Những bận tâm về sự sống

Thế giới này quả là rộng lớn và có rất nhiều điều chúng ta hiểu chưa đúng. Tuy nhiên, thay đổi này không phải dễ dàng, nhất là khi xã hội chưa tạo cơ sở vững chắc để xóa bỏ những hiểu biết chưa chính xác.

Bố mẹ Phương tìm đến tôi, một nhà trị liệu tâm lý, theo như đề nghị của em để hiểu rõ hơn về “bệnh tình của em”. Chị Minh là bác sĩ ngoại khoa, anh Nam là công an. Còn Phương năm nay 18 tuổi, mới thi đỗ đại học.

Chị đưa cho tôi bài báo từ trang web của một bệnh viên tâm thần lớn tại Hà Nội. Bài báo đề cập đến những trường hợp lệch lạc giới tính, sinh ra là nữ nhưng muốn quần áo nam và đi tập thể hình để giống nam giới. “Anh chị cố gắng cởi mở, hiểu con nên nghe lời nó đến gặp em. Nhưng, cái này là lệch lạc bệnh lý. Chị là bác sĩ, chị biết bệnh viện này”.

Nhiều người sẵn sàng trải qua đau đớn để có sự thoái mái tinh thân dài lâu. Ảnh: ST

Nhiều người sẵn sàng trải qua đau đớn để có sự thoái mái tinh thân dài lâu. Ảnh: ST

Phương liên lạc với tôi trước. Em là người chuyển giới, em sinh ra với cơ thể nữ hoàn thiện nhưng em lại biết mình là nam. Mẹ em là bác sĩ giỏi, rất tin vào kiến thức và luôn khẳng định chuyển giới là một bệnh lý lệch lạc. Làm việc với chị, tôi phải dùng đến ngôn ngữ y học.

“Chị có biết hội chứng tâm thần drapetomania không ạ?”. Tôi tiếp lời khi chị nhíu mày lắc đầu. “Vâng chuyện này lâu rồi. Drapetomania là hội chứng tâm thần nô lệ bỏ trốn, dành cho những nô lệ trốn chạy nhiều lần. Hội chứng này được bác sĩ Samuel A. Cartwright, sống ở miền Nam nước Mỹ thế kỉ 19, nơi coi chế độ nô lệ là hợp pháp khi ấy, đề xuất lên hội đồng y khoa”.

“Chị không hiểu ý em là gì, nhưng chuyện này hơi cực đoan. Ai mà chẳng muốn tự do, người ta không trốn vì người ta sợ thôi. Nhưng, nó liên quan gì đến chuyện chuyển giới của con chị?”.

Tôi đề nghị chị Minh kiên nhẫn để từ chuyện này có thể hiểu rõ về bản chất rối loạn tâm thần. Bác sĩ Samuel Cartwright cho rằng, khao khát tìm kiếm tự do là một điều bất bình thường, người nô lệ phải chấp nhận sống cuộc đời nô dịch, phục vụ người khác và vui vẻ với điều đó. Suy nghĩ đó không tồn tại ngẫu nhiên. Sống trong xã hội coi nộ lệ là điều đương nhiên, ông không hiểu được tại sao nhiều nô lệ không cảm thấy an vui với cuộc sống của mình. Mong muốn thoát khỏi cuộc sống mất tự do là trái với logic thông thường ông biết. Hồi đó, bệnh tâm thần vẫn bị coi là một loại hỏng hóc đầu óc, tâm trí suy nghĩ không tỉnh táo. Ông nghĩ hẳn những người muốn bỏ trốn bị hỏng hóc gì trong tâm trí nên ông gán cho họ bị tâm thần. Tất nhiên, hội đồng y khoa lúc đó đã bác bỏ nó. Giờ đây, khi nhìn lại, chúng ta thấy suy nghĩ của bác sĩ Samuel Cartwright vô lý nực cười.

“Quan điểm một bác sĩ hay một bệnh viện không phản ánh đúng quan điểm y học hiện đại. Chúng ta cần hiểu quan điểm chính thức của các hiệp hội, tổ chức y tế có uy tín. Trong y học hiện đại, người ta không còn coi những thứ lạ, khác biệt là tâm thần nữa”. Tôi đưa cho chị những tài liệu chính thức của Tổ chức Y tế thế giới, sách hướng dẫn chẩn đoán bệnh tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Mỹ. Chuyển giới đã không còn là một bệnh tâm thần trong y học hiện đại.

Chúng ta và bác sĩ Cartwright đều bị giới hạn bởi những gì mình thường thấy. Mọi người trong xã hội khi sinh ra đã hài lòng với giới tính của mình. Thế nên, khó mà hiểu được có ai lại không hài lòng với giới tính của mình. Vậy là chúng ta cho họ là người có bệnh lý. Nếu 100 năm nữa, khi xã hội đã cởi mở hơn, nhìn lại, chúng ta hẳn sẽ thấy buồn cười với suy nghĩ coi chuyển giới là bệnh lý cũng như cách chúng ta thấy suy nghĩ nô lệ bỏ trốn là mắc bệnh tâm thần vậy.

Trong lúc chị Minh đang xem tài liệu tôi đưa, anh Nam lên tiếng. “Anh hiểu điều em nói, cứ cho là về mặt y học nó bình thường đi, nhưng xã hội mình chưa chấp nhận”. Anh giải thích với tôi rằng pháp luật chưa công nhận nên người chuyển giới sẽ khó thay đổi giấy tờ tùy thân. Đó không phải là pháp luật gây khó khăn mà việc này không đúng, nó gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Anh kể có người chuyển giới để trốn nợ, trốn tội. Anh không lo con anh thế, nhưng người đời đâu có biết, người ta sẽ nói ra nói vào. “Con anh đang đàng hoàng tử tế, em bảo làm sao anh để nó làm như thế để chịu điều tiếng được”.

Đúng là sau khi can thiệp y tế, người chuyển giới có ngoại hình khác, giọng nói khác và sẽ làm người khác khó nhận ra. Tuy nhiên, vấn đề thay đổi ngoại hình không phải là chuyện của riêng người chuyển giới. Rất nhiều người phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh hình thay đổi khuôn mặt, hình dạng cơ thể. Ngực có thể hóa trang, giọng nói có thể tập được (thay đổi vùng miền hoặc giả giọng nữ). Pháp luật hoàn toàn không kiểm soát tất cả các việc đó. Tôi giải thích cho anh Nam hiểu hơn về yếu tố ngoại hình và định kiến xã hội, để anh rõ nó không liên quan đến trường hợp của con anh.

Có một điểm đáng chú ý ở đây. Can thiệp chuyển đối giới tính trực tiếp làm thay đổi ngực, bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, chúng ta không nhận diện người khác bằng bộ phận sinh dục của họ mà chủ yếu bằng khuôn mặt và giấy tờ nhận diện đặc điểm. Người chuyển giới khó lạm dụng phẫu thuật để thay đổi hơn những người trải qua phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh hình. Bởi lẽ, người chuyển giới phải trải qua rất nhiều thủ tục xác minh pháp lý và tài chính. Vậy nên họ khó lòng mà lạm dụng phẫu thuật để tránh tội hoặc trốn nợ được so với những người chỉ cần đi cắt môi, xẻ mí mắt, nâng cao gò má để khác biệt hoàn toàn so với ảnh nhận diện.

Chuyển giới không còn là một bệnh tâm thần trong y học hiện đại. Ảnh: ST

Chuyển giới không còn là một bệnh tâm thần trong y học hiện đại. Ảnh: ST

“Anh chị muốn gì cho Phương? Quyết định nào cũng có khó khăn, hay thuận lợi nhất định. Những điều anh vừa nói, nếu so sánh với cuộc sống của Phương có quan trọng như thế nào? Nó có giải quyết được không?”. Một cuộc tranh luận về pháp luật, quản lý xã hội với anh sẽ không có ích cho anh chị nên tôi gợi nhắc lại cho anh chị nhớ lý do đầu tiên khiến chúng tôi có cuộc gặp hôm nay.

Chững lại một lát, anh điềm tĩnh trả lời: “Anh muốn nó sống vui vẻ hạnh phúc, thế là đủ rồi. Nhưng, càng nghĩ anh càng thấy khó chấp nhận. Nó nghĩ ngắn lắm, có nghĩ gì đến gia đình, con cái sau này đâu”.

Trong xã hội Việt Nam, như anh nói, con cái và gia đình là những yếu tố rất quan trọng. Nhưng, nếu nghĩ rộng ra, chúng ta có thể thấy trong xã hội có rất nhiều người lựa chọn không có con như các nhà sư, thầy tu và những người lựa chọn không có con. Bạn bè và gia đình họ không thích họ như vậy, nhưng không ai coi họ là bị rối loạn tâm thần mà chỉ nhận định đó là một lựa chọn khác biệt.

Nhu cầu có con của người chuyển giới rất đa dạng. Người muốn con đẻ, người muốn con nuôi, người muốn mang bầu cho bạn gái mình (chuyển giới nam). Người chuyển giới không phải không muốn có con, họ chỉ không có lựa chọn dễ dàng như người hợp giới. Người chuyển giới phải cân nhắc nhu cầu có con với hạnh phúc bản thân, với mối quan hệ với bạn đời và nguồn lực của họ. Phương nói với tôi rằng nếu em không được sống với con người thật thì em sợ rằng em chẳng thể nào đem lại hạnh phúc cho con của em và như thế em cũng chẳng muốn có con.

“Nếu anh chị đồng ý, em mời anh chị gặp và trao đổi với một số cặp gia đình người chuyển giới xem con cái và cuộc sống họ ra sao”. Tôi tin là thực tế sẽ mạnh hơn nhiều lời tôi nói.

“Nhưng, chị không hiểu vì sao con chị lại không thích cơ thể của mình, phẫu thuật đau lắm em ạ, chị có tìm hiểu về phẫu thuật chuyển giới, vừa đau lại vừa có nguy cơ, sao nó phải chịu đựng như vậy”. Chị vợ nhìn tôi với sự khó hiểu.

Nếu chúng ta chỉ nhìn vào hành vi cắt ngực hay nong âm đạo chúng ta sẽ thấy vô lý vì thấy nó không cần thiết. Tuy nhiên, con người chúng ta không xa lạ với việc chấp nhận đau đớn để thay đổi cơ thể dể được những lợi ích về tâm lý xã hội. Nhiều diễn viên Hollywood nhổ cả hàm răng để trồng lại một bộ răng đều tăm tắp. Nha sĩ sẽ khoan vỡ răng của họ, đào lợi để moi chân răng, rồi lấy kìm nhổ hết ra. Đau đớn, nhịn ăn vài ngày, tốn rất nhiều tiền. Nhưng, sau đó họ sẽ tự tin với hàm răng đẹp. Cũng giống như vậy, nhiều người như Phương sẵn sàng trải qua đau đớn để có sự thoái mái tinh thân dài lâu.

Bố mẹ Phương ra về trong một tâm trạng bề bộn, ngổn ngang và vẫn thấy khó chấp nhận con. Khi tiếp xúc với anh chị, tôi cảm nhận được sự cố gắng nỗ lực của anh chị để cởi mở chấp nhận Phương. Anh chị tìm đến tôi mặc dù Phương giới thiệu, bất chấp biết rằng Phương đã chọn để giới thiệu người có lợi cho Phương. Là những công chức cần mẫn, anh chị rất tin vào luật pháp hiện hành. Nhưng, pháp luật hiện hành chưa thực sự rõ ràng trong trường hợp những người chuyển giới. Một mặt, Hiến pháp đã thừa nhận quyền được tự xác định giới tính của mỗi nhân. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa có luật, quy định cụ thể cho phép thực hiện can thiệp chuyển đổi về mặt pháp luật cũng như y tế. Bối cảnh đó tạo điều kiện cho nhiều suy nghĩ sại lệch về người chuyển giới phát triển. Sắp tới đây, khi luật chuyển giới được thảo luận trước Quốc hội sẽ là cơ hội giúp cải thiện vấn đề này. Khi rào cản pháp lý giảm xuống, tôi hi vọng những cha mẹ như phụ huynh của Phương sẽ cảm thấy an tâm hơn khi tìm kiếm chọn lựa cho bản thân họ trong hành trình học cách chia sẻ tương lai với con cái họ.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Cao Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/nhung-ban-tam-ve-su-song-i684835/