Những bìa sách bị nhân bản
Nếu xem bìa sách chỉ là yếu tố phụ thì thật sai lầm. Bởi bìa sách chính là 'bộ mặt' của cuốn sách, có tính quyết định cao đến hành vi mua sách của bạn đọc.
Những năm gần đây, thị hiếu và thẩm mỹ của bạn đọc đã cao hơn, điều này đặt ra yêu cầu tác giả phải không ngừng nâng chất lượng trang viết, còn các họa sĩ thiết kế phải không ngừng sáng tạo để có những bìa sách đẹp, hấp dẫn. Vậy nên, chuyện 6 ấn phẩm có chung một “giao diện” là chuyện hy hữu và đầy khó hiểu.
Cụ thể, 6 ấn phẩm gồm: Tuyển tập thơ tiêu biểu đương đại Việt Nam (bản tiếng Hàn, nhiều tác giả), Một mùa hè dưới bóng cây (tập truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế), Ngày kim cương (tập thơ của Vũ Tuấn), Biên bản thặng dư (tập thơ của Phùng Hiệu), Thơ chọn (tập thơ của Doãn Hải), Trên đôi cánh thời gian (tập tản văn của Hoa Mai).
Ngoài Tuyển tập thơ tiêu biểu đương đại Việt Nam, 5 ấn phẩm còn lại đều do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Đối chiếu bìa sách của các ấn phẩm trên, không khó để nhận ra một điều: ngoại trừ tên tác giả, tên tác phẩm, tên thể loại, thì tất cả đều có chung một “giao diện” khi cùng sử dụng tranh của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là một trong số gần 60 bức tranh thuộc triển lãm Người thổi sáo của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, diễn ra vào đầu năm 2021.
6 ấn phẩm trên được phát hành vào các thời gian khác nhau và không ít người tỏ ra bất ngờ, khó hiểu với sự trùng hợp này. Dù lý do nào đi chăng nữa thì sự trùng hợp này cũng cho thấy sự… lười của cả tác giả lẫn họa sĩ thiết kế. Không chỉ lười biếng sáng tạo, mà họ còn thiếu tôn trọng đứa con tinh thần cũng như bạn đọc của mình. Lẽ ra, nếu có trách nhiệm và thực sự tâm huyết thì cả tác giả lẫn họa sĩ thiết kế phải cùng tìm tòi, sáng tạo cho đứa con tinh thần của mình một “chiếc áo” thật đẹp và khác biệt.
Khi công nghệ ngày càng phát triển, đã có không ít cảnh báo về việc AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ dần thay thế con người. Văn học nghệ thuật là lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo cao, mang dấu ấn cá nhân, nhưng cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này. Thực tế đã có không ít bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tranh… được AI thực hiện với chất lượng đáng kinh ngạc. Rõ ràng, nếu các tác giả, họa sĩ thiết kế lười sáng tạo, ưa “ăn sẵn” như câu chuyện nói trên thì việc bị AI thay thế có lẽ sẽ không còn xa.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-bia-sach-bi-nhan-ban-post756373.html