, giới quan sát và phân tích chính trị lại nhận ra nhiều vấn đề tồn tại trong lòng một xã hội phát triển vào bậc nhất thế giới thông qua các chủ đề tranh luận.

Tòa nhà quốc hội Nhật Bản.

Tòa nhà quốc hội Nhật Bản.

Hiện nay, cuộc cạnh tranh giữa 522 ứng cử viên của tất cả các đảng phái để giành 125 ghế trong tổng số 248 ghế của Thượng viện Nhật Bản đang trở nên rất quyết liệt. Nếu như trong giai đoạn đầu, chỉ có 17 chủ để tranh luận công khai liên quan đến kinh tế, đàm phán thuế quan với Mỹ, an ninh – quốc phòng, thiếu hụt nguồn nhân lực… thì đến giai đoạn cuối lại xuất hiện thêm chủ đề liên quan đến cộng đồng người nước ngoài. Tất cả những chủ đề này chỉ ra những gì nóng nhất, cấp bách nhất trong lòng xã hội Nhật Bản.

Nhiều bài toán chưa có đáp số

Vấn kinh tế bao gồm vật giá leo thang, khủng hoảng gạo, thu nhập thực chất của người lao động giảm đang đứng đầu trong danh sách những cạnh tranh về quyết sách giữa các ứng cử viên. Tất cả những yếu tố này có mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại khi khủng hoảng gạo được coi là một trong những tác nhân khiến vật giá leo thang, còn giá cả tăng cao dẫn tới thu nhập thực chất của người làm công ăn lương liên tục xuống thấp… Đáng chú ý là, mặc dù chỉ trích qua lại, nhưng chưa có bất cứ ứng cử viên nào đưa ra được giải pháp hiệu quả cho các tồn tại nêu trên.

Ý kiến cho rằng cần miễn giảm thuế tiêu dùng (thuế VAT) và thuế thu nhập đang vấp phải sự phản đối với lý do biện pháp này sẽ làm thất thu ngân sách nhà nước, còn việc tăng lương tối thiểu cho người lao động lại bị coi là góp phần làm gia tăng lạm phát v.v. và v.v… Trong khi các ứng cử viên bận “luận chiến”, những cơn bão giá mới tiếp tục bùng phát với hơn 18.000 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã, đang và sẽ tăng giá mạnh, làm nghèo đi sinh hoạt của người Nhật và đẩy con số người phải nhận trợ cấp xã hội lên những đỉnh cao mới.

Đàm phán thuế quan với Mỹ tuy là vấn đề mới phát sinh, nhưng cũng được coi là có nguồn gốc sâu xa liên quan tới cả chính trị, ngoại giao và kinh tế. Mặc dù là nước đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Mỹ, tạo nhiều công ăn việc làm cho công dân Mỹ nhất, đặc biệt là đồng minh thân cận với Mỹ, Tokyo vẫn bị Nhà Trắng chỉ trích là thiếu công bằng trong thương mại song phương, và để lấy lại cân bằng, mức thuế đối ứng bổ sung 25% vẫn bị coi là chưa tương xứng. Thời hạn bị áp thuế 1/8 đến ngày một gần, trong khi vẫn chưa có đột phá nào có thể đả thông bế tắc trong đàm phán hiện nay.

An ninh – quốc phòng mặc dù là một vấn đề tương đối biệt lập, nhưng khi được đặt vào trong tổng thể xã hội lại có một mối tương quan mật thiết với các vấn đề khác. Không cần Mỹ phải thúc ép, Nhật Bản đã phải chủ động tăng ngân sách cho lĩnh vực này với lý do “môi trường an ninh khu vực đang trở nên khắc nghiệt”. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, chỉ tính trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản liên tục ở mức 2 con số và năm 2024 lên tới gần 7.950 tỷ Yên (tương đương khoảng 54,8 tỷ USD) tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ tiền nhiệm của thủ tướng Kishida Fumio đã đưa ra kế hoạch đến năm 2028 sẽ tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản lên mức 43 ngàn tỷ Yên, tăng gấp hơn 5 lần so với năm 2024. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới những khoản nợ không lồ của Chính phủ Nhật Bản.

Nguyên nhân sâu xa

Theo giới phân tích chính trị, tất cả 18 chủ đề “luận chiến” trong bầu cử Thượng viện – đồng thời cũng là những vấn đề nội tại trầm kha trong lòng xã hội Nhật Bản, có nhiều nguyên nhân, nhưng đều có chung một từ khóa. Đó là “sự phụ thuộc”. Ở nhóm vấn đề kinh tế, là sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất chủ yếu từ nước ngoài và sự lệ thuộc vào một số ít thị trường xuất khẩu.

Chính sự phụ thuộc này khiến kinh tế Nhật Bản trở nên dễ tổn thương trước các biến động của giá cả trên thị trường thế giới. Một trong những tác nhân chủ yếu khiến vật giá tăng cao không cản nổi tại Nhật Bản hiện nay là do giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu không ngừng bị đội lên. Còn sự lệ thuộc vào một số ít thị trường xuất khẩu đã hơn một lần khiến kinh tế Nhật Bản chao đảo, và nay lại một lần nữa chứng nghiệm bằng hàng rào thuế quan của Mỹ với mức thiệt hại có thể tương đương 0,85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm – theo tính toán của các chuyên gia kinh tế.

An ninh – quốc phòng là một minh chứng rõ nhất cho từ khóa “phụ thuộc”. Do Hiến pháp Nhật Bản không cho phép nước này có quân đội, tổ chức hoặc tham gia chiến tranh, Nhật Bản phải dựa vào Mỹ để tự bảo vệ. Chính vì yếu tố này, mặc dù kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, nhưng Nhật Bản không thể áp dụng các biện pháp cứng rắn khi Nhà Trắng áp đặt một mức thuế gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả nền kinh tế. Cũng chính vì yếu tố này, Nhật Bản phải nỗ lực tăng cường khả năng phòng vệ, nâng cao ngân sách quốc phòng, để từ đó phải gánh nợ công chồng chất, tạo ra một vòng luẩn quẩn cả về kinh tế và ngoại giao.

Chủ đề tranh luận thứ 18 mới xuất hiện gần đây cũng là một ví dụ về sự “phụ thuộc” của Nhật Bản. Đó là sự phụ thuộc vào nguồn lực lao động nước ngoài. Trong khi dân số lão hóa và giảm tự nhiên nhanh hơn dự báo, sự thiếu hụt nguồn nhân lực đã trở thành căn bệnh “thâm căn cố đế” của Nhật Bản. Theo đó, lao động nước ngoài đã, đang và sẽ là yếu tố không thể thiếu trong sự nghiệp phát triển của “xứ sở hoa Anh Đào”. Bên cạnh những mặt tích cực, Tokyo cũng đang phải giải quyết nhiều mặt trái của vấn đề, đặc biệt là sự gia tăng của tội phạm có yếu tố nước ngoài, trong đó việc kiến tạo “một xã hội cộng sinh an toàn, có trật tự” với người nước ngoài đang là mục tiêu rất lớn.

Trong bối cảnh đó, giới phân tích chính trị nhận định, chính trị gia nào hoặc chính đảng nào chỉ cần có thể đưa ra cách giải quyết cơ bản, chứ chưa cần triệt để, dành cho những vấn đề nêu trên, sẽ nắm trong tay “chìa khóa vạn năng”, không chỉ để mở cánh cửa Thượng viện hiện nay, mà còn để nắm giữ vai trò lãnh đạo, dẫn dắt xã hội Nhật Bản một cách bền vững trong tương lai.

Tuấn Nhật/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nhung-bai-toan-kho-cua-nhat-ban-nhin-tu-bau-cu-thuong-vien-post1214770.vov