Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.
Làng Ktu có cấu trúc và quy hoạch theo mô hình bàn cờ. Hiện làng có 190 hộ với 781 khẩu. Đa số dân làng Ktu theo đạo Tin lành. Người Bahnar ở Ktu có đất đai khá rộng, làm ruộng lúa nước, trồng hoa màu và chăn nuôi gia súc.
Khi chúng tôi thăm làng, bà con đang thu hoạch lúa. Rơm rạ được dân làng phơi ngổn ngang ở khu đất rộng rãi của nhà văn hóa làng. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Y Chang cũng đang bận bịu công việc đồng áng. Với 25 ha lúa nước trên cánh đồng Krai, trong đó có 10 ha lúa 2 vụ, người làng Ktu không còn lo cái đói.
Nghệ nhân Buk (làng Wâu, xã Chư Á) bên những chiếc gùi. Ảnh: Hùng Hoa Lư
Bí thư Chi bộ Y Chang cho biết: Đến nay, làng đã đạt được 16 tiêu chí nông thôn mới, 3 tiêu chí còn lại đang từng bước hoàn thiện. Trong đó, chỉ tiêu “Di sản văn hóa được kiểm kê, ghi danh, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị đúng quy định” hiện đang là vấn đề khó khăn của làng.
Nhiều người bảo rằng: Ngày xưa, khi làng Ktu chưa dời về vị trí này thì cộng đồng người Bahnar vẫn còn giữ được nhiều phong tục, tập quán như: xây dựng nhà rông và cúng nhà rông mới, cúng giọt nước hay các gia đình đều có tổ chức lễ bỏ mả với cồng chiêng và xoang. Làng cũng có các nghệ nhân chỉnh chiêng, tạc tượng, đan lát và dệt thổ cẩm…
Tuy nhiên, sau một trận dịch, làng có nhiều người qua đời, già làng Ktu quyết định dời về địa điểm gần làng Wâu ngày nay. Từ đó, lần lượt các di sản văn hóa truyền thống đã bị mai một, chưa có điều kiện phục dựng, tôn tạo để phát huy giá trị văn hóa cộng đồng.
Trước đây, một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên quan niệm rằng, chỉ có những buôn làng nghèo, thường xuyên bị dịch bệnh, mất mùa mới không làm nổi nhà rông và mua sắm cồng chiêng. Những gia đình neo đơn, khó khăn, không có trâu bò, heo gà mới không làm lễ bỏ mả cho người thân đã mất hay lễ cầu sức khỏe cho cha mẹ, con cái… Đó là nỗi buồn của những buôn làng không may mắn, cộng đồng rất tự ti, mặc cảm.
Làng Ktu hôm nay tuy vắng bóng ngôi nhà rông truyền thống, không có đội cồng chiêng nhưng đây không phải là làng nghèo, đời sống người dân từng bước được cải thiện, con cái được học hành. Đó là vấn đề cần được quan tâm và có giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số và phải luôn đặt nó trong tổng thể của sự phát triển xã hội ở từng phạm vi buôn làng.
Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng dân tộc thiểu số của TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển. Điều đó chứng tỏ rằng: Thời điểm bấy giờ, các buôn làng này còn lưu giữ được một số di sản đặc sắc của dân tộc mình; không gian và môi trường văn hóa chưa bị phá vỡ bởi những tác động chủ quan và khách quan.
Từ khi phong trào xây dựng nông thôn mới và đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, khai thác bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa thì các buôn làng đã bắt đầu quan tâm đến các thiết chế văn hóa cơ sở. Làng Wâu và Ktu cũng được đưa vào diện quy hoạch, đầu tư phát triển và bảo tồn văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, phương pháp và cách thức đầu tư xây dựng đối với buôn làng đặc thù chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo và triệt để; chưa có sự đồng bộ giữa ngoại lực và nội lực nên hiệu quả đầu tư không như mong muốn.
Làng Wâu đang được quan tâm khôi phục, bảo tồn một số di sản truyền thống đặc sắc của người Bahnar như: cồng chiêng, đan lát… nhưng chưa bền vững và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Vì vậy, cần có sự quan tâm đầu tư cụ thể và thiết thực hơn mới có thể vực dậy những di sản văn hóa bị lãng quên. Nên khơi dậy nội lực của cộng đồng Bahnar nơi đây để chính họ đứng ra bảo tồn các di sản văn hóa và truyền dạy cho thế hệ trẻ, cũng như phát huy nó trong đời sống.
Đối với làng Ktu, cần có sự vận động mạnh mẽ hơn, đồng thời có sự hỗ trợ của ngành Văn hóa và các cơ quan đoàn thể; chọn nhân tố tích cực trong phong trào văn hóa-văn nghệ và các nghệ nhân của làng để xây dựng đội cồng chiêng của làng.
Hai làng Bahnar ở vùng đất phía Đông Nam TP. Pleiku còn nhiều tiềm năng, thế mạnh để phục vụ phát triển du lịch địa phương. Nếu được quy hoạch và đầu tư có trọng điểm, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống thì nơi này sẽ là điểm đến thu hút du khách, tạo điều kiện cho vùng nông thôn ngoại ô thành phố tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, giàu bản sắc.