Những bất cập trong việc kiểm soát IUU

Năm 2024, chống hoạt động IUU được xem là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam.

Các quy định IUU (các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý) được thiết lập thống nhất trên toàn EU để ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bị đánh giá là có hoạt động IUU, nhằm hướng tới ngành ngư nghiệp, ngành kinh tế thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

Quy định IUU được Ủy ban châu Âu (EC) ban hành năm 2010 nhằm ngăn chặn và loại bỏ việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản có hoạt động IUU vào thị trường EU. Năm 2017, EC đã đưa ra cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam do chưa kiểm soát được hoạt động IUU.

Việt Nam là một trong 21 quốc gia bị EC cảnh báo thẻ vàng. Thủy, hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU bị kiểm soát 100% - Ảnh: IT

Việt Nam là một trong 21 quốc gia bị EC cảnh báo thẻ vàng. Thủy, hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU bị kiểm soát 100% - Ảnh: IT

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 19.8 đã chỉ ra một số bất cập trong thực hiện kiểm soát IUU, cấp giấy S/C và đề xuất hỗ trợ, xem xét cải thiện, tháo gỡ.

Theo VASEP, trong quá trình hợp tác với các chủ thể của chuỗi sản xuất - xuất khẩu hải sản để có được đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ xác thực cho mỗi lô hàng, cộng đồng doanh nghiệp hải sản cũng đã gặp rất nhiều các khó khăn, bất cập - đặc biệt là liên quan đến giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) tại các tỉnh, dẫn đến doanh nghiệp không thể có được hồ sơ cần thiết cho việc xuất khẩu các lô hàng hải sản sang châu Âu. Đây cũng là thực trạng khiến hạn chế đáng kể việc tiêu thụ nguyên liệu cho ngư dân, cũng như giảm đáng kể các dòng hàng sang EU.

Về bất cập trong công tác quản lý tàu khai thác và thủ tục xin cấp giấy S/C, VASEP cho biết sự phối hợp của các bên liên quan trong quản lý tàu khai thác, xử phạt vi phạm còn chưa đồng bộ, thống nhất khiến không ít tàu cá vi phạm ngoài "vùng khơi" chưa cải thiện tích cực. Thực tế, tàu vi phạm (nếu có) thường đa phần là từ vùng khơi, trong đó vùng khơi hiện nay là do các lực lượng chấp pháp (kiểm ngư, hải quân hoặc cảnh sát biển) quản lý.

Một số tàu khai thác khi vào cảng thì chỉ vào cảng chỉ định để trình diện hồ sơ, sau đó đi về cảng khác để bốc dỡ nguyên liệu. Do đó, doanh nghiệp không xin được giấy S/C tại cảng chỉ định. Hơn nữa, hiện nay nhiều tàu khai thác nhỏ (dưới 15m) không cập cảng chỉ định.

Theo quy định, giấy phép khai thác chỉ được ghi nghề chính (Ví dụ nghề lưới kéo), không được ghi nghề phụ (nghề tải) như trước đây, cho nên nhiều tàu khai thác đi nghề tải nhưng trên giấy phép khai thác ghi nghề lưới kéo (do không được ghi thêm nghề phụ). Vì vậy, doanh nghiệp khi mua các lô hàng có hàng từ nguồn gốc do tàu này khai thác thì khi làm giấy S/C cũng không được cấp giấy S/C cho lô nguyên liệu của các tàu này.

Nhiều tàu khai thác không làm giấy cam kết đủ điều kiện an toàn thực phẩm nên cuối cùng các doanh nghiệp cũng đã không thể được cấp giấy S/C để làm điều kiện xuất khẩu được. Về vấn đề này, VASEP cũng đã có báo cáo, kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hồi tháng 4.2024, và Bộ đã có văn bản gửi tới các tỉnh có quản lý tàu thuyền, nhưng tình trạng này cải thiện cũng chưa nhiều.

Hiện nay, tình hình tàu khai thác mất kết nối dữ liệu hành trình vẫn còn nhiều. Có một thực trạng là doanh nghiệp trong nhiều trường hợp dù đã nỗ lực tối đa, nhưng vẫn không thể nắm chắc hay kiểm tra được nguyên liệu thu mua là hợp pháp hay không hợp pháp. Quy định hiện hành không cho doanh nghiệp được kiểm tra giám sát hành trình của tàu cá hoặc dữ liệu giám sát hành chính mà Ban Quản lý Cảng cá và Chi cục được cấp sử dụng.

Vì vậy, doanh nghiệp là chủ thể luôn ở thế bị động trong việc kiểm soát nguồn gốc và tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu khai thác. Chủ tàu cá và đại lý thu mua luôn có các đầu mối tiêu thụ khác không cần đến giấy S/C, nên các chủ thể này ở một số nơi đã không hợp tác, hỗ trợ để doanh nghiệp có được đủ thông tin, chứng từ phục vụ việc làm giấy S/C khi mua nguyên liệu để chế biến xuất khẩu EU. "Rất nhiều trường hợp dở khóc, dở cười ảnh hưởng đến thủ tục xin S/C của doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp đã thu mua nguyên liệu", VASEP cho hay.

Để tháo gỡ các bất cập, vướng mắc theo điều kiện thực tế tại các địa phương trong quản lý khai thác hải sản, thủ tục cấp S/C và khơi thông cho sản xuất, xuất khẩu hải sản, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển và UBND các tỉnh ven biển:

Xem xét có chương trình (đầu tư, cải tạo) để gia tăng số lượng các Cảng cá đủ "chuẩn" được chỉ định, công bố - góp phần cơ bản giải tỏa nút thắt hiện nay khâu quản lý tàu cá cập bến và xác nhận nguyên liệu.

Đầu tư hơn về cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối cảng và thiết bị cho các cảng cá đã được chỉ định/công bố tương xứng với tình hình thực tế.

Website của Cục Thủy sản cập nhật danh sách tàu vi phạm IUU, nhưng sau đó, khi đưa một tàu ra khỏi danh sách thì đề xuất cũng cần có thông báo chi tiết (thời gian rút, lý do) để giúp doanh nghiệp thực hiện và cập nhật cho việc mua hàng và cả xác lập các căn cứ khác liên quan đến các lô hàng liên quan.

Xem xét bổ sung, sửa đổi phù hợp nội dung ghi tại giấy phép khai thác để có thể đủ cả nghề chính và nghề phụ.

Xem xét hỗ trợ có các quy định hoặc biện pháp, hướng dẫn cho các tỉnh (chi cục, cảng cá...) để các doanh nghiệp khi đi mua nguyên liệu khai thác của ngư dân thì có thể biết được trước nguyên liệu đó là hợp pháp hay không hợp pháp làm cơ sở cho việc "làm được giấy S/C, C/C và có thể xuất khẩu sang EU được" vì ngoài thông tin tàu IUU trên website của Cục Thủy sản, thì doanh nghiệp không có quyền kiểm tra dữ liệu giám sát hành trình.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhung-bat-cap-trong-viec-kiem-soat-iuu-222846.html